Chạy đua với thời gian cấp căn cước công dân

Gần 3 tháng qua, Công an thành phố Hà Nội đã tập trung lực lượng, chạy đua với thời gian để cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân theo đúng chỉ đạo của Bộ Công an. Không chỉ thực hiện bằng quyết tâm cao nhất, nhiều cách làm sáng tạo cũng đã được triển khai nhằm đem lại hiệu quả tối đa.

Người dân tới làm căn cước công dân có gắn chíp tại quận Đống Đa. Ảnh: Nhật Nam

Tạo mọi điều kiện cho người dân Thủ đô

Những ngày đầu tháng 4 này, tại Nhà Văn hóa tổ dân phố số 1, 2 Mễ Trì Hạ (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm), người dân đến làm căn cước công dân khá đông. Tuy nhiên, do được thông báo theo danh sách nơi cư trú nên công dân không mất nhiều thời gian chờ làm thủ tục. Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Cảnh sát khu vực Công an phường Mễ Trì cho biết, những ngày qua, có trường hợp 1h sáng vẫn có người dân đến làm căn cước công dân, 2h cán bộ, chiến sĩ công an mới dọn đồ về đơn vị nhưng đến 6h lại đã có mặt để tiếp đón người dân theo lịch hẹn.

Tương tự, nhiều ngày qua, từ sáng sớm, cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Phú Xuyên) đã có mặt tại địa chỉ được thống nhất với các đơn vị, địa phương để làm nhiệm vụ cấp căn cước công dân. Được huấn luyện thuần thục nên mặc dù có thời điểm rất đông người đến làm nhưng các cán bộ, chiến sĩ vẫn bảo đảm để nhân dân không phải chờ đợi lâu. Ông Hà Ngọc Dũng, thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) bị tai biến, việc đi lại gặp khó khăn nên được ưu tiên làm thủ tục trước. Bà Phùng Thị Lội (vợ ông Dũng) nói: “Việc cấp căn cước công dân tại cơ sở giúp người dân, nhất là người già hoặc ốm đau rất thuận lợi, thủ tục làm lại nhanh gọn nên ai cũng phấn khởi”.

Còn anh Nguyễn Anh Dũng, phố Phó Đức Chính, (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) nói. “Việc làm thủ tục cấp căn cước công dân nhanh gọn vì đã có hẹn theo giờ, gia đình nào được mời đến làm theo thời gian nào đều theo tính toán của cảnh sát khu vực nên không có chuyện ùn tắc, xếp hàng. Chưa khi nào người dân thấy gần gũi, gắn bó và chia sẻ với lực lượng công an như trong nhiều ngày qua khi đi làm căn cước công dân”.

Theo Thiếu tá Nguyễn Anh Đức, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an quận Ba Đình) hầu hết người dân trên địa bàn đến làm căn cước công dân đều chia sẻ rằng việc làm căn cước rất tiện lợi vì không cần phải lăn tay qua mực đen, không cần viết tờ khai, mà chỉ cần mang hộ khẩu, đọc thông tin cá nhân. Sau đó, lực lượng công an sẽ vào hệ thống dữ liệu dân cư về quốc gia đã được Bộ Công an cập nhật, trích xuất dữ liệu thuận tiện.

Thượng tá Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng thông tin, đơn vị đã triển khai được gần 16 xã trên địa bàn. Theo đó, địa bàn huyện Đan Phượng có 36.896 nhân khẩu đủ điều kiện cấp căn cước công dân, đã lấy số liệu cấp mới được 22.220 người. Để hoàn thành tiến độ trước ngày 30-4, Công an huyện duy trì 10 tổ công tác với 4 kíp máy làm việc bất kể ngày - đêm, cả thứ bảy và chủ nhật. Người dân ở địa bàn xã khác cũng có thể đến xã có điểm cấp căn cước lưu động để làm.

Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ

Quá trình triển khai cấp căn cước công dân gắn chíp điện tử thời gian qua tại Hà Nội cũng đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều cách làm sáng tạo, công an các địa phương từng bước vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng Công an quận Đống Đa, 21/21 phường trên địa bàn quận đã được tổ chức làm thủ tục cấp căn cước công dân tại cơ sở. Để đạt hiệu quả cao, Công an quận chia kế hoạch cấp căn cước công dân làm 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu là thực hiện “cuốn chiếu”, địa bàn nào dứt điểm địa bàn đó. Sau đó, còn tổ dân phố, cụm dân cư nào còn công dân chưa đi cấp đổi thì sẽ được cảnh sát khu vực rà soát gửi giấy mời đến làm thủ tục…

Trong khi đó, Thượng tá Nguyễn Tuấn Khởi, Phó Trưởng Công an huyện Đan Phượng cho biết, với đặc thù có nhiều làng nghề nên trong quá trình lao động phát sinh những tình huống như dấu vân tay công dân bị mòn hoặc bị tai nạn lao động mà thiếu vân tay… Do đó, Công an huyện đã sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khắc phục, như: Ngâm tay vào xô đá để co giãn cơ, hằn dấu vân tay thuận tiện cho công tác lưu trữ... “Với những người đi học, đi làm xa nhà, UBND xã thông báo tới gia đình để truyền đạt lại cho người thân biết. Ngoài ra, cán bộ xã ứng trực cùng lực lượng công an để làm thủ tục xác nhận cho nhiều người bị mất giấy tờ”, ông Nguyễn Đình Thụ, Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) nói.

Với khẩu hiệu “làm hết việc, không làm hết giờ, phục vụ đến người dân cuối cùng mới nghỉ”, Đại tá Ngô Duy Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, gần 3 tháng qua, Công an thành phố đã hoàn thành thủ tục của hơn 1 triệu hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chíp. “Riêng trong tháng 3, chúng tôi đã thực hiện được 739.005/892.800 hồ sơ. Hiện tại, 3 đơn vị cấp được nhiều nhất là Công an quận Hà Đông với khoảng 75.000 hồ sơ, Công an quận Long Biên với gần 63.000 hồ sơ, Công an huyện Mỹ Đức với gần 45.000 hồ sơ”, Đại tá Ngô Duy Thắng cho biết thêm.

Còn Đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, Công an thành phố sẽ thực hiện nghiêm Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 30-3-2021 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác cấp căn cước công dân gắn chíp trên địa bàn thành phố. Đến nay, toàn thành phố đã đạt mục tiêu lập danh sách cho hơn 1 triệu công dân, tương đương 1/6 khối lượng công việc Bộ Công an giao. Với sự hỗ trợ, chung sức của chính quyền địa phương và nhân dân, Công an thành phố Hà Nội phấn đấu đến ngày 5-6-2021 sẽ hoàn thành mục tiêu cấp hơn 6 triệu căn cước công dân gắn chíp điện tử cho người dân.

Chu Dũng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/995486/chay-dua-voi-thoi-gian-cap-can-cuoc-cong-dan