Chạy đua tăng trưởng tín dụng cuối năm

Tín dụng đối với nền kinh tế đang có những điểm nghẽn nhất định. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng cho cả năm 2018 là 17%, giới chuyên gia cho rằng, cần phải bổ sung thêm trợ lực.

Trong 4 tháng cuối năm, ngành ngân hàng phải đẩy ra nền kinh tế thêm khoảng 573.000 tỷ đồng mới đạt được chỉ tiêu năm.

Tín dụng tăng 8,5%

Theo số liệu của Ngân hàng nhà nước (NHNN), dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế cuối năm 2017 ở mức 6,5 triệu tỷ đồng, tăng 18,17%. Trong năm 2018, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được đưa ra là 17%. Dữ liệu cập nhật mới nhất cho thấy, đến ngày 30/8 vừa qua, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 8,5%, đồng nghĩa với việc mới có khoảng 527.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Như vậy, 4 tháng còn lại, ngành ngân hàng phải đẩy ra nền kinh tế thêm khoảng 573.000 tỷ đồng mới đạt được chỉ tiêu cả năm.

Thế nhưng, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế đang có những hạn chế nhất định. Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang dè dặt trong việc nới rộng sản xuất kinh doanh. Thứ hai, nhiều lĩnh vực sản xuất vẫn thiếu vốn, trong khi vốn lại được đổ vào các lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Do vậy, ngành ngân hàng sẽ phải chạy đua giải ngân vốn.

Công ty Chứng khoán Tp HCM (HSC) nhận định: “Nếu tăng trưởng GDP quý III có dấu hiệu giảm tốc thì NHNN có thể sẽ phải nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số Ngân hàng Thương mại (NHTM), hướng về mức 17% nhằm giúp đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm”.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, nhu cầu vốn cho nền kinh tế, kể cả hiện nay cũng như trong tương lai, đặc biệt trong những lĩnh vực được ưu tiên, ưu đãi, đều đã được tính đến, và các NHTM vẫn luôn đảm bảo thanh khoản cho những ưu tiên này.

Lãi suất có xu hướng tăng

Cũng trong thời gian gần đây, một số ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động. Trong số đó, ngân hàng VietinBank đã điều chỉnh lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tăng thêm 0,2%, lên 4,3%/năm. Kỳ hạn từ 4 tháng đến dưới 6 tháng của ngân hàng này cũng tăng thêm 0,2%, lên 4,8%. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng áp dụng mức 5,3%, tăng 0,2%.

Agribank cũng đã tăng lãi suất thêm 0,1-0,2% ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,2%/năm, lên 4,3%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2%/năm, lên 6,8%/năm; kỳ hạn 24 tháng tăng thêm 0,1%/năm, lên 6,8%/năm.

Trước đó, BIDV cũng đã thông báo điều chỉnh lãi suất huy động. Theo biểu lãi suất mới công bố, khách hàng cá nhân gửi tiền không kỳ hạn bằng VNĐ tại BIDV lãi suất tối đa là 0,1%/năm. Đối với kỳ hạn 1 tháng đến 2 tháng, mức lãi suất được áp dụng là 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng mức lãi suất tối đa là 4,6%/năm. Kỳ hạn 5 tháng, BIDV áp dụng lãi suất 4,8%/năm. Tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng có mức lãi suất là 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng có mức lãi suất là 5,5%/năm.

Tài khoản tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng lãi suất tối đa là 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng lãi suất khách hàng được hưởng là 6,9%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 13 tháng đến 18 tháng lãi suất ở mức 6,8%/năm. BIDV áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất 6,9%/năm cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 24 tháng trở lên. ụ thể, theo biểu lãi suất mới công bố, khách hàng cá nhân gửi tiền không kỳ hạn bằng VNĐ tại BIDV lãi suất tối đa là 0,1%/năm.

Đối với kỳ hạn 1 - 2 tháng mức lãi suất được áp dụng là 4,3%/năm; kỳ hạn 3 tháng mức lãi suất tối đa là 4,6%/năm. Kỳ hạn 5 tháng BIDV áp dụng lãi suất 4,8%/năm. Tài khoản tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng lãi suất là 5,3%/năm; kỳ hạn 9 tháng mức lãi suất là 5,5%/năm.

Tài khoản tiết kiệm kỳ hạn dưới 12 tháng lãi suất tối đa là 6,8%/năm; kỳ hạn 12 tháng lãi suất khách hàng được hưởng là 6,9%/năm. Tiền gửi kỳ hạn 13 tháng đến 18 tháng lãi suất ở mức 6,8%/năm.

Như vậy, có thể thấy hàng loạt ngân hàng thương mại đã điều chỉnh lãi suất huy động, đặc biệt là kỳ hạn trung, dài hạn. Bên cạnh đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng tăng gấp 4-5 lần trong vòng 2 tháng qua, lượng giao dịch tăng vọt. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), điều này cho thấy, thanh khoản của hệ thống đang có dấu hiệu căng thẳng trở lại.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng không có dấu hiệu căng thẳng và không phải là nguyên nhân để các ngân hàng đẩy lãi suất lên cao. Nguyên nhân chính để ngân hàng tăng lãi suất huy động, ngoài việc duy trì cạnh tranh trên thị trường huy động, chuẩn bị nguồn vốn để cho vay cuối năm, là do các ngân hàng đang khát vốn trung và dài hạn. Theo quy định của Thông tư 19/2017//TT-NHNN, từ ngày 1/1/2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm chỉ còn 40%, thay vì 45% như năm nay.

Mặc dù lãi suất huy động tăng, song theo nhận định của nhiều chuyên gia, xu hướng này sẽ không kéo dài và sẽ tác động không đáng kể đến lãi suất cho vay do Chính phủ đang quyết tâm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía NHNN, Vụ Chính sách tiền tệ cam kết, thời gian tới, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất, tỷ giá theo hướng đảm bảo giá trị của tiền đồng, khiến người nắm giữ tiền đồng luôn có lợi nhất so với nắm giữ các loại ngoại tệ khác.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/kinh-te/chay-dua-tang-truong-tin-dung-cuoi-nam-tintuc415124