Chạy đua ngân hàng số

Ngân hàng số đang là một chủ đề nóng trong mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay và cũng là hướng đi được nhiều ngân hàng lựa chọn trong chiến lược phát triển thời gian tới.

Với việc cho ra mắt ứng dụng OCB OMNI , OCB đã trở thành ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam.

Chia sẻ tại ĐHĐCĐ năm 2018 của Ngân hàng VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cho hay, trong 8 mục tiêu kinh doanh của khối bán lẻ của VIB, ngân hàng số được ưu tiên hàng đầu. Bởi đây không chỉ là xu hướng mà còn là nền tảng giúp giảm thiểu chi phí cho ngân hàng. Hiện VIB đã có MyVIB là app rất tốt, được người dùng đánh giá cao. Ngoài ra, trên website, ngân hàng cũng đang xây dựng chuyển đổi để phục vụ cho tất cả các hoạt động ngân hàng, trở thành kênh hoạt động có tỷ trọng lớn song song cùng ngân hàng truyền thống...

Năm 2017, VIB đã mua lại chi nhánh TP.HCM của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) nhằm tiếp nhận những quy trình, công nghệ, các sản phẩm, cách tiếp cận với khách hàng... phục vụ cho hoạt động bán lẻ. Thời gian tới, VIB sẽ nhân rộng mô hình của CBA ra các chi nhánh...

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cũng cho hay, một trong các trọng tâm đầu tư của VPBank là dịch vụ ngân hàng số và ngân hàng đang có kế hoạch công bố một thương hiệu mới về ngân hàng số trong nửa đầu năm 2018. Theo đó, dự án này đã được VPBank đầu tư từ năm 2017, qua thời gian thử nghiệm đã cho một số kết quả khả quan. Theo ông Vinh, hiện VPBank đã có gần 600.000 người sử dụng dịch vụ này và ngân hàng cũng đã huy động được hơn 10.000 tỷ đồng thông qua dịch vụ ngân hàng số, chiếm tới 41% số tài khoản tiết kiệm mới mở. Cùng với đó, hơn 42.000 khoản vay đã được thực hiện qua kênh ngân hàng số; trong đó 30.000 giao dịch thực hiện qua thẻ tín dụng. Nhờ đó, giao dịch tại quầy của VPBank hiện đã giảm tỷ lệ xuống chỉ còn 17-18%.

Từ năm 2016, Ngân hàng LienVietPostBank cũng bắt đầu gia nhập lĩnh vực ngân hàng số với sản phẩm Ví Việt và đã gặt hái được nhiều thành công. Tính đến tháng 3/2018, Ví Việt đã có hơn 2 triệu người sử dụng và hơn 18.000 điểm chấp nhận thanh toán.

Ông Nguyễn Đình Thắng, “cha đẻ” của Ví Việt, đã trở thành tân Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank nhiệm kỳ năm 2018-2023 vào ngày 28/3 vừa qua. Dưới sự dẫn dắt của ông Thắng, ngân hàng số chắc chắn sẽ là hướng đi được ưu tiên hàng đầu tại LienVietPostBank. Ông Thắng cho biết, với mức đầu tư 100 tỷ đồng, ứng dụng Ví Việt đã có thể cung cấp 3/4 chức năng online thay thế các dịch vụ tại quầy giao dịch, bao gồm phương tiện thanh toán, huy động tiết kiệm, cho vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm. Riêng chức năng thứ 4 là tư vấn dịch vụ, quản trị tài chính cá nhân, khởi tạo vay thế chấp, tín chấp online, LienVietPostBank đang xây dựng và sẽ ra mắt trong thời gian tới. LienVietPostBank dự kiến thời gian tới, sản phẩm Ví Việt sẽ đạt hơn 3 triệu người sử dụng, hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán và kết nối dịch vụ với các đối tác thương mại, cung cấp dịch vụ lớn...

Tháng 3 vừa qua, VietinBank cũng vừa công bố thỏa thuận hợp tác với một công ty fintech là Công ty Opportunity Network để cung ứng dịch vụ kết nối khách hàng trên nền tảng số hóa. Nền tảng này đặc biệt hữu ích đối với các DN vừa và nhỏ khi mạng lưới đối tác khách hàng của phân khúc này chưa đa dạng, DN phải bỏ ra nhiều chi phí, tập trung nhân lực để tìm kiếm các đối tác uy tín. Với việc kết nối DN trên nền tảng số hóa, các DN có thể tìm kiếm cơ hội kinh doanh đa dạng như mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm. Ngoài ra, DN có thể tìm kiếm đối tác chiến lược kêu gọi tham gia vốn, nhận chuyển giao công nghệ và con người, mua bán - sáp nhập (M&A), hợp tác liên doanh, đầu tư cải tiến máy móc, trang thiết bị... Từ đó, DN mở rộng hoạt động ở các thị trường mới, tăng cường hợp tác thương mại xuyên biên giới, tối ưu hóa việc sử dụng tài sản, huy động vốn, phát triển kinh doanh trong nước và quốc tế.

Ngân hàng OCB cũng vừa cho ra mắt ứng dụng OCB OMNI áp dụng nền tảng Omni-Channel (hợp kênh) vào các hoạt động của ngân hàng, đánh dấu bước ngoặt mới trở thành ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam. Trên nền tảng này, hàng loạt sản phẩm ưu việt sẽ lần lượt được OCB phát triển và giới thiệu ra thị trường theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2020. Theo đó, trong dịp ra mắt OCB OMNI, OCB cũng công bố các sản phẩm đầu tiên của giai đoạn 1, nổi bật là các sản phẩm, tính năng khác biệt như: Quản lý tài chính; giỏ thanh toán; thanh toán định kỳ, tương lai; sổ tay tiện ích (widget); mở sổ tiết kiệm online…

Số hóa trong ngành ngân hàng là xu hướng tất yếu để các ngân hàng tồn tại và phát triển trong thời đại mới trước sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và việc ngày càng có nhiều khách hàng sử dụng các sản phẩm dịch vụ được cung cấp bởi Fintech. Dưới áp lực phải nâng cao trải nghiệm của khách hàng, tăng trưởng doanh thu và cắt giảm chi phí, các ngân hàng đã buộc phải đẩy mạnh đầu tư chuyển đổi sang kỹ thuật số và tăng cường hợp tác với Fintech để học hỏi và mua lại những công nghệ tài chính mới để cải tiến quy trình vận hành.

Do đó, theo dự báo của bộ phận nghiên cứu - Ngân hàng LienVietPostBank (LPBResearch), ngân hàng số sẽ là bước tiến tiếp theo của ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam mặc dù hiện nay, đa phần các ngân hàng chưa có chiến lược phát triển ngân hàng số bài bản. Theo McKinsey, trên thế giới, các ngân hàng sẽ có từ 3-5 năm để phát triển ngân hàng số nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi dịch vụ bán lẻ. Vì vậy, trong năm 2018, LPBResearch dự báo các ngân hàng sẽ có những bước đi mạnh mẽ hơn trong việc nghiên cứu và ứng dụng ngân hàng số để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm mới ưu việt và cắt giảm chi phí hoạt động cho ngân hàng.

Khải Kỳ

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/chay-dua-ngan-hang-so.aspx