Cháy di tích - khi thiệt hại không thể tính bằng tiền

Trưa 2-4-2019, toàn bộ gian thờ chính của chùa Thanh Sơn, xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn bất ngờ bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân ban đầu được đưa ra là có thể do thắp đèn dầu trên ban thờ, sau đó lửa đã bén sang các vật dụng khác và gây ra sự cố. Sau vụ cháy, toàn bộ đồ thờ, tượng Phật tại chùa đã hư hỏng nặng. Đây không phải lần đầu tiên chúng ta chứng kiến một di tích bị tàn phá nặng nề bởi hỏa hoạn…

Hiện trường vụ cháy đình Lưu Xá - Thái Bình ngày 27-11-2017 - Ảnh: Duy Nghĩa

Hiện trường vụ cháy đình Lưu Xá - Thái Bình ngày 27-11-2017 - Ảnh: Duy Nghĩa

Những tổn thất nặng nề

Ngày 8-12-2018, đình Thọ Tháp ở Cầu Giấy cháy. Ngọn lửa chỉ được phát hiện khi các hộ dân xung quanh ngửi thấy mùi khét và nhiều khói đen bốc lên từ ở gian thờ chính. Trong nháy mắt lửa đã bùng phát dữ dội trùm lên toàn bộ đình. Khi lực lượng PCCC có mặt dập tắt được ngọn lửa thì toàn bộ đồ thờ tự đã bị hủy hoại. Đình Thọ Tháp tương truyền được xây dựng từ thời Triệu Việt Vương, gắn liền với truyền thuyết Chử Đồng Tử, Tiên Dung. Đình thờ tướng Triệu Chí Thành là người có công đánh dẹp quân Lương năm 550.

Ngày 27-11-2017, khi người dân phát hiện cũng là lúc đám cháy ngùn ngụt bốc lên ở đình Lưu Xá (còn gọi là đình Lưu), xã Đông Phương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Toàn bộ đồ thờ tự cùng hệ mái được làm từ gỗ quý nên lửa bén nhanh, cột khói bốc cao cả chục mét. 14h chiều cùng ngày, ngọn lửa mới được khống chế và dập tắt.

Từ vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp) ngày 15-4-2019 khiến cả thế giới xót xa, lo lắng “số phận” nhiều di tích văn hóa trước nguy cơ hỏa hoạn

Đây là một ngôi đình rất quý thờ Phúc Thần Nam Hải được xây dựng năm 1670, bao gồm 3 gian, 2 chái, cột kèo đều làm từ gỗ lim, diện tích 170m2. Trải qua thời gian, sau nhiều lần tu sửa, đến năm 1990 đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn, đình Lưu Xá đang xây dựng phần hậu cung. Vụ cháy khiến người dân trong vùng bàng hoàng đau xót, bởi đây là ngôi đình cổ với các mảng chạm tinh xảo nay đã không thể phục hồi được nữa.

Di tích làng Quỳnh Đôi (Nghệ An) bị cháy đúng vào mùng 2 Tết Bính Thân (tức ngày 9-2-2016) sau khi một người dân vào đình thắp hương. Khi ngọn lửa bốc lên, mặc dù mọi người đã rất tích cực dập lửa, nhưng không kịp, tất cả bị thiêu rụi trong vài giờ đồng hồ.

Nửa đêm 5-11-2016, tại chùa Tĩnh Lâu (còn gọi là chùa Sải) thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội đã xảy ra một vụ cháy lớn. Rất may, vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng đã thiêu rụi toàn bộ nhà Tổ cùng đồ thờ. Trước đó, năm 2011 cũng tại quận Tây Hồ, chùa Tảo Sách bị lửa thiêu rụi toàn bộ gian Tam Bảo. Rạng sáng 1-12-2013, ngôi đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh, Thọ Xuân, Thanh Hóa bốc cháy dữ dội. Mọi nỗ lực sau đó cũng gần như không cứu được gì.

Sáng 7-7-2014, hỏa hoạn xảy ra tại đền Nhạn Tháp ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, Nghệ An. Ngôi đền từng được Bộ VH-TT&DL xếp hạng Di tích lịch sử Nghệ thuật kiến trúc quốc gia năm 1993 đã tổn thất nặng khi toàn bộ phần hậu cung bị thiêu rụi, mái ngói đổ sập, đồ thờ tự cháy sém và ám khói đen.

Đến tháng 7-2013, hỏa hoạn tại chùa Hội Sơn - một ngôi chùa cổ được xếp hạng Di tích kiến trúc Nghệ thuật cấp quốc gia ở TP.HCM. Chính điện, hậu cung, các tượng cổ bằng gỗ quý và cả bức hoành phi với dòng đại tự “Vạn đức hồng danh” do vua Khải Định ban tặng cũng hóa tro tàn.

Cháy đình Thọ Tháp (Cầu Giấy, Hà Nội)

Công tác PCCC tại các di tích bị xem nhẹ

Trên đây mới chỉ là con số thống kê rất sơ sài về các vụ cháy di tích, mà đã là di sản văn hóa thì thiệt hại không thể tính được bằng tiền. Những vụ cháy kể trên đã gây ra những mất mát, tổn thất nặng nề cho văn hóa Việt và cả ngành bảo tồn di sản. Sau khi những sự cố xảy ra, các cơ quan chức năng, các nhà quản lý văn hóa cũng ngồi lại và đưa ra đủ phương án, biện pháp khắc phục hậu quả, kế hoạch PCCC. Song, hỏa hoạn vẫn tìm đến.

Nguyên nhân thì có nhiều, biện pháp khắc phục cũng có, nhưng để rộng dài, làm từ gốc đến ngọn cho đồng bộ thì đụng đâu cũng đầy khó khăn. Nhiều di tích tín ngưỡng mở cửa xã hội hóa, đèn điện, nến điện vì thế mà được cung tiến. Dây điện loằng ngoằng đấu nối giữa các ban thờ cũng là một trong những nguyên nhân gây nên hỏa hoạn. Rất nhiều ngôi chùa xảy cháy nguyên nhân đều được xác định do chập điện.

Những gì còn lại sau vụ cháy chùa Thanh Sơn, Sóc Sơn, Hà Nội (Ảnh: Nguyễn Bình)

Công tác PCCC cho di tích được đặt ra nhưng cơ bản vẫn thiếu đồng bộ. Ở một số di tích, ngoài bình bọt ra thì không còn gì khác. Nếu có một cuộc tổng kiểm tra về bình bọt chữa cháy tại di tích và nơi thờ tự, chắc hẳn nơi có, nơi không, hoặc có nhưng không hoạt động được vì… quá hạn sử dụng.

Nhiều kiến trúc sư, nhà nghiên cứu đã lên tiếng về việc thiết kế các trụ cứu hỏa hoặc bể chứa nước tại chỗ phòng khi rủi ro, nhưng vẫn chưa có mấy di tích đáp ứng được tiêu chuẩn này vì còn phụ thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất, cảnh quan. Thậm chí có người nói, việc xây trụ cứu hỏa, bể trữ nước là lo quá… xa. Và trong khi công tác PCCC tại các di tích, đình chùa… vẫn bị coi nhẹ thì hỏa hoạn xảy ra cũng không có gì là khó hiểu.

Vân Quế

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/chay-di-tich-khi-thiet-hai-khong-the-tinh-bang-tien/807715.antd