Chạy chứng chỉ hành nghề giá 'trăm triệu': Giám đốc Trung tâm pháp y lên tiếng

Bốn người 'thực hành chui' ở Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên (BVĐK Tây Nguyên) để được cấp chứng chỉ hành nghề y đều do ông Bùi Bình Trung (đại diện phòng khám Dr Trung, địa chỉ ở TP Buôn Ma Thuột) ký hợp đồng và đóng tiền học phí. Ông Trung là Giám đốc Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế Đắk Lắk.

BVĐK Tây Nguyên nơi hợp thức hóa hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề cho 4 người

BVĐK Tây Nguyên nơi hợp thức hóa hồ sơ để cấp chứng chỉ hành nghề cho 4 người

Nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm

Ngày 16/6, bác sỹ (BS) Nguyễn Đại Phong - Giám đốc BVĐK Tây Nguyên cho biết, đã có báo cáo giải trình bài viết: “Chạy” chứng chỉ hành nghề y giá hàng trăm triệu đồng” mà Tiền Phong đã đăng tải.

Theo đó, tháng 7/2018, đại diện Phòng khám Dr Trung (do ông Bùi Bình Trung – Giám đốc Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk làm đại diện, địa chỉ số 37 Nguyễn Công Trứ, TP Buôn Ma Thuột) đến BVĐK Tây Nguyên đặt vấn đề xin học nâng cao trình độ chuyên môn cho 7 BS.

BS Bùi Bình Trung ký hợp đồng và đóng tiền học phí cho 7 BS này (có hóa đơn đỏ). Sau này chỉ có 4 người nộp hồ sơ và được BVĐK Tây Nguyên ký quyết định cho học nâng cao trình độ 12 tháng (từ 1/9/2018 đến 1/9/2019) tại khoa Chấn thương chỉnh hình.

Tuy nhiên, khi làm thủ tục bệnh viện không gọi từng cá nhân lên để quán triệt các nội quy, quy chế. Ngoài ra, lợi dụng thời điểm bệnh viện di dời sang địa điểm mới, các BS này không đến thực hành đầy đủ. Kết thúc 12 tháng thực hành “chui”, Phó giám đốc BVĐK Tây Nguyên BS Y Bliu không xem xét kỹ hồ sơ, rồi ký xác nhận thời gian thực hành cho 4 BS nói trên. Nhờ vậy, cả 4 người đều được Sở Y tế Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề y.

Với những sai sót này, BVĐK Tây Nguyên đã thi hành kỷ luật cảnh cáo BS H’Xuân Niê - cán bộ phòng Kế hoạch tổng hợp; Ban giám đốc kiểm điểm nghiêm khắc phê bình rút kinh nghiệm.

Theo BVĐK Tây Nguyên, việc cấp chứng chỉ hành nghề y còn có trách nhiệm của các phòng chuyên môn thuộc Sở Y tế Đắk Lắk. “Nếu hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định thì Sở Y tế yêu cầu đương sự phải bổ sung đủ trong thời hạn 5 ngày. Nếu sau 5 ngày không bổ sung được thì có thể kéo dài 60 ngày mới xem xét. Khi hết thời hạn, nếu hồ sơ không hợp lệ Sở Y tế có quyền trả hồ sơ và từ chối cấp chứng chỉ hành nghề” – lược trích báo cáo của BVĐK Tây Nguyên. Qua đó, bệnh viện đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ, “chạy” chứng chỉ hành nghề y có biểu hiện tiêu cực hay không.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Bình Trung cho biết, tất cả hồ sơ tại BVĐK Tây Nguyên đều do vợ ông làm, ông không hay biết gì. “Phòng khám của tôi đóng cửa lâu rồi. Thời điểm này (thời điểm làm hồ sơ cho 4 BS-PV) tôi và vợ đã ly thân, chứ tôi hoàn toàn không biết gì” – ông Trung nói.

Cấp chứng chỉ giá hàng trăm triệu

Như Tiền Phong đã đưa tin, Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk vừa phát hiện 4 trường hợp đang công tác ngành y ở các tỉnh khác đến BVĐK Tây Nguyên “thực tập chui” để được cấp chứng chỉ hành nghề ngành y. Giá mỗi bộ hồ sơ lên đến hàng trăm triệu đồng.

4 trường hợp được Thanh tra Sở Y tế Đắk Lắk “bêu” tên, gồm: ông Huỳnh Văn Bình (SN 1985); ông Hứa Chí Cường (SN 1982); ông Lê Anh Tài (SN 1978) và ông Huỳnh Thanh Giàu (SN 1976).

Hồ sơ thể hiện, thông qua mạng xã hội, ông Bình liên hệ với một người phụ nữ tên Ý (ở TP Hồ Chí Minh) để được người này giúp có được chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh (chứng chỉ hành nghề thẩm mỹ viện - PV). Người phụ nữ này hướng dẫn ông Bình gặp bà Lê Thị Ánh Hồng (người tự xưng là bác sĩ chuyên khoa Da liễu, trú tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Bà Hồng được xác định là vợ của ông Bùi Bình Trung.

Qua trao đổi, bà Hồng cho ông Bình xem một số trường hợp đã làm được chứng chỉ hành nghề này, đồng thời cam kết tất cả đều có hồ sơ gốc đầy đủ và hợp lệ. Bà Hồng là người làm hết hồ sơ thực tập từ đầu đến cuối cho ông Bình tại khoa Chấn thương chỉnh hình thuộc BVĐK Tây Nguyên. Thực tế, ông Bình chỉ có mặt ở bệnh viện khoảng 1 tháng (tháng 7/2018). Sau khi kết thúc thực tập, ông Bình được Sở Y tế Đắk Lắk (giai đoạn giám đốc cũ-PV) cấp chứng chỉ hành nghề liên quan. Giá trọn gói của chứng chỉ này hết 220 triệu đồng.

Tương tự, trường hợp của ông Cường và ông Giàu cũng được BVĐK Tây Nguyên xác nhận hoàn thành thực tập, đã được Sở Y tế Đắk Lắk cấp chứng chỉ hành nghề. Giá mỗi chứng chỉ lên đến 300 triệu đồng.

Vũ Long

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/ban-doc/chay-chung-chi-hanh-nghe-gia-tram-trieu-giam-doc-trung-tam-phap-y-len-tieng-1674112.tpo