Cháy bỏng tình yêu nghề - yêu người

'Cuộc họp phụ huynh hạnh phúc' hay cây 'ATM - Hạnh phúc'… là những sáng tạo, tâm huyết của nhiều nhà giáo Thủ đô, những người luôn cháy bỏng tình yêu nghề - yêu người.

Cô Vũ Thị Lan Anh cùng các học sinh trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2020 - Ảnh nhân vật cung cấp

Cô Vũ Thị Lan Anh cùng các học sinh trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2020 - Ảnh nhân vật cung cấp

“Cuộc họp phụ huynh hạnh phúc” tạo nên thương hiệu nhà trường

Là nhà giáo vừa được trao giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo” lần thứ 5 của ngành GD&ĐT Hà Nội, cô Vũ Thị Lan Anh, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm, người đã có 30 năm công tác nhưng vẫn không ngừng học tập, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý, ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, khơi nguồn truyền cảm hứng cho học sinh và đồng nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, cô Lan Anh cho biết để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, bản thân cô nhận thấy phải xây dựng được mối quan hệ gần gũi gắn bó tốt đẹp giữa nhà trường với phụ huynh học sinh. Người làm tốt nhiệm vụ này chính là các thầy cô giáo chủ nhiệm vì họ là cầu nối để chuyển tải các nội dung giữa lãnh đạo nhà trường với phụ huynh.

Học kỳ I năm học 2018-2019, cô đã triển khai thí điểm “Buổi họp phụ huynh hạnh phúc” tại lớp 2 lớp học thuộc khối lớp 7 và 8, sau buổi họp, nhà trường đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ các em học sinh và phụ huynh của lớp.

Thông qua buổi tập huấn, các thầy cô giáo chủ nhiệm đã tổ chức các cuộc họp phụ huynh theo cách làm mới. Theo đó, cha mẹ các em đến dự họp không phải để nghe các thầy cô giáo chủ nhiệm thông báo, nhận xét về kết quả học tập và khuyết điểm của con mình, mà buổi học thực sự là cuộc trao đổi thân mật, ấm áp giữa các thầy cô với phụ huynh, giữa phụ huynh với phụ huynh.

Ở cuộc họp này, cô giáo chia sẻ cho các bậc phụ huynh những lá thư nói lên những tâm sự của các con với bố mẹ và cũng chuyển tận tay đến các con lá thư “bố mẹ viết cho các con”; rồi bố mẹ có thể tham gia các gameshow bằng việc trả lời các câu hỏi liên quan đến việc học tập, tâm tư, tình cảm của các con. Từ đó bố mẹ tự nhận thấy mình đã hiểu các con được bao nhiêu phần trăm để các bậc phụ huynh tự thấy cần phải dành sự quan tâm cho các con nhiều hơn.

“Các buổi họp như vậy đã tạo thêm tình cảm gắn bó, sự chia sẻ, đồng hành của cha mẹ các em học sinh với nhà trường, đó cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần vào thành công của nhà trường”, cô Lan Anh cho biết.

Biến thách thức của dịch bệnh để khơi nguồn sáng tạo

Cô Lan Anh thông tin trong thời gian qua, nhà trường đã hoàn thành nhiệm vụ kép: Vừa phòng chống dịch, vừa tăng cường giáo dục kỹ năng sống, lan tỏa văn hóa đọc đến với học sinh.

Xác định việc giáo dục kỹ năng sống cho các con là vô cùng cần thiết, cô Lan Anh đã đưa nội dung này vào tiết học trong ngày, hướng dẫn các thầy cô tìm các chủ đề thiết thực để dạy cho các con. Học sinh tất cả các khối lớp đều được học các kỹ năng sống bổ ích, cần thiết (kỹ năng thoát hiểm, cách phòng vệ, phòng chống xâm hại, chống đuối nước, chữa say nắng, sơ cấp cứu, giáo dục giới tính…). Qua đó, các em được trang bị những tri thức cơ bản khi đứng trước ngưỡng cửa của tuổi trưởng thành.

Trong những chuỗi ngày tháng dài nghỉ chống dịch COVID-19, cô Lan Anh đã cùng với các thầy cô tiếp tục tổ chức các buổi đọc sách hàng tuần, thi giới thiệu sách trực tuyến. Mỗi học sinh sẽ có 10 phút để giới thiệu về cuốn sách mà mình đã đọc trong tuần tham gia cuộc thi hằng tuần với sự góp mặt của các thầy cô giáo, các bác phụ huynh và các bạn học sinh.

Từ phong trào này, đã có hàng trăm cuốn sách được các em đọc và giới thiệu trong đợt nghỉ vì dịch bệnh.

Để đẩy mạnh việc đọc sách của các học sinh, nhà trường đã đầu tư mua thêm nhiều đầu sách, nhất là các sách giáo dục kỹ năng sống, sách gieo hạt cùng vĩ nhân… và đầu tư thư viện điện tử, mở rộng thêm diện tích thư viện bằng cách xây dựng thư viện mở ngoài trời với không gian sáng - xanh - sạch - đẹp để học sinh có thể thư giãn đọc sách một cách thoải mái sau những giờ học căng thẳng.

Từ những hoạt động trên, học sinh đã được rèn luyện kỹ năng đọc sách, kỹ năng giới thiệu các cuốn sách hay với bạn bè và thầy cô. Cuối mỗi năm học, nhà trường đều lấy ý kiến về sự hài lòng của phụ huynh về chất lượng giảng dạy và tổ chức các hoạt động và kết quả rất phấn khởi khi có đến 86% phụ huynh rất hài lòng, 14% phụ huynh hài lòng và không có phụ huynh nào không hài lòng.

Cô giáo Nguyễn Phương Thảo cùng các học sinh lớp 1A13, Trường Tiểu học Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai. Ảnh nhân vật cung cấp

Cây “ATM - Hạnh phúc”

Tại quận Hoàng Mai, cô Nguyễn Phương Thảo, Trưởng Ban Công nghệ thông tin Trường Tiểu học Vĩnh Hưng là người khơi nguồn, truyền cảm hứng cho học trò trong nhiều năm qua.

Cô Nguyễn Phương Thảo cho biết trước thực tiễn của những vấn đề mà ngành giáo dục đang đặt ra, đó là: Học sinh chưa thực sự thích học; kết quả học tập của học sinh còn hạn chế; học sinh chưa thực sự ngoan; phụ huynh chưa thực sự thấu hiểu, thiếu hợp tác và chưa vào cuộc cùng với giáo viên; dịch COVID-19, chuyển đổi số trong giáo dục và những đòi hỏi về việc linh hoạt trong dạy và học trực tuyến, bản thân cô luôn trăn trở mình nên làm gì và có thể làm gì để cải thiện được thực trạng này. Từ đó, ý tưởng về một cây ATM mang tên “ATM - Hạnh phúc” ra đời.

Cây “ATM - Hạnh phúc” chính là Website học tập của lớp cô chủ nhiệm, được cô xây dựng trên nền tảng miễn phí của Google sites. Đây là một ứng dụng tiện ích của Google. Thay vì phải tìm kiếm nhiều kênh thông tin khác nhau thì ở đây có “trọn vẹn” những gì mà học sinh và phụ huynh học sinh cần.

Website học tập của cô cải thiện được nhiều điều mà những ứng dụng dạy học trực tuyến thông thường như Zoom Meeting hay Google Meet chưa làm được. Cụ thể, theo dõi trên Website, cô thấy lượt phụ huynh và học sinh truy cập nhiều đông hơn; học sinh có thể truy cập ngoài giờ học, mọi lúc, mọi nơi mà không bị bó hẹp trong thời lượng của buổi học trực tuyến thông thường; học sinh thấy mình, thấy bạn mình trong mọi hoạt động, thấy trường, thấy lớp… từ đó thêm yêu trường lớp, kính thầy, mến bạn và nhất là thích học.

Cô Nguyễn Phương Thảo cho biết kết quả học tập của các em được cải thiện rõ rệt; tháo gỡ được nhiều vướng mắc của phụ huynh khi phụ huynh có thể vào Wesite để dạy con, đồng hành với con trong mọi hoạt động của trường, lớp.

Cây “ATM - Hạnh phúc” không chỉ hiệu quả trong khoảng thời gian học trực tuyến mà còn có hiệu quả vô cùng tuyệt vời ngay cả khi học trực tiếp. Tận dụng từ đặc điểm tâm sinh lý của học sinh tiểu học nên những nội dung trên Website đã được cô cập nhật và luôn làm mới.

Qua cây “ATM - Hạnh phúc”, học sinh được học mà chơi, chơi mà học qua các góc: “Vui để học”, “Hộp háo hức”, “Em vui sáng tạo”, “Đẩy lùi dịch COVID-19”…. Nhờ đó, các em vào trang Website với tâm lý thoải mái là mình đang được chơi, đang giải trí, được trải nghiệm với những cuộc chơi thú vị mà quên đi là mình … đang học!

Bên cạnh đó, năm học 2020 - 2021 là năm đầu tiên thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, áp dụng việc thay sách giáo khoa mới đối với học sinh lớp 1. Vì vậy, cô Phương Thảo đã cùng các học sinh trong lớp xây dựng kênh YouTube “Canh Dieu Story Telling Channel” rồi chuyển thể tất cả các câu chuyện trong chương trình Tiếng Việt mới thành video để làm kho tư liệu phong phú. Kênh YouTube này không chỉ giúp cô trò dạy và học mà còn là 1 kênh giải trí thú vị.

Sản phẩm của cô đã đạt giải Ba trong Cuộc thi “Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” trong thanh thiếu niên và nhi đồng Thành phố Hà Nội lần thứ 17.

Tuy nhiên, cô Phương Thảo cho biết phần thưởng lớn nhất của mình trong suốt những năm học vừa qua đó là sự ủng hộ và tín nhiệm của đồng nghiệp, sự kính trọng, lòng tin yêu của phụ huynh và các em học sinh.

Gia Huy

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/chay-bong-tinh-yeu-nghe-yeu-nguoi/453545.vgp