Châu Tinh Trì đã hết thời?

Châu Tinh Trì từng là cái tên bảo chứng cho phòng vé Trung Quốc. Tuy nhiên, ở mùa phim Tết 2019, ông khiến công chúng thất vọng khi sa sút phong độ với 'Tân vua hài kịch'.

2019 được đánh giá là năm hạn đối với sự nghiệp điện ảnh của Châu Tinh Trì. Mở màn là sự thất bại ê chề về mặt doanh thu lẫn chất lượng kịch bản của tác phẩm Tân vua hài kịch vào dịp Tết Nguyên đán. Đến cuối tháng 9, Tinh Gia tuyên bố lỡ hẹn với khán giả vào mùa Xuân 2020 khi bộ phim Mỹ nhân ngư 2 phải hoãn chiếu vì chưa chỉn chu về kỹ xảo.

Châu Tinh Trì trải qua năm 2019 tương đối ảm đạm.

Châu Tinh Trì trải qua năm 2019 tương đối ảm đạm.

Trong đó, cú ngã ngựa của tài tử Hong Kong với Tân vua hài kịch ở mùa phim Tết đã thực sự gây bất ngờ. Châu Tinh Trì cược một ván bài lớn khi làm lại tác phẩm để đời của ông năm 1999 Vua hài kịch. Đáng tiếc kết quả không được như mong đợi, bom tấn năm xưa trở thành bom xịt vào 20 năm sau.

"Tôi đã hết thời rồi" - đó là câu nói đầy chua chát thốt ra từ miệng của người đàn ông từng là cái tên bão chứng phòng vé khi chứng kiến đứa con tinh thần bị nhiều người chê dở.

"Biểu tượng sống" của điện ảnh Trung Quốc

"Châu Tinh Trì là biển hiệu vàng của làng điện ảnh Trung Quốc. Khán giả luôn đổ xô đến rạp, không xót tiền mua vé mỗi khi phim Tinh Gia phát hành là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn và danh tiếng lẫy lừng của nam đạo diễn. Làng giải trí Hoa ngữ rộng lớn chỉ có Châu được người đời ca tụng với danh xưng 'vua hài kịch', xứ Cảng thơm phồn hoa, quy cũ chỉ có Châu được kính nể, xướng tụng với danh Tinh Gia", Mtime bình luận.

Châu Tinh Trì nổi tiếng từ sớm. Sau thành công của Thần bài 1990, tên tuổi của ông lên như diều gặp gió. Ở giai đoạn đỉnh cao, trong top 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất Hương Cảng, tài tử đã chiếm đến 7.

Vua hài kịch năm 1999 từng mang lại thành công cho Châu Tinh Trì.

Tiếng tăm của ông thời điểm đó sánh ngang với Châu Nhuận Phát, Thành Long dù ít tuổi và thành danh muộn hơn 2 đàn anh. Thậm chí người Hong Kong còn có câu "Song Châu, nhất Thành" để nói về địa vị của Châu Tinh Trì trong giới giải trí xứ Cảng thơm.

Từ sau những năm 1990, phim hài nhảm với lối chọc cười khoa trương, lời thoại phi logic, hình ảnh trào phúng, nhưng không hề dễ dãi, lố lăng mà ngược lại còn ẩn chứa đầy triết lý trải đời, chạm đến trái tim khán giả đã trở thành thương hiệu riêng của Tinh Gia và là đặc sản của dòng phim hài Hong Kong.

Phim có sự tham gia của Châu Tinh Trì dù ở cương vị diễn viên, đạo diễn hay nhà sản xuất đều gây bão chứng phòng vé với hàng loạt các tác phẩm bom tấn ăn khách như Vua hài kịch, Tân Lộc đỉnh ký, Quốc sản 007, Tuyệt đỉnh Kung Fu, Đại thoại Tây du ký, Mỹ nhân ngư...

Giờ đây, nói đến nam đạo diễn Hong Kong người ta thường tán tụng ông với các mỹ danh như "vua hài kịch", "Mỗi năm một Ảnh đế, trăm năm Châu Tinh Trì", "ông hoàng phòng vé"... Trong đó, câu nói "Tôi nợ Châu Tinh Trì một vé xem phim" là dòng chia sẻ mà khán giả Trung Quốc luôn đăng tải mỗi khi Tinh Gia ra phim mới hay phim cũ của ông được chiếu lại.

Tác phẩm Đại thoại tây du 2: Tiên lý tùy duyên của Châu từng được phát hành 2 lần ở Đại lục, nhưng sức hút vẫn không suy giảm. Phim ra mắt ở thị trường Hong Kong năm 1995, đến hơn 3 năm sau mới trình làng khán giả Đại lục với bản chiếu mạng.

Dẫu vậy, sau 20 năm ở thời đại mà con người ta chỉ cần nhập tên bộ phim là có thể tìm thấy bản cần xem trên các trang web, khán giả vẫn đổ xô đến rạp xem phim của "vua hài" và giúp tác phẩm đạt doanh thu phòng vé lần lượt là 2 triệu USD (2014) và hơn 271 triệu USD (2017). Năm 2015, Tuyệt đỉnh Kung Fu được chiếu lại với phiên bản 3D cũng thu về không dưới 3 triệu USD.

Các bộ phim dù cũ hay mới của Tinh Gia luôn được khán giả đón nhận mỗi khi ra rạp.

"Bản thân Châu Tinh Trì chính là một siêu IP của điện ảnh Trung Quốc. Bất kỳ tác phẩm nào, dù cũ hay mới, chỉ cần gán thêm 3 chữ vàng tên của Tinh Gia phía sau đảm bảo phim sẽ lập tức gây bão ở các rạp. Điều gì khiến tài tử Hong Kong có thể thu hút khán giả đủ mọi lứa tuổi. Câu trả lời rất đơn giản Châu Tinh Trì mãi mãi là Châu Tinh Trì", Trần Lệ Chí - Giám đốc công ty phát triển văn hóa Max Times, chuyên thực hiện công tác PR cho nhiều bộ phim điện ảnh cho hay.

"Vua hài" bị hụt hơi

"Châu Tinh Trì đã hết thời", nhiều khán giả nhận xét sau khi xem xong tác phẩm Tân vua hài kịch của Tinh Gia. Trong quá khứ, phim của Châu luôn thống trị phòng vé Trung Quốc dịp Tết, thậm chí đến cả Thành Long cũng từng rơi vào cảnh thất thế trước tài tử Tuyệt đỉnh Kung Fu khi đụng độ ở các rạp.

Nhưng năm nay, câu chuyện đó đã đổi chiều. Tinh Gia chính thức bị đàn em Ngô Kinh, Thẩm Đằng và đối thủ một thời Thành Long vượt mặt. Kết thúc thời gian phát hành, Tân vua hài kịch dừng chân với tổng số tiền kiếm được là hơn 92 triệu USD, đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng top 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất.

Tân vua hài kịch không thành công như kỳ vọng ban đầu.

Con số này được đánh giá là quá khiêm tốn so với doanh thu của bom tấn Lưu lạc địa cầu hơn 242 triệu USD và Crazy Alien 185 triệu USD. Đặt lên bàn cân so sánh với nhiều bộ phim Tết khác của Châu Tinh Trì trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, doanh thu Tân vua hài kịch đạt được là một sự thất bại ê chề.

Năm 2013, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 1 mang về cho vua hài Hong Kong 215 triệu USD. Năm 2016, bom tấn Mỹ nhân ngư thành công vang dội và lập kỷ lục mới trong làng điện ảnh Hoa ngữ với doanh thu 553 triệu USD. Một năm sau đó, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện 2 nối dài ánh hào quang phòng vé của Tinh Gia khi thu về 246 triệu USD.

Theo Sina, nguyên nhân dẫn đến cú ngã ngựa đau điếng xuất phát từ chính sự tự tin của Châu Tinh Trì. Bộ phim chỉ được xử lý hậu kỳ, chỉnh sửa kỹ xảo trong 1,5 tháng trước khi công chiếu. Vì vậy, Tân vua hài kịch được ví như món cơm nguội rang lại trong lúc vội vã của nam đạo diễn, ngon hay dở tùy vào khẩu vị của mỗi người.

Trải qua gần 3 thập kỷ, đây là lần đầu tiên công chúng nhìn thấy Tinh Gia phạm sai lầm lớn từ khâu chọn diễn viên cho đến xây dựng kịch bản. Như thường lệ, "vua hài" vẫn xây dựng tuyến nhân vật dựa trên thân phận của những người ở tầng lớp thấp trong xã hội.

Tuy nhiên, những người vốn đã rất bình thường lại kết hợp với một kịch bản tầm thường, mảng miếng cũ kỹ, cốt truyền đi vào lối mòn, nhiều tình tiết xuất hiện nhan nhản trong các tác phẩm đại trà đã khiến khán giả hụt hẫng, ngao ngán thất vọng.

Nữ chính Ngạc Tĩnh Văn không đủ sức hút lôi kéo khán giả đến rạp như các nàng Tinh nữ lang khác.

Hơn nữa, nếu như trong Mỹ nhân ngư, người đẹp Lâm Duẫn có sự hộ công của đàn anh Đặng Siêu, thì đến Tân vua hài kịch nữ diễn viên vô danh Ngạc Tĩnh Văn hoàn toàn không có được sự san sẻ gánh nặng từ một ngôi sao tên tuổi, bởi Ảnh đế Vương Bảo Cường khi đó đang vướng vào một vụ lùm xùm đời tư và vai diễn của anh cũng không có nhiều đất thể hiện.

Thương hiệu Châu Tinh Trì bị thất sủng

Lý giải vì sao phim của "vua hài Hong Kong" không còn thu hút khán giả, chưa bàn đến việc một số tên tuổi mới lạ trỗi dậy, tờ Mtime cho hay việc này chủ yếu xuất phát từ chính cái danh của Châu Tinh Trì. Hầu hết phim thương mại ngày nay đều dựa vào dàn cast chính, kỹ xảo, cốt truyện... để kéo khán giả đến rạp.

Trong khi đó, mỗi khi Tinh Gia ra mắt phim, thì 3 chữ Châu Tinh Trì mới là điều gây chú ý với công chúng. Minh chứng là poster tuyên truyền Tân vua hài kịch chỉ ghi vỏn vẹn tên phim, ngày tháng ra rạp và tên của Châu Tinh Trì trên nền trắng chữ đỏ, ngoài ra không có in hình hay tên tuổi diễn viên chính như áp phích quảng cáo của các phim khác.

Poster phim mang đậm thương hiệu Châu Tinh Trì.

Chính vì vậy, khi khán giả thất vọng về tác phẩm, họ sẽ trực tiếp đánh đồng sự thất vọng của mình vào tài tử Hong Kong, chứ không phải là ai khác.

Thương hiệu Châu Tinh Trì có sức hấp dẫn phòng vé mạnh mẽ, nhưng đổi lại rủi ro cũng sẽ cao hơn vì tên tuổi của Tinh Gia từ trước đến nay được biết đến nhờ phương thức bia miệng, một truyền mười, mười truyền một trăm. Cho nên, chỉ một sơ sẩy nhỏ, danh tiếng hoàn toàn có thể bị lung lay.

Đơn cử việc Tân vua hài kịch gây nên sự tranh cãi tiêu cực nhiều hơn tích cực về chất lượng tác phẩm, đã dẫn đến sự sụt giảm nhanh chóng về điểm số đánh giá của khán giả trên các chuyên trang xếp hạng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu phòng vé, vì ngày nay phần lớn công chúng trước khi đến rạp xem phim đều lướt qua nhận xét sơ bộ của những người đã từng đã đi coi trước đó.

Châu Tinh Trì tự nhận mình đã hết thời trong buổi họp báo của Tân vua hài kịch.

"U60 Châu Tinh Trì đã hết thời hay chưa tùy thuộc vào cách nhìn của công chúng. Người ta chê Tinh Gia chỉ biết xào lại miếng cũ, nhưng đâu ai biết được đó là triết lý 'tự mình tôn trọng chính mình' của Châu. Nhà biên kịch Hong Kong Ông Tử Quang từng nhận xét: sáng tạo ra cái mới đã khó, nhưng xào lại bài cũ đã thành danh lại càng khó hơn và để làm được chuyện này thì người trong cuộc cũng phải có sự trải đời nhất định", QQ nhận xét.

"Tân vua hài kịch không phải là một sáng tạo mới nhưng nó chính là sự chiêm nghiệm về cuộc đời của Châu Tinh Trì. Tinh Gia nhiều năm qua là một kẻ ôm ấp giấc mộng, nay lột xác biến thành người kể đi kể câu chuyện 'đời như mộng'. Phải chăng ông đã tự nhận ra mình đã già và đến lúc hết thời?", QQ bình luận.

Di Hy

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/chau-tinh-tri-da-het-thoi-post1026702.html