Châu Thành 'đặt một chân' tới đích nông thôn mới

Nếu đúng kế hoạch, đầu năm 2019 Châu Thành sẽ là huyện đầu tiên của tỉnh Long An về đích nông thôn mới (NTM).

Hiện nay, Châu Thành đạt 8/9 tiêu chí huyện NTM, còn tiêu chí quy hoạch đang thực hiện. Toàn huyện có 12/12 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM. Trong đó, có 10 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, chỉ còn lại 2 xã Vĩnh Công và Thanh Vĩnh Đông.

Hiện xã Thanh Vĩnh Đông đang làm hồ sơ đề nghị tỉnh phúc tra, xã Vĩnh Công dự kiến tháng 9.2018 đạt chuẩn NTM. Huyện đang tiến hành làm hồ sơ để T.Ư phúc tra công nhận huyện đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2018.

Khoan sức dân…

“Cuối năm nay, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành mục tiêu chương trình xây dựng NTM. Có thể nói, cây thanh long đóng góp rất lớn cho mục tiêu này” - ông Võ Văn Vấn - Trưởng phòng NNPTNT huyện Châu Thành nhận định.

Hơn 80% (khoảng 8.000ha) diện tích nông nghiệp của huyện Châu Thành giờ phủ kín màu xanh cây thanh long. 12 xã, thị trấn lấy cây thanh long làm cây chủ lực phát triển kinh tế trên địa bàn. Bình quân, mỗi hécta thanh long, người dân thu lợi nhuận 300 - 500 triệu đồng/năm. Thậm chí, có hộ thu cả tỷ đồng/ha/năm.

Huyện đang triển khai đề án 2.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng liên kết chuỗi giá trị nằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Hội viên phụ nữ huyện Châu Thành tham gia làm tuyến đường hoa. Ảnh: T.Đ

Theo ông Trương Văn Biết - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, thời gian tới, huyện tập trung huy động mọi nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM. Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người từ 70 - 80 triệu đồng. Tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế đạt từ 85% trở lên.

Ban Điều phối chương trình xây dựng NTM huyện Châu Thành nhận định, hiệu quả kinh tế từ cây thanh long đã kéo giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn cũng tốt hơn. Bà con bây giờ xây dựng nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, phương tiện đi lại.

Tại các xã, nông dân mua sắm ôtô khá nhiều, len lỏi chạy khắp xóm, ấp. Đặc biệt, khi “rủng rỉnh tiền trong túi”, nông dân bắt đầu đóng góp nhiều hơn cho phát triển nông thôn, xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Văn Hồng (còn gọi là ông Tám Sâm, xã An Lục Long) cho biết, khi chính quyền địa phương chủ trương thực hiện bê tông hóa tuyến đường Ông Nhạc (dài 1.600m) theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ông tự nguyện đóng góp trên 100 triệu đồng.

Không những thế, ông còn tích cực vận động người dân sống cặp hai bên đường đóng góp tiền xây dựng tuyến đường này. Giờ, tuyến đường Ông Nhạc được bê tông hóa thẳng tắp, xe ôtô trọng tải 2,5 tấn lưu thông vào thôn xóm dễ dàng để vận chuyển thanh long.

Bí thư Đảng ủy xã An Lục Long Hà Minh Tuấn cho biết, gần 6 năm xây dựng NTM, tổng nguồn vốn đầu tư cho chỉnh trang giao thông tại xã hơn 185 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp khoảng 50%. Chưa kể, người dân còn đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng, trồng cây xanh trên các trục đường. Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, ấp, trục chính nội đồng tại An Lục Long được bêtông hóa, nhựa hóa.

“Bây giờ, các tuyến đường xóm, ấp trên địa bàn huyện gần như bêtông hóa hết rồi, không còn cảnh đi lại sình lầy nữa. Bà con nông dân kết hợp với chính quyền làm hết. Không chỉ thế, nhà văn hóa xã, ấp, bà con nông dân còn tự đóng tiền làm mà không cần đến chính quyền hỗ trợ kinh phí” - ông Tuấn thổ lộ.

Nâng cao đời sống

Năm 2012, huyện Châu Thành bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Qua xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Cán bộ, nhân dân nhận thức đầy đủ và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng NTM. Đặc biệt, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng nên kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Hầu hết các tuyến đường chính, liên ấp, liên xã đều được nhựa hóa, bêtông hóa, phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa. Tất cả hộ dân đều có điện, nước hợp vệ sinh để sử dụng, trong đó, trên 70% hộ dân sử dụng nước sạch đạt theo tiêu chuẩn 02 của Bộ Y tế. Thu nhập bình quân đầu người của huyện 50 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%.

Trần Đáng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nong-thon-moi/chau-thanh-dat-mot-chan-toi-dich-nong-thon-moi-910308.html