Châu Tấn, Trần Khôn thất bại với 'Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh'

Dù có sự tham gia của cặp bài trùng nổi tiếng Châu Tấn - Trần Khôn, tác phẩm điện ảnh mới nhất thuộc thương hiệu 'Âm Dương Sư' chỉ có chất lượng ở mức trung bình.

Thể loại: Cổ trang, giả tưởng, hài hước
Đạo diễn: Lý Uất Nhiên
Diễn viên: Trần Khôn, Châu Tấn, Khuất Sở Tiêu, Thẩm Nguyệt, Trần Vĩ Đình
Đánh giá: 5/10

Âm Dương Sư khởi nguồn là loạt truyện ngắn và tiểu thuyết do tác giả Baku Yumemakura sáng tác, xuất bản lần đầu trên tạp chí All Yomimono tại Nhật Bản từ năm 1986. Tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, thương hiệu Âm Dương Sư được biết đến chủ yếu nhờ loạt trò chơi nổi tiếng cùng tên do hãng NetEase Games phát hành từ năm 2016.

Bên cạnh một số phiên bản điện ảnh tại quê hương Nhật Bản, Âm Dương Sư còn được các nhà làm phim Hoa ngữ đưa lên màn ảnh rộng.

Tác phẩm đầu tiên có tên Âm Dương Sư: Tình Nhã tập do Quách Kính Minh làm biên kịch kiêm đạo diễn, với sự tham gia của Triệu Hựu Đình, Đặng Luân, Uông Đạc, Vương Tử Văn. Bộ phim này đã được phát hành trên toàn cầu thông qua hệ thống Netflix từ 5/2.

Dự án thứ hai là Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh, do Lý Uất Nhiên làm đạo diễn, với sự tham gia của Trần Khôn, Châu Tấn, Khuất Sở Tiêu, Thẩm Nguyệt, Trần Vĩ Đình. Bộ phim ra mắt khán giả Trung Quốc trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, rồi sau đó cũng tiến lên hệ thống Netflix vào tháng 3.

Phần mở màn giàu tiềm năng

Khác với Tình Nhã tập chủ yếu lấy cảm hứng từ loạt tiểu thuyết gốc của Nhật Bản, Thị Thần Lệnh chịu ảnh hưởng từ loạt trò chơi Âm Dương Sư do NetEase Games phát hành. Phim lấy bối cảnh thế giới giả tưởng nơi con người và các loài yêu quái cùng nhau tồn tại.

Sau cuộc phản loạn của đại yêu quái Tương Liễu nhằm thống lĩnh yêu giới và tiêu diệt loài người, xung đột giữa hai bên bùng nổ và trở nên không thể hàn gắn. Con người co cụm lại, sống trong Bình Kinh Thành dưới sự thủ hộ của Âm Dương Sư - những pháp sư sở hữu pháp lực cao cường. Còn yêu quái thì lui về Yêu Vực xa xôi, nước sông không phạm nước giếng.

 Trung tâm bộ phim là nhân vật Tình Minh do Trần Khôn thể hiện.

Trung tâm bộ phim là nhân vật Tình Minh do Trần Khôn thể hiện.

Tình Minh (Trần Khôn) vốn là cô nhi, được Âm Dương Liêu thu nhận làm môn đệ từ nhỏ. Tuy nhiên, sau một biến cố, anh bị nghi ngờ là kẻ âm mưu sát hại đồng môn để chiếm đoạt Lân Thạch - kết tinh nguyên thần của yêu quái Tương Liễu năm xưa, hiện được canh giữ nghiêm ngặt.

Nhân vật buộc phải chạy trốn khỏi Âm Dương Liêu, trở thành kẻ đào tẩu sống giữa ranh giới con người và yêu quái. Anh thu nhận các yêu quái lưu lạc tứ cố vô thân giống mình, chung sống ở một sơn trang bên ngoài Kinh Thành lẫn Yêu Vực.

Đến một ngày, Lân Thạch bị một đám yêu quái bí ẩn đánh cắp, rồi tình cờ rơi vào tay một trong những thủ hạ của Tình Minh mà anh không hề hay biết. Các thế lực vì tranh đoạt bảo bối mà bắt đầu hành động, qua đó dần hé lộ những bí ẩn xoay quanh Tình Minh và sự kiện trong quá khứ.

Về mặt bối cảnh, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh không khác biệt gì nhiều so với vô vàn tác phẩm cổ trang - huyền huyễn cùng loại của điện ảnh Hoa ngữ. Về thể loại, phim thiên về phiêu lưu, hài hước, khiến khán giả dễ liên tưởng đến loạt Truy lùng quái yêu hay Đại chiến âm dương. Trước đó, Tình Nhã tập lại mang hơi hướm trinh thám, tâm lý tình cảm, và chịu ảnh hưởng từ loạt Địch Nhân Kiệt của Từ Khắc.

Nhắc đến nội dung, bộ phim của Châu Tấn - Trần Không sở hữu cốt truyện đơn giản, với diễn biến tuyến tính rõ ràng và dễ theo dõi. Phim vẫn tuân theo mô-típ khu tà diệt ma kinh điển, với một đại ma đầu mang âm mưu thống lĩnh yêu giới nhằm tiêu diệt nhân giới, và các nhân vật chính cùng nhau trải qua cuộc phiêu lưu nhiều chông gai, thử thách để chống lại âm mưu đó.

Bộ phim sớm lôi cuốn khán giả bằng một nghi án nhiều uẩn khúc.

Điểm nhấn của Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh so với các tác phẩm cùng thể loại nằm ở phần mở màn giàu tiềm năng. Phim mở đầu bằng nghi án nhiều uẩn khúc, đẩy nhân vật chính Tình Minh từ một Âm Dương Sư trẻ tuổi trở thành kẻ phản đồ, phải trốn chạy khỏi Âm Dương Liêu và chịu tiếng xấu phản bội sư môn, sát hại huynh đệ vì tham bảo vật. Chưa kể, anh còn bị đồn là kẻ nửa người, nửa yêu.

Phần mở màn khiến Tình Minh trở nên hấp dẫn đối với khán giả ngay từ ban đầu. Bản thân nhân vật khoác lên mình bức màn mờ ảo nửa thực nửa hư, khiến người xem chẳng biết rốt cuộc nhân vật này là ai, đang mang trong mình bí mật gì, là chính hay tà, thiện hay ác.

Nghi án năm xưa cùng những bí mật, ân oán tình thù giữa các nhân vật khiến khán giả hào hứng theo dõi diễn biến tiếp theo, cùng Tình Minh từng bước khám phá câu chuyện. Đáng tiếc thay, bất chấp tiềm năng ban đầu, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh chẳng thể phát huy được những gì đã hứa hẹn.

Kịch bản rời rạc, nghèo nàn và sơ sài

Sau quá trình giới thiệu sơ lược các nhân vật chính, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh dẫn dắt khán giả vào diễn biến chính với sự kiện nhóm yêu quái bí ẩn đột nhập vào Âm Dương Liêu và trộm mất Lân Thạch. Ngay từ trường đoạn này, sự sơ sài của kịch bản đã lộ rõ khi khán giả có thể dễ dàng nhận ra sự cẩu thả, phi lý trong cách xây dựng tình tiết.

Tiếp sau đó là hàng loạt sự kiện tình cờ lôi kéo Tình Minh và các yêu quái Thị thần dưới quyền anh vào âm mưu tranh đoạt Lân Thạch. Vấn đề nằm ở chỗ các chi tiết tưởng như quan trọng tiếp tục chỉ được thể hiện một cách qua loa, chứ không được đầu tư nghiêm túc, khiến tổng thể tác phẩm ngày càng trở nên rời rạc, mất phương hướng.

Sau phần mở màn hấp dẫn, tác phẩm bắt đầu để lộ phần kịch bản nghèo nàn.

Khán giả sẽ cảm thấy khó hiểu khi thuộc hạ dưới trướng tuy có dấu hiệu lạ, gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng Tình Minh chỉ đơn giản… quăng vào trong kho và để đó, trong khi anh được miêu tả là người có trách nhiệm với các Thị thần của mình. Sau đó, anh đến Yêu Vực tìm bảo vật mà chẳng có mục tiêu gì rõ ràng, rồi vô tình đụng độ ổ phục kích của nhóm Âm Dương Sư một cách đầy gượng ép.

Các nhân vật trong phim hành xử không theo mục tiêu nhất định hay quy luật logic nào cụ thể, mà hoàn toàn chỉ có tác dụng thúc đẩy sự kiện, diễn biến xảy ra một cách máy móc theo kịch bản. Ân oán tình thù giữa các nhân vật trong Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh cứ thế bị lướt qua cho có, rồi cũng chẳng đi tới đâu.

Cứ như vậy, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh dẫn dắt khán giả khám phá câu chuyện vốn đã đơn giản, lại được kể bởi phần kịch bản nghèo nàn, sơ sài. Những bí ẩn hấp dẫn ban đầu rốt cuộc trở thành nỗi thất vọng khôn nguôi.

Xây dựng nhân vật vừa thừa, vừa thiếu

Phần kịch bản tệ hại còn khiến Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh sở hữu hệ thống nhân vật gây nhiều tiếc nuối.

Là nhân vật chính được săn đón ngay từ những phút đầu tiên, Tình Minh hứa hẹn trở thành điểm nhấn hấp dẫn với ngoại hình cuốn hút, cá tính nổi bật, cùng thân phận bí ẩn nhiều mê hoặc. Tiếc rằng nhân vật của Trần Khôn chỉ được thể hiện hời hợt bề ngoài, chứ chưa được đầu tư xây dựng chiều sâu đúng mức.

Khán giả chưa thấy ở Tình Minh sự độc đáo, thần bí của một người nằm giữa ranh giới nhân - yêu, một Âm Dương Sư lạc loài được yêu quái Thị thần dưới trướng hết lòng kính trọng.

Khán giả có quyền đòi hỏi nhiều hơn ở nhân vật Tình Minh.

Đáng buồn hơn, ngay cả nghi vấn bản thân là người hay yêu của nhân vật, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh cũng chẳng đem đến cho Tình Minh hay khán giả lời giải thích thỏa đáng. Phim biến anh thành nhân vật chính, rồi ép anh thành người hùng cứu thế mà chẳng cần lý do gì thuyết phục.

Tuyến nhân vật Bách Ni và các Âm Dương Sư trong phim còn thê thảm hơn. Mang tiếng là các pháp sư sở hữu pháp thuật cao cường, thủ hộ cho an nguy của Bình Kinh Thành, nhưng các Âm Dương Sư trong phim tỏ ra tệ hại và nhạt nhòa, chẳng thể hiện được chút năng lực nào như miêu tả ban đầu.

Điều này cũng xảy ra với tuyến nhân vật phản diện. Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh cố gắng đem đến một nút thắt về thân thế thực sự của kẻ phản diện chính, nhưng lại chẳng có chi tiết thuyết phục nào dẫn đến điều đó. Hậu quả là trùm phản diện xuất hiện như từ trên trời rơi xuống đầy trống rỗng.

Bên cạnh nhóm nhân vật chưa được xây dựng đúng mức, bộ phim lại có không ít tuyến nhân vật thừa thãi, tiêu biểu là Bác Nhã (Khuất Sở Tiêu) - Thần Lạc (Thẩm Nguyệt). Cặp nhân vật từ đầu đến cuối sở hữu cá tính nhạt nhòa, mục tiêu sơ sài, vai trò không rõ ràng, mối liên kết với cốt truyện chính cùng các nhân vật khác thì nhạt nhẽo.

Ê-kíp hoàn toàn có thể cắt bỏ tuyến nhân vật này khỏi bộ phim mà không gây ảnh hưởng gì đến cốt truyện chính. Thời lượng và đất diễn dành cho nhân vật của cả Khuất Sở Tiêu lẫn Thẩm Nguyệt sẽ hữu ích hơn nếu được dành cho Tình Minh, Bách Ni và các yêu quái Thị thần.

Chất lượng chế tác tầm trung

Mắc nhiều điểm trừ ở phần kịch bản và xây dựng nhân vật, ngay cả mảng chế tác sản xuất, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh cũng chưa thực sự làm tốt.

Tư duy mỹ thuật của bộ phim không có gì mới mẻ, với tạo hình nhân vật và bối cảnh thế giới thiếu điểm nhấn sáng tạo nổi bật so với các tác phẩm cùng thể loại. Nhiều bối cảnh thiên nhiên trong phim, như sơn trang của Tình Minh, lộ rõ là bối cảnh được ghi hình trong trường quay khi ánh sáng chưa được xử lý hợp lý.

Chất lượng sản xuất bộ phim thực tế chỉ nằm ở tầm trung.

Hiệu ứng kỹ xảo trong phim vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong việc thể hiện bối cảnh không gian, nhất là các phân cảnh miêu tả Yêu Vực. Ngoại trừ một số màn thi pháp của các Âm Dương Sư, các trường đoạn hành động của Thị Thần Lệnh được biên đạo nghèo nàn và nhạt nhẽo, thua kém rõ rệt về mặt chất lượng và tính giải trí nếu so với Tình Nhã tập.

Có sự tham gia của cặp bài trùng nổi tiếng Châu Tấn - Trần Khôn, Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh rốt cuộc chỉ là bộ phim có chất lượng tổng thể trung bình với nhiều điểm trừ. Phim vẫn đem đến những giây phút thư giãn nhẹ nhàng với người xem dễ tính. Nhưng với thể loại tương tự, khán giả rõ ràng có những lựa chọn tốt hơn.

Dư Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-tan-tran-khon-khong-the-cuu-van-am-duong-su-thi-than-lenh-post1197967.html