Châu Phú phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, huyện Châu Phú (An Giang) còn thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học- công nghệ vào sản xuất, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) đã từng bước hình thành và bước đầu mang lại hiệu quả.

Chuyển đổi sản xuất theo hướng phù hợp nhu cầu thị trường

Thực hiện Đề án “Phát triển NNƯDCNC gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016-2020”, đến nay, lĩnh vực nông nghiệp huyện Châu Phú đã có những bước chuyển mình tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ước đến tháng 6-2020, giá trị sản xuất đất nông nghiệp của huyện đạt 185 triệu đồng/ha (đạt 102,78% so chỉ tiêu đề án); huyện hiện có 12.000ha sản xuất lúa chất lượng cao gắn với “Cánh đồng lớn” và trên 255ha lúa sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP được liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ đất vườn tạp, đất trồng lúa kém hiệu quả, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã khuyến khích người dân chuyển sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế, phù hợp nhu cầu thị trường.

Đến tháng 6-2020, tổng diện tích cây ăn trái của huyện đạt 1.500ha (tăng 1.266ha so đầu nhiệm kỳ) tập trung nhiều ở các xã: Khánh Hòa, Ô Long Vĩ, Mỹ Phú, Thạnh Mỹ Tây... với các loại cây trồng chủ lực như: sầu riêng, nhãn, mít, cam xoàn, cam sành, bưởi da xanh, lợi nhuận các loại cây ăn trái mang lại từ 243 - 568 triệu đồng/ha.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, hiện có Dự án nuôi trồng thủy sản ƯDCNC của Công ty Nam Việt Bình Phú, quy mô 600ha, đã chuyển nhượng 500ha đất, đi vào hoạt động và có sản phẩm ra thị trường. Dự án Khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao Công ty Lộc Kim Chi tại xã Mỹ Phú, quy mô 350ha, công ty đã giải phóng mặt bằng 86ha, đào ao nuôi cá 56ha, với diện tích mặt nước nuôi 40ha và đang thi công đào ao diện tích 30ha còn lại.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Lê Trần Minh Hiếu cho biết, nhằm nâng tầm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, huyện Châu Phú đang thực hiện các dự án: đầu tư xây dựng và nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn” tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 do UBND tỉnh phê duyệt; đầu tư xây dựng “Trạm bơm vùng “Cánh đồng lớn” xã Bình Phú tiểu vùng Kênh 8 - Kênh 11 - Quốc Gia - Cây Dương, với diện tích 960ha; đầu tư xây dựng “Giao thông Thủy lợi nội đồng phục vụ mô hình “Cánh đồng lớn” xã Bình Phú” giai đoạn thực hiện 2018-2019; “Xây dựng hệ thống thủy lợi sản xuất nhãn xuồng ƯDCNC xã Khánh Hòa”. Để hỗ trợ nông dân canh tác hiệu quả, đã có 6 Chi hội nghề nghiệp làm vườn cây ăn trái ở các xã: Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Mỹ Đức, Ô Long Vĩ, Mỹ Phú, Vĩnh Thạnh Trung được thành lập.

Bên cạnh đó, còn có Tổ hợp tác sản xuất nhãn xuồng xã Khánh Hòa, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Mỹ Đức và Tổ hội trồng sầu riêng xã Bình Chánh. Ngoài ra, huyện Châu Phú còn chú trọng hỗ trợ và khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để tiết kiệm thời gian, nâng cao năng suất canh tác như: triển khai 26 hệ thống tưới tự động và đo ẩm độ điều khiển bằng điện thoại thông minh, 2 hệ thống tưới bằng tấm pin năng lượng mặt trời, 1 mô hình nhà lưới trồng táo với diện tích 1.000m2 tại xã Mỹ Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Từ những thành quả bước đầu, thời gian tới, Châu Phú sẽ tiếp tục khai thác hiệu quả các dự án đã được đầu tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng phục vụ cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái, chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng rau màu và sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP… Đổi mới các mô hình sản xuất giúp tăng trưởng nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản” - bà Lê Trần Minh Hiếu thông tin.

Hướng tới, huyện Châu Phú sẽ quy hoạch các vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tập trung. Phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất đất nông nghiệp đạt 195 triệu đồng/ha; phát triển mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn lên 20ha; nâng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 1.000ha theo các vùng quy hoạch, trong đó nuôi trồng thủy sản ƯDCNC đạt 620ha.

Đồng thời, củng cố, nâng chất và hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã, tổ hợp tác đủ năng lực thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất nông sản an toàn, rau màu và mô hình “Cánh đồng lớn”. Bên cạnh đó, sẽ triển khai các hoạt động nâng cấp, phát triển các sản phẩm đề xuất tham gia “Đề án mỗi xã một sản phẩm” có chất lượng, có nhãn hiệu và truy xuất nguồn gốc.

MỸ LINH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/chau-phu-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-a273139.html