Châu Phi có là 'miền đất hứa' với Mỹ?

Mặc dù có những khía cạnh tích cực trong chiến lược của Mỹ đối với châu Phi được công bố vào cuối năm ngoái, không có bất kỳ đề cập nào về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi gần đây.

Theo bài viết trên trang mạng của Viện nghiên cứu Brookings, câu hỏi đầu tiên được đặt ra là các nước Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) có điểm gì chung với châu Phi mà Mỹ không có? Sự khác biệt nằm ở chỗ, mỗi quốc gia kể trên và EU đã tổ chức hai hoặc nhiều hội nghị thượng đỉnh với các nguyên thủ quốc gia châu Phi nhằm thúc đẩy quan hệ.
Các hội nghị thượng đỉnh này nhằm thúc đẩy sự tương tác thường xuyên giữa các chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội dân sự và bên quan tâm ở các cấp độ khác nhau, đồng thời báo hiệu một ưu tiên chính sách rõ ràng của các chính phủ này. Các hội nghị thượng đỉnh trên cũng được xem như là một phương thức quan trọng để thúc đẩy lợi ích của mỗi quốc gia.
Ví dụ, trong suốt 6 hội nghị thượng đỉnh châu Phi - EU (gần đây nhất là ở Ivory Coast vào tháng 11/2017), các nhà lãnh đạo châu Âu và châu Phi đã giải quyết một số vấn đề quan trọng bao gồm thương mại, nhập cư, hòa bình và an ninh, đổi mới công nghệ. Quá trình những hội nghị thượng đỉnh diễn ra cũng đã thu hút được sự tham gia của các nhà lãnh đạo hoạt động trong một số lĩnh vực xã hội dân sự, doanh nghiệp, thanh niên và cả các nữ doanh nhân.
Các kết quả từ những hội nghị thượng đỉnh này đã chứng minh được rằng: Một là, EU đã xây dựng được một chiến lược thương mại nhằm cho phép các công ty và sản phẩm từ châu Âu tiếp cận ưu đãi với thị trường khu vực.
Hai là, về vấn đề ưu tiên như nhập cư, EU sẽ sớm xây dựng một cơ sở trị giá 5,8 triệu USD để cải thiện mối quan hệ giữa các tổ chức di cư châu Phi và quốc gia gốc của họ. Ba là, chứng kiến Hiệp định Thương mại Tự do châu Phi vừa được ký kết, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói rằng ông đã hình dung ra một hiệp định thương mại tự do giữa EU và châu Phi.
Sự can dự ở cấp cao của Mỹ đối với các nhà lãnh đạo châu Phi hiện nay còn rất khiêm tốn.
Câu chuyện về sự can dự của Trung Quốc đối với châu lục này đã tạo ra các tiền đề thậm chí còn quan trọng hơn. Sau khi duy trì mức độ tham gia ở cấp cao bắt đầu từ năm 2000, hội nghị thượng đỉnh chính thức đầu tiên với tên gọi là Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) đã diễn ra vào năm 2006 tại Bắc Kinh, nơi Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã cam kết cho châu lục này vay 5 tỷ USD.
Trong suốt 5 hội nghị thượng đỉnh FOCAC mà hầu như mọi nguyên thủ quốc gia châu Phi đều tham gia, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu lục này, và tại mỗi hai hội nghị thượng đỉnh vừa qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ 60 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có một số cuộc họp liên quan như giữa các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc và châu Phi bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng như trong Diễn đàn Quốc phòng và An ninh Trung Quốc- châu Phi lần đầu tiên.
Trái ngược với EU và Trung Quốc, Mỹ đã tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên vào năm 1999, khi cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright cùng 9 quan chức nội các Mỹ đã gặp gỡ 180 bộ trưởng từ 43 quốc gia châu Phi để thảo luận về “Quan hệ đối tác của thế kỷ 21”.
Trong một số hội nghị tiếp theo, hội nghị thượng đỉnh duy nhất đã diễn ra vào năm 2014 khi cựu Tổng thống Barack Obama tiếp đón các nhà lãnh đạo từ 50 quốc gia châu Phi và kết thúc là các cam kết trị giá 14 tỷ USD từ các công ty Mỹ đầu tư vào châu lục. Tổng thống Obama cũng triệu tập một Diễn đàn doanh nghiệp Mỹ - châu Phi vài tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của mình.
Ngoài một số cuộc họp của cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson tại Washington với 37 bộ trưởng ngoại giao các nước châu Phi vào năm 2017, bữa trưa của Tổng thống Trump cùng một nhóm các nhà lãnh đạo châu Phi bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2017 cũng như các cuộc họp tại Nhà Trắng với Tổng thống Muhammadu Buhari của Nigeria và Tổng thống Uhuru Kenyatta của Kenya, thì sự can dự cấp cao của Mỹ với các nhà lãnh đạo châu Phi mới chỉ dừng ở mức tối thiểu trong suốt thời gian cầm quyền vừa qua.
Không có câu hỏi rằng kiến trúc chính sách của Mỹ ở châu Phi có tác động như thế nào. Điều này bao gồm Đạo luật về cơ hội và tăng trưởng của châu Phi, Chương trình của Tổng thống về cứu trợ AIDS khẩn cấp, Sáng kiến chống sốt rét của Tổng thống, Sáng kiến lãnh đạo trẻ châu Phi, châu Phi sức mạnh, Nuôi dưỡng tương lai, Trung tâm thương mại và đầu tư.
Với việc thông qua Đạo luật đầu tư và phát triển vào tháng 10/2018 cho phép việc thành lập Tập đoàn Tài chính phát triển Mỹ trị giá 60 tỷ USD, chính quyền Tổng thống Trump đã hỗ trợ cho sự xuất hiện của một cơ quan quan trọng mới có khả năng thúc đẩy Mỹ đầu tư vào châu Phi. Chính sách tham gia của khu vực tư nhân của USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) có thể sẽ góp phần gia tăng sự tham gia thương mại của Mỹ đối với lục địa này.
Tuy nhiên, nếu không có sự can dự tích cực của các cấp cao nhất của Chính phủ Mỹ một cách thường xuyên và bền vững, mối quan hệ Mỹ - châu Phi sẽ không thu lại được những tiềm năng đầy đủ của nó./.

TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chau-phi-co-la-mien-dat-hua-voi-my-/115493.html