Châu Mỹ chiếm hơn 1/2 số ca mắc COVID-19 toàn cầu

Hiện hơn 50% tổng số người nhiễm bệnh được ghi nhận tại châu Mỹ, trong đó, Mỹ chiếm 1/2 tổng số ca mắc bệnh toàn châu lục và 1/4 tổng số ca bệnh toàn cầu.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 9h ngày 27/7 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 16.412.794 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 652.039 ca tử vong. Số bệnh nhân bình phục hiện là 10.042.362 người.

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 với 4.371.839 ca nhiễm và 149.849 ca tử vong.

Trong 12 ngày qua, số ca mắc mới tại Mỹ mỗi ngày đều vượt ngưỡng 60.000. Giới khoa học nhận định khoảng 3 đến 4 tuần sau khi tỷ lệ lây nhiễm tăng thì tỷ lệ tử vong cũng sẽ bắt đầu tăng. Trên thực tế, số ca tử vong trong ngày tại Mỹ liên tục vượt mức 1.000 trong 4 ngày gần đây.

Mỹ đã tăng gấp đôi đầu tư, lên đến gần 1 tỷ USD, để thúc đẩy việc điều chế một loại vaccine ngừa COVID-19 do công ty Moderna của nước này phát triển, dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng mang tính quyết định từ ngày 27/7. Trong thử nghiệm nhỏ ban đầu, vaccine của Moderna đã tạo ra kháng thể đối với toàn bộ 45 người tham gia.

Giới chức y tế Brazil ngày 26/7 cho biết trong 24 giờ qua, số ca tử vong tại nước này đã tăng 555 ca lên tổng cộng 87.004 ca. Số ca nhiễm tăng 24.578 ca lên 2.419.091 ca. Số bệnh nhân bình phục là 1.634.274 người. Brazil đang là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong cao thứ hai thế giới sau Mỹ.

Cũng tại khu vực Mỹ Latinh, trong 24 giờ qua, Mexico ghi nhận số ca tử vong cao nhất thế giới, với 729 trường hợp, nâng tổng số người tử vong lên 43.374/385.036 ca nhiễm bệnh, cao thứ 4 thế giới sau Mỹ, Brazil và Anh.

COVID-19 bùng phát mạnh trở lại tại châu Âu

Tại châu Âu, trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát mạnh trở lại sau gần một tháng nới lỏng đi lại giữa các nước trong khối, nguồn tin từ Chính phủ Anh ngày 26/7 cho biết, London có thể sẽ tái áp dụng quy định cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh vào Anh từ một số nước. Quy định này sẽ áp dụng cho cả công dân Anh và người nước ngoài.

Đức cũng chứng kiến sự gia tăng số ca mắc những ngày gần đây. Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết, đang cân nhắc khả năng người đến từ một số nước khu vực Tây Balkan và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải có giấy xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh. Tỷ lệ lây nhiễm tại Đức trong ngày 25/7 đã tăng lên 1,08 so với mức 0,93 ngày 23/7.

Pháp cũng yêu cầu người nhập cảnh từ 16 nước ngoài EU trong danh sách Pháp đã công bố bắt buộc phải kiểm tra COVID-19 khi vào Pháp, đồng thời không loại trừ khả năng có thể sẽ phải tái áp lệnh phong tỏa, dù ưu tiên của Pháp hiện nay vẫn là "phòng ngừa" và phong tỏa cục bộ ở những địa phương có số ca mắc tăng đột biến.

Trong tuần qua, Hà Lan, Áo, Thụy Sỹ, Ba Lan, Italy, và Monaco cũng đều thông báo ghi nhận số ca mắc tăng mạnh.

Số ca nhiễm mới tại nhiều nước châu Á tăng nhanh

Châu Á đang trở thành điểm nóng COVID-19 với số ca nhiễm mới ở nhiều nước tăng nhanh trở lại. Tổng số ca nhiễm ở châu lục này đã lên tới 3.900.136 trong đó có 89.967 trường hợp tử vong.

Ấn Độ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm bệnh và tử vong cao nhất châu lục và cao thứ 3 thế giới sau Mỹ, Brazil. Theo Worldometers, trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục, tăng 50.525 ca.

Bên cạnh đó, số ca tử vong trong 24 giờ qua của Ấn Độ cũng tăng cao, đứng thứ 2 thế giới sau Mexico. Tính tới nay, Ấn Độ ghi nhận 1.436.019 người mắc COVID-19, trong đó có 32.810 ca tử vong và 918.735 người bình phục.

Thủ tướng Narendra Modi khẳng định, dịch COVID-19 tại Ấn Độ sẽ còn kéo dài. Ông Modi cho biết, mặc dù tỷ lệ hồi phục của các bệnh nhân cao hơn so với nhiều quốc gia khác và tỷ lệ tử vong thấp hơn nhưng tại nhiều nơi, virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan rất nhanh và mọi người cần phải cảnh giác cao độ.

Ấn Độ đã thực hiện tổng cộng 16 triệu lượt xét nghiệm COVID-19, trong đó có khoảng 442.000 xét nghiệm trong cùng ngày, tăng gấp đôi so với mức 220.000 xét nghiệm/ngày hồi đầu tháng 7. Như vậy, tỷ lệ xét nghiệm COVID-19 của Ấn Độ đã tăng lên đến 11.485/1 triệu dân. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mức 158.981 của Mỹ và chỉ bằng một nửa so với 23.094 của Brazil.

Kế hoạch mở cửa giai đoạn hai (trong số 3 giai đoạn) của Ấn Độ sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới, nhưng theo các quan chức cấp cao, chính quyền nước này nhiều khả năng sẽ không cho phép mở lại trường học trong giai đoạn nới lỏng tiếp theo dự kiến vào tuần tới. Các dịch vụ tàu điện ngầm cũng sẽ không được sớm nối lại. Bên cạnh đó, các địa điểm khác như phòng gym, bể bơi và các cuộc tụ tập đông người cũng có thể sẽ tiếp tục bị cấm.

Tại Đông Nam Á, Indonesia có thêm 1.492 ca nhiễm mới và 67 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 98.778 và 4.781 ca tử vong.

Philippines ghi nhận thêm 2.110 ca nhiễm mới và 39 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 80.448 và 1.932 ca tử vong.

Singapore có thêm 481 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc lên thành 50.369 người. Trong số các ca nhiễm mới có 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, 4 ca từ bên ngoài vào, số còn lại sống trong các khu lao động nước ngoài đã được khoanh vùng cách ly. Đến nay, Singapore đã có 45.352 người được chữa khỏi và xuất viện, 27 ca tử vong.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/chau-my-chiem-hon-12-so-ca-mac-covid19-toan-cau/402028.vgp