Cháu của Hoàng đế Ung Chính bị mẹ ép cưới em họ phải 'cắn răng' đồng ý và kết cục bất ngờ

Những điều đó dần dần khiến Khải Công có cái nhìn khác về vợ mình. Ông nhớ lại lời kể của mẹ về vợ...

Đôi lúc, nhân duyên thật kỳ diệu. Một mối quan hệ không bắt nguồn từ tình yêu, thậm chí ép buộc nhau nhưng khiến những người trong cuộc tìm thấy được đúng người để yêu thương, dựa dẫm.

Những cuộc hôn nhân được sắp xếp vẫn có kết cục tốt đẹp thì phải khen ngợi điều tốt lành của nhân duyên. Như chuyện của nhà thư pháp, nghệ sĩ, họa sĩ Khải Công cũng thế.

Người đàn ông bị ép cưới em họ

Khải Công là một nhà nghệ thuật học nổi tiếng của Trung Quốc. Năm 1912, nhà Thanh sụp đổ, cùng năm đó, Khải Công được sinh ra với tư cách là cháu trai đời thứ 9 của Hoàng đế Ung Chính.

Cha ông chẳng may qua đời khi ông mới chỉ 1 tuổi. Lúc đó, đứa con trai vừa sinh ra nhưng chồng lại mất đi đã khiến mẹ ông rất đau khổ. Bà cho rằng chính Khải Công đã mang đến xui xẻo, chỉ cần nhìn thấy con trai là bà lại nghĩ đến người chồng đã mất. Bởi vậy, mẹ Khải Công rất thờ ơ với ông.

Ông nội Khải Công chứng kiến những điều ấy nên quyết định đưa cháu trai về nuôi nấng bên mình. Sau này, ông nội Khải Công qua đời vì bệnh tật, ông buộc phải quay trở lại ngôi nhà của mình. Thời điểm ấy, gia đình ông đã vô cùng sa sút, gọi là Hoàng thân quốc thích nhưng hào quang chẳng còn lại chút nào.

Những tưởng, nhiều năm trôi qua sẽ khiến cho sự căm ghét của người mẹ dành cho ông giảm bớt lại nhưng không hề. Bà vẫn có trách nhiệm của một người mẹ nhưng để nói yêu thương Khải Công thì chẳng được bao nhiêu. Lúc này, một người dì - em gái của mẹ ông cũng sống ở đó, cùng chị gái nuôi nấng và chăm sóc ông.

Lúc quay về nhà mẹ là khi ông được 10 tuổi, gia cảnh bần hàn, nợ nần chồng chất. Tuy vậy, Khải Công - vốn được học hành chu đáo từ nhỏ đã quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, cố gắng để thay đổi hiện trạng gia đình mình.

Tuy vậy, đến năm 1931, ông bị buộc phải thôi học. Kể từ đó, Khải Công vừa làm giáo viên để giảng dạy vừa cố gắng tìm kiếm một sự nghiệp lâu dài.

Khải Công.

Khải Công.

Năm 1932, Khải Công được mẹ mai mối cho với một người em bên họ ngoại tên Chương Bảo Sâm. Bảo Sâm hơn Khải Công 2 tuổi và là người phụ nữ vô cùng chân chất.

Vốn được học hành đầy đủ nên đương nhiên Khải Công từ chối. Nhất là khi người kết hôn lại là em họ của mình. Đành rằng đặt vào hoàn cảnh đương thời, chuyện hôn nhân cận huyết như thế này là điều hết sức bình thường nhưng Khải Công đã tiếp thu nền văn hóa phương Tây, điều này thật khó chấp nhận.

Tuy nhiên, mẹ ông lại muốn con trai đồng ý mối hôn sự này, Khải Công không từ chối nữa. Ông coi mối hôn sự được sắp xếp này là sự quan tâm, chăm sóc của mẹ dành cho nên "cắn răng" xuôi theo: "Cũng được, người ta thế nào không quan trọng, mẹ thích là được".

Vào tháng 10 năm 1932, Khải Công và Chương Bảo Sâm kết hôn bằng một lễ cưới đơn giản.

Ngay từ khi cưới, Khải Công đã nảy ra ý định sẽ đối xử tôn trọng vừa phải với vợ. Ông gọi bà là "em họ" như xưa. Dù sao họ cũng chưa từng yêu nhau nên để mối quan hệ tiến đến thắm thiết, keo sơn cũng rất khó. Tuy vậy, Chương Bảo Sâm khiến cho các tính toán của Khải Công phải thay đổi.

Người vợ hoàn hảo

Chương Bảo Sâm là một người vợ hoàn hảo đúng nghĩa. Sau khi kết hôn, sự chu toàn của bà khiến cho Khải Công không bao giờ phải lo toan việc gia đình.

Khi mới kết hôn, nhà của Khải Công rất nhỏ nhưng ông có nhiều bạn bè, thường xuyên có những cuộc tụ họp ở nhà, đến nửa đêm họ vẫn ngồi nói chuyện. Bảo Sâm vẫn tận tụy phục vụ mọi người trà nước, không hề xen vào nhắc nhở hay nói một câu gì.

Công việc của Khải Công cũng hay ra ngoài, về muộn. Mỗi lần như thế, bà đều ân cần đợi chồng, không hề cằn nhằn hay tỏ ra khó chịu.

Gia cảnh ngày càng khó khăn do tình hình xã hội phức tạp, Khải Công chỉ có thể dựa vào tiền giảng dạy trong trường để nuôi gia đình. Chương Bảo Sâm luôn rất trân trọng tiền bạc của chồng, chưa bao giờ phàn nàn nó ít hay nhiều. Bà còn tính toán kỹ lưỡng, chi tiêu hợp lí các khoản chi tiêu và lúc nào cũng để thừa ra một phần cho chồng mua sách, mua tranh dù hoàn cảnh gia đình ngặt nghèo.

Gia đình Khải Công (vợ ông mặc áo kẻ).

Một lần, Khải Công nhìn thấy vợ mình đang vá một chiếc tất có nhiều lỗ thủng. Ông cũng cảm thấy buồn lòng nên nghĩ ra cách vẽ tranh để bán. Khi vẽ xong, ông không thể bước nổi ra ngoài để mang đi bán. Chương Bảo Sâm hiểu rằng lòng tự trọng của đàn ông nên đã xung phong nói luôn: "Anh chỉ cần vẽ thôi, em sẽ mang ra đường ngồi bán".

Những điều đó dần dần khiến Khải Công có cái nhìn khác về vợ mình. Ông nhớ lại lời kể của mẹ về vợ. Hóa ra, Bảo Sâm mồ côi mẹ từ nhỏ, mẹ kế bắt nạt, bà lớn lên dựa vào tình thương của người anh trai.

Vào một buổi tối tuyết rơi dày đặc, Khải Công chưa thấy vợ về nhà nên cầm ô đi đón. Sau đó, ông thấy bà ngồi trên một chiếc xe phủ đầy tuyết. Nhìn thấy chồng, bà xua tay rồi phấn khởi khoe: "Chỉ còn hai bức tranh chưa bán được thôi này". Lúc đó, nước mắt Khải Công trào ra. Ông vừa yêu thương, khâm phục lại vừa xót xa cho cô vợ chịu thương, chịu khó. Tình yêu giữa cả hai nảy sinh như vậy.

Năm 1957, mẹ và dì của Khải Công lần lượt đổ bệnh. Mọi gánh nặng đổ lên đầu Chương Bảo Sâm, không một lời oán thán hay than vãn, bà một tay chăm sóc hai người phụ nữ có công nuôi dưỡng chồng mình không để Khải Công phải bận tâm quá nhiều.

Tuy vậy, Khải Công và vợ kết hôn đã lâu mà không thế có con, điều này khiến cho Chương Bảo Sâm luôn luôn thấy nặng nề.

Có một thời gian, Khải Công thường phụ trách việc đưa nữ sinh đi xem triển lãm khiến cho một số tin đồn về mối quan hệ tình ái giữa thầy và trò nổ ra.

Bảo Sâm biết chuyện, bà không khóc hay làm ầm ĩ lên. Bà luôn cảm thấy có lỗi với chồng vì đã không thể sinh con. Bà cũng tin rằng chồng mình sẽ không làm ra những chuyện như thế. Tuy vậy, bà lại nảy sinh ý định giải thoát cho chồng khỏi cuộc sống như hiện tại.

Bảo Sâm thu dọn đồ đạc và quay lại nhà mẹ đẻ với ý nghĩ điều này sẽ bù đắp cho Khải Công. Sau khi biết chuyện, Khải Công đã đến thẳng nhà vợ để cầu xin bà quay về. Không ngờ, bố vợ nóng tính không cho ông bước vào. Ông chỉ có thể ngồi bên ngoài chờ vợ ra mặt mà thôi.

Trong lúc tuyệt vọng, ông không còn cách nào khác đã lừa vợ bằng cách nói rằng chính bản thân ông không thể có con. Vấn đề là ở ông, chính ông mới là người khiến Bảo Sâm phải khổ. Ngay sau đó, người vợ tin lời và quay lại nhà chồng.

Với sự chung sức của cả hai, cuộc sống của họ ngày càng tốt đẹp, hạnh phúc. Dù không có em bé nhưng cả hai rất yêu thương đùm bọc cho nhau.

Khải Công cũng không ngờ được cuộc hôn nhân sắp đặt mang đến cho mình người vợ hoàn hảo đến thế. Cuộc sống của họ cũng trải qua hàng loạt thăng trầm, biến cố. Tuy nhiên, sự bao dung và hết lòng với chồng của Chương Bảo Sâm lúc nào cũng tồn tại. Bà luôn cố gắng chu toàn tất cả để ông được thoải mái với đam mê.

Năm 1975, bệnh cũ của Chương Bảo Sâm tái phát và được đưa thẳng vào Bệnh viện Đại học Bắc Kinh. Để chăm sóc vợ, Khải Công quyết định cùng ở lại bệnh viện, ban đêm ông kê vài chiếc ghế cạnh giường bệnh rồi ngủ.

Cảm thấy sức khỏe đã yếu dần, Chương Bảo Sâm nhắn nhủ chồng: "Sau khi em chết, anh phải tìm người khác chăm sóc cho mình đấy".

Khải Công nghe xong cười buồn: "Anh già như thế này rồi, ai mà theo anh nữa".

Khi Chương Bảo Sâm chết đi, đó thật sự là một nỗi đau đớn rất lớn mà Khải Công phải trải qua.

Nhiều năm sau, những người bạn vẫn lần lượt mai mối cho Khải Công nhưng ông đều từ chối. Một người hài hước đùa: "Trong phòng ngủ của anh vẫn còn kê chiếc giường đôi đó, chứng tỏ anh vẫn còn ý định kết hôn đấy chứ".

Nghe xong, ông lập tức đổi giường đôi thành giường đơn.

Sau này, ông vẫn tiếc nuối nhất bởi vợ mình cùng trải qua cuộc đời nghèo khó, vất vả nhưng chưa từng có cơ hội đi du lịch một lần. Trong những năm cuối đời, nhiều người mời ông đi chỗ này chỗ khác thăm thú nhưng ông đều từ chối. Bởi khi nhìn thấy các cặp đôi đi cùng nhau, ông lại nhớ đến người vợ đã khuất mà bật khóc.

Năm 2005, Khải Công qua đời, hưởng thọ 93 tuổi. Trước khi mất, điều ước ông để lại đơn giản thế này: "Chúng tôi sống đắp cùng một chiếc chăn chỉ mong mất được cùng một hố. Sau khi tôi chết, tôi phải được chôn cùng với Bảo Sâm".

Theo An Thanh/Gia đình & Xã hội

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/chau-cua-hoang-de-ung-chinh-bi-me-ep-cuoi-em-ho-phai-can-rang-dong-y-va-ket-cuc-bat-ngo/20201011080951957