Cháu cần có bố!

Qua 2 cấp xét xử, bị đơn là bà Liêm vẫn gửi đơn kêu cứu, vì không những cháu ngoại của bà chưa tìm ra bố, mà bà còn bị đòi lại 200 triệu đồng do vợ con ông H đem tới xin 'đền bù' khi con gái thiểu năng trí tuệ của bà mang thai.

Mang thai sau 4 tháng, gia đình mới biết

Một sáng đầu xuân 2018, bà Liêm đưa cô con gái lơ ngơ và đứa cháu trai 5 tuổi xinh xắn nhưng đôi mắt to buồn rười rượi đến báo Tiền Phong, gửi hồ sơ kêu cứu.

Bà Liêm trình bày tới đâu đưa ra giấy tờ, bản án, băng ghi âm tới đó. Tài liệu, chứng cứ thể hiện: bà Liêm là công nhân nghỉ hưu, chồng bà- ông Anh là thương binh 4/4 thời chống Mỹ. Vợ chồng bà có 4 người con, gia cảnh đều nghèo khó. Ông Anh ốm yếu, ở với con trai cả. Bà Liêm với con gái kế út tên My sinh năm 1988, bị thiểu năng trí tuệ, thì ở chòi rẫy khuất sâu trong hẻm vắng tại xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk).

Hằng ngày bà Liêm ra rẫy chăm sóc cà phê, còn My quanh quẩn trong nhà, chỉ làm được vài việc đơn giản. Bà Liêm kể: Mấy lần tôi đi làm về, My mách “Mẹ ơi, ông H tới con”. “Ông H hay vào rẫy của tôi và qua lại thăm chơi, nhưng nhà ông ấy kinh doanh vật liệu xây dựng, vợ đẹp con khôn, nên tôi không để ý điều con mình nói. Đầu tháng 4/2012, thấy My có biểu hiện như người ốm nghén, tôi đưa con đi khám, mới biết My đã mang thai hơn 4 tháng”, bà Liêm nói.

Cả nhà dỗ dành, gặng hỏi mãi về người đã “làm chuyện đó”. Theo lời My kể rời rạc được chắp nối, thì trước sau vẫn chỉ hiện rõ một “thủ phạm” là ông H. Theo bà Liêm, bà đã tìm ông H chất vấn nhưng ông H im lặng, sau đó điện thoại lại cho bà Liêm, thú nhận ông đã “quan hệ” với My, và đề nghị bà Liêm đưa My đi phá thai, ông sẽ lo tiền.

Ngày 17/4/2012, bà Liêm đến nhà ông H, gặp vợ ông H là bà M. Cuối câu chuyện, bà M cũng đề nghị bà Liêm đưa My đi phá thai. Bà Liêm không đồng ý, vì thai đã quá lớn, mà bác sĩ nói với tình trạng tâm thần của con bà, không ai dám bảo đảm thủ thuật an toàn.

Ông H có em gái là bà V cán bộ hội phụ nữ địa phương. Ngày 22/4/2012 bà V đến nhà bà Liêm xin thỏa thuận đền bù, để bà Liêm không tố giác việc ông H đã cưỡng hiếp người mắc bệnh tâm thần đến có thai ra trước pháp luật. Trong cuộc tranh luận dài được con bà Liêm ghi âm, bà V nhiều lần khẳng định anh trai bà công nhận việc “đã quan hệ” với My. Đại gia đình bà V đau lòng và nhục nhã về “hành động bột phát” này của ông H, xin gia đình bà Liêm nhận một khoản tiền để nuôi dưỡng và chăm sóc mẹ con My, cho “mọi chuyện êm thấm”.

Ngày 24/4/2012 bà M cùng con trai lớn là anh Đ, bà V và một phụ nữ nữa đem 200 triệu đồng đến nhà bà Liêm. Anh Đại là con rể bà Liêm viết tay một “giấy nhận tiền”, con trai bà Liêm cùng các nhân chứng đồng ký tên rồi giao giấy cho bà M giữ. Theo anh Đại, “giấy nhận tiền” ghi 200 triệu đồng này là khoản tiền ông H bồi thường nhân phẩm cho My, sau này đôi bên sẽ không kiện cáo gì nhau nữa.

Tuy nhiên, mấy tháng qua bà Liêm lại liên tục gửi đơn kêu cứu. Bà trình bày: Sau khi sinh bé trai đặt tên L, My liên tục đau ốm. Bà M lại nói xấu, bôi nhọ danh dự gia đình bà Liêm với nhiều người, nên bà Liêm bức xúc làm đơn gửi công an đề nghị khởi tố ông H theo đúng quy định của pháp luật. Công an huyện tiến hành trưng cầu giám định ADN. Kết luận giám định ngày 13/8/2013 của phân viện Khoa học hình sự tại TPHCM cho ra kết quả bất ngờ: ông H và cháu L không phải là cha con!

Lật kèo

Đến lượt bà M gửi đơn kiện đòi tài sản, chối bỏ việc ông H “có quan hệ” với My, yêu cầu bà Liêm phải trả lại khoản tiền đã nhận. Tòa án huyện Cư M’gar xử, tuyên buộc bà Liêm phải trả lại 200 triệu đồng cho bà M, cộng khoản án phí 10 triệu đồng. Bà Liêm kháng cáo. Ngày 23/8/2016 TAND tỉnh Đắk Lắk xử phúc thẩm, giảm cho bà Liêm 50% tiền án phí sơ thẩm, nhưng buộc bà Liêm phải trả lại khoản tiền mà bà M vợ ông H đã đưa nhằm “bồi thường nhân phẩm cho My” theo 3 đợt. Do gia cảnh bà Liêm quá khó khăn, anh Đ con ông H đã đồng ý giảm bớt cho bà 75 triệu đồng.

Sau khi trả được cho bà M 2 đợt tổng cộng 90 triệu đồng, tới đợt 3 chậm nhất ngày 30/11/2017 phải trả nốt 35 triệu đồng còn lại, thì bà Liêm không xoay ra tiền được nữa. Phía bà M thúc, bảo bà Liêm bán rẫy đi để trả.

Uất quá, bà Liêm đi gõ khắp các cửa kêu cứu. Trong đơn gửi báo Tiền Phong, bà Liêm cho rằng việc tòa án 2 cấp buộc gia đình bà trả lại khoản tiền “bồi thường nhân phẩm cho My” mà vợ con ông H đã đưa là không thuyết phục. Kết quả giám định ADN lần đầu rất có thể sai, hoặc mẫu giám định không đúng, nên bà đề nghị cơ quan điều tra cấp trên cho giám định lại, để biết chắc ông H có phải là bố cháu L hay không.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn (VPLS Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư Đắk Lắk), người trợ giúp pháp lý miễn phí cho bà Liêm khẳng định: Dư luận nghi ngờ việc lấy mẫu giám định ADN trong trường hợp này không chính xác, có thể bị đánh tráo đối tượng cần giám định. Nếu ông H không “sơ múi”, sao gia đình ông lại đến xin “bồi thường nhân phẩm” 200 triệu đồng? Để giải quyết vụ việc thấu tình đạt lý, bảo vệ quyền trẻ em, không để khiếu nại tố cáo kéo dài, lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk nên chỉ đạo cơ quan nghiệp vụ tiến hành lấy mẫu giám định lại, làm căn cứ giải quyết triệt để vụ án kỳ dị này.

Hoàng Thiên Nga

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/chau-can-co-bo-1244790.tpo