Châu Âu với việc cấm mạng che mặt

Tới nay, Đan Mạch trở thành quốc gia thứ 5 ở châu Âu ban hành lệnh cấm che mặt ở những nơi công cộng. Chính sách này được xem là nhằm vào cộng đồng phụ nữ người Hồi giáo vốn đã quen với việc mang mạng che mặt Niqab.

Một phụ nữ tham gia cuộc tuần hành phản đối lệnh cấm mạng che mặt ở Copenhagen, Đan Mạch hôm 1/8. Nguồn: Reuters.

Hàng loạt nước ban hành lệnh cấm

Bất chấp làn sóng biểu tình ở thủ đô của nước này, lực lượng cảnh sát đã bắt đầu thực thi lệnh cấm mới. Vào ngày 3/8, một phụ nữ 28 tuổi mang mạng Niqab, che phủ toàn bộ thân thể chỉ ngoại trừ đôi mắt, đã bị tấn công bởi một phụ nữ Đan Mạch khác, người cố gắng giật mạng che mặt của cô. Cảnh sát sau đó phạt người phụ nữ Hồi giáo khoản tiền 156 USD.

Các quy định xung quanh mạng che mặt của người Hồi giáo ngày càng xuất hiện nhiều hơn ở khắp châu Âu, đặc biệt là trong vòng 3 năm trở lại đây. Giờ đã có 6 quốc gia ban hành các bộ luật cấm một phần hoặc cấm hoàn toàn mạng che mặt ở nơi công cộng. Mới nhất trong số đó là Hà Lan, đất nước vừa tổ chức bỏ phiếu vào tháng Sáu để thông qua lệnh cấm một phần mạng che mặt ở nhiều địa điểm, bao gồm trường học và bệnh viện, ngoại trừ những tuyến phố công cộng.

Một số quốc gia khác ở châu Âu như Tây Ban Nha và Italy, cũng ban hành lệnh cấm mạng che mặt ở một số thành phố và thị trấn, thậm chí còn cân nhắc các đề xuất cấm mạng che mặt ở cấp độ địa phương hoặc toàn quốc.

Nhiều lời kêu gọi cấm mạng che mặt ở những nơi công cộng cũng xuất hiện ở Pháp, quốc gia trong năm 2011 trở thành nước ở châu Âu đầu tiên ban hành lệnh cấm toàn quốc. Vào thời điểm đó, Tổng thống Nicolas Sarkozy nói trong một bài phát biểu trước toàn quốc gia rằng burqa - trang phục che phủ toàn bộ thân thể, có phần lưới ở phần mắt để nhìn, rất phổ biến ở Afghanistan - là một “dấu hiệu của sự quỵ lụy và giảm giá trị bản thân”.

“Tôi muốn nói rằng burqa không được chào đón ở Pháp. Ở đất nước chúng tôi, chúng tôi không thể chấp nhận những nữ tù nhân đằng sau một bức màn, bị cắt đứt khỏi cuộc sống xã hội, xa rời mọi nhận dạng của họ. Đó không phải sự tự do” - ông Sarkozy từng nói trước các nhà lập pháp.

Một lý do khác mà các nước châu Âu ban hành lệnh cấm mạng che mặt là chúng giúp che dấu nhận dạng của người mặc, trở thành mối đe dọa an ninh.

Ví dụ như ở Latvia, đất nước chỉ có 3 phụ nữ trong tổng dân số 2 triệu người mang burqa, các cuộc tranh luận xung quanh lệnh cấm mạng che mặt thường liên hệ với mối quan ngại về an ninh. Năm 2016, Caira Vike-Freiberga, cựu Tổng thống Latvia, nói với tờ New York Times rằng “che phủ mặt của ai đó ở nơi công cộng vào thời điểm chủ nghĩa khủng bố hiện diện là mối đe dọa đối với xã hội...Các bạn có thể mang theo súng phóng rocket dưới lớp áo đó. Điều đó không vui chút nào”.

“Giá trị của châu Âu”

Giới chính trị gia cũng thường xuyên nói rằng mạng che mặt không phù hợp với các “giá trị của châu Âu”, còn chưa kể tới vấn đề “xung đột văn hóa” mà giới chuyên gia từng nêu.

Vào năm 2017, Bộ trưởng Nội vụ Đức lúc bấy giờ, Thomas de Maiziere, đã kêu gọi lệnh cấm mạng che mặt trên phạm vi toàn quốc trong một bài xã luận: “Chúng ta là một xã hội cởi mở. Chúng ta để lộ khuôn mặt. Chúng ta không sử dụng burqa”.

Hồi đầu năm nay, trong lúc mà Quốc hội Đan Mạch đang tranh luận về Dự luật cấm mạng che mặt - sau đó được thông qua - Bộ trưởng Tư pháp Soren Pape Poulsen đã nói rằng việc một cá nhân giấu đi khuôn mặt của mình là hành động “không tôn trọng” người khác và “không phù hợp với các giá trị của xã hội Đan Mạch”.

Bất chấp lời biện minh này, các chính sách liên quan tới mạng che mặt dường như ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh chính phủ các nước châu Âu đang cố gắng ngăn chặn tầm ảnh hưởng của giới chính trị gia cánh hữu trong đất nước họ - giới chuyên gia nhận định.

Dù số lượng phụ nữ mang Niqab hoặc burqa chỉ chiếm tỷ lệ cực nhỏ ở phần lớn các nước châu Âu; theo Akbar Ahmed, Giáo sư thuộc ĐH Mỹ, cho hay, mạng che mặt của họ lại thể hiện một dấu hiệu của cộng đồng Hồi giáo mà giới lãnh đạo chính trị cánh hữu thường lấy làm ví dụ cho quá trình mà họ gọi là “Hồi giáo hóa” châu Âu.

Và trong lúc các đảng cánh hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính phủ nhiều nước châu Âu đã chịu áp lực phải đưa ra lựa chọn chiến lược là ban hành lệnh cấm mạng che mặt. Nhiều chính phủ nhận thấy rằng các nước láng giềng đã đặt ra tiền lệ cho họ, và bởi vậy họ chỉ cần làm theo.

Năm 2014, Tòa án Nhân quyền châu Âu (ECHR) đã ủng hộ lệnh cấm mạng che mặt của Pháp, ra phán quyết bất lợi cho một phụ nữ Hồi giáo 24 tuổi, người cho rằng cô mang burqa là quyền tự do tôn giáo của bản thân. Vào năm 2017, ECHR cũng đưa ra phán quyết tương tự đối với 2 phụ nữ Bỉ, nói rằng lệnh cấm mạng che mặt của nước này không vi phạm Công ước Nhân quyền của châu Âu.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/chau-au-voi-viec-cam-mang-che-mat-tintuc412992