Châu Âu với nỗi lo điện hạt nhân 'về hưu'

Theo kế hoạch, các nhà máy điện hạt nhân đang cung cấp điện cho xấp xỉ 60 triệu hộ gia đình ở châu Âu sẽ đóng cửa trong thập niên 2020, giữa lúc nhiều nhà máy đang gặp khó trong việc thay thế những lò phản ứng già cỗi. Điều này làm dấy lên nguy cơ lượng phát thải carbon cao hơn do nhiên liệu hóa thạch sẽ 'trám' vào chỗ trống của năng lượng hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point B ở Anh. Ảnh: EDF Energy

Nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point B ở Anh. Ảnh: EDF Energy

Liên minh châu Âu (EU) hiện có 107 lò phản ứng hạt nhân hoạt động tại 15/27 quốc gia thành viên, chiếm khoảng 25% sản lượng điện của khối. Tuy nhiên, 90 lò trong số đó đã ít nhất 31 tuổi. Trung bình, một nhà máy điện hạt nhân được thiết kế để hoạt động 40 năm.

Theo Công ty phân tích năng lượng Timera Energy của Anh, đến năm 2030, các lò phản ứng hạt nhân cung cấp khoảng 29GW điện sẽ đóng cửa tại 7 quốc gia gồm Bỉ, Anh, Pháp, Ðức, Ý, Hà Lan và Tây Ban Nha. Sở hữu 48 lò phản ứng, Pháp là một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào điện hạt nhân trên thế giới.

Một số nhà điều hành đang đẩy nhanh kế hoạch dỡ bỏ lò phản ứng bởi tình trạng ăn mòn và các bộ phận hư hỏng do lâu đời làm tăng chi phí cũng như gây khó khăn trong bảo trì. Ngoài ra, phần lớn thiết kế của các lò phản ứng này (có từ thập niên 1980) không tương thích với những thiết bị an toàn nhằm đối phó các mối đe dọa trong thế kỷ XXI, chẳng hạn như tấn công khủng bố, thời tiết cực đoan và tai nạn máy bay.

Timera Energy cho rằng 7 quốc gia châu Âu nói trên cần đầu tư ít nhất 25 tỉ euro và 55 tỉ euro vào năng lực sản xuất linh động, như gas, lần lượt vào năm 2025 và 2030. Không như điện tái tạo phụ thuộc vào các điều kiện thời tiết, gas không có tình trạng gián đoạn, nhưng lại phát thải carbon. Do vậy, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Hạt nhân Anh Tom Greatrex dự báo: “Lượng phát thải do sản xuất điện có thể tăng mạnh từ giữa thập niên này, bởi bên hưởng lợi chính từ việc đóng cửa điện hạt nhân nhiều khả năng là các nhà máy khí đốt”.

Tại Anh, kế hoạch phá bỏ các nhà máy điện hạt nhân Hinkley Point B và Hunterson B sẽ bắt đầu trong năm 2022. Trong khi đó, Ðức đã quyết định tăng tốc đóng cửa các nhà máy hạt nhân vào năm 2022, sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011.

Ba Lan muốn “đoạn tuyệt” với than

Theo Hãng tin AFP, Warsaw sẽ nỗ lực đóng cửa mỏ than cuối cùng của nước này vào năm 2050, động thái bị các chuyên gia cảnh báo là muộn màng và sẽ đối mặt nhiều rào cản. Thành viên EU này có khoảng 80% sản lượng điện từ than. Nhiều tổ chức môi trường trên thế giới gắn mác nhà máy điện than Belchatow khổng lồ của Ba Lan là “lò phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất trong khối”. Lượng phát thải tại Ba Lan ở mức cao trong những năm gần đây bởi chính phủ nước này vẫn còn tập trung vào than. Tuy nhiên, chi phí khai thác cao cùng với thuế carbon của Brussels đã khiến năng lượng từ than không còn tính cạnh tranh, buộc Warsaw phải nghĩ lại.

Ba Lan có kế hoạch khởi công xây dựng lò phản ứng hạt nhân đầu tiên vào năm 2026 và chính thức vận hành năm 2033. Hiện EU cũng đang hướng tới mục tiêu carbon trung tính vào giữa thế kỷ này.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/chau-au-voi-noi-lo-dien-hat-nhan-ve-huu--a128621.html