Châu Âu vật vã 'tề gia'

Năm 2018 sắp đi qua chứng kiến Liên minh châu Âu không còn có một nhà lãnh đạo nào đủ mạnh để dẫn dắt cả khối đi qua những cuộc khủng hoảng để triển khai được chương trình nghị sự của mình.

Người biểu tình phản đối Brexit tụ tập trước tòa nhà Quốc hội Anh hôm thứ Hai tuần này. (Ảnh: Getty Images)

Năm nay là năm châu Âu vật vã đối phó với khủng hoảng trong nhà. Cuối cùng sẽ đạt được một thỏa thuận tốt để Anh rời khỏi khối. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với những kế hoạch lớn nhằm giúp lục địa hồi sinh, sẽ kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel để đảm trách vị trí lãnh đạo khối trên thực tế. Xu hướng dân chủ lùi ở Hungary và Ba Lan sẽ được kiềm chế. Xu hướng dân túy sẽ bị chặn lại.

Giá như những điều đó xảy ra suôn sẻ.

Nhưng hỗn loạn đang diễn ra như cơm bữa. Năm 2018 sắp đi qua chứng kiến Liên minh châu Âu không còn có một nhà lãnh đạo mạnh nào để dẫn dắt qua những cuộc khủng hoảng để triển khai chương trình nghị sự của mình. Bà Merkel từng đóng vai trò đó nhưng nay đã thành “vịt què” khi bà đã lặng lẽ hơn trong các vấn đề của khối. Ông Macron đang vật vã với những cuộc biểu tình bạo lực và cuộc khủng hoảng lan rộng trong nước, khiến vị trí tổng thống của ông cũng bị đe dọa.

Biến động chính trị càng rõ rệt hơn với những trắc trở mới trong quá trình Anh thực hiện Brexit. Thủ tướng Anh Theresa May hôm 11/12 bận rộn bay đến các thủ đô của châu Âu để họp khẩn nhằm tìm kiếm một cách tuyệt vọng sự giúp đỡ có thể hồi sinh một thỏa thuận Brexit không đẩy Anh vào nguy cơ thất bại.

“Đây là một khoảnh khắc của sự thật, một khoảnh khắc để thừa nhận rằng mọi thứ đã trở nên khó khăn hơn so với 1 năm trước”, ông Pierre Vimont, cựu đại sứ Pháp và cựu Tổng Thư ký Điều hành cơ quan Hoạt động Đối ngoại của EU, nói.

Rối loạn gần đây xuất phát từ 3 cường quốc truyền thống của Tây Âu và cũng là 3 nơi từng được coi là nguồn gốc ổn định chính trị, cho thấy không ngóc ngách nào của châu Âu có thể miễn dịch với những đứt gãy chính trị lan ra kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 rồi sau đó tăng tốc bằng cuộc khủng hoảng di cư năm 2015.

Cuối tuần này, các lãnh đạo châu Âu sẽ dự cuộc họp cuối năm tại Brussels để kết thúc vấn đề Anh rời khỏi khối và chuẩn bị cho cuộc bầu cử nghị viện châu Âu vào mùa Xuân tới. Người dân ở 28 nước thành viên EU thường không để tâm nhiều đến những cuộc bầu cử như vậy, nhưng sự kiện lần này sẽ có ý nghĩa then chốt khi các đảng cực hữu hữu hy vọng sẽ tận dụng cơ hội này để chiếm thêm quyền lực ở Brussels.

Câu hỏi được đặt ra lúc này là ai có thể tổ chức và dẫn dắt châu Âu, khi một thế hệ chính trị gia mới ở Đức và những nơi khác mới đang xuất hiện từ từ, bà Daniela Schwarzer, giám đốc Hội đồng Đối ngoại Đức, nói.

Khi Hội đồng và Nghị viện châu Âu gần hết nhiệm kỳ, cả bà Merkel lẫn ông Macron đều đã yếu đi, vẫn chưa có một nhà lãnh đạo nổi bật tầm châu lục nào nổi lên.

Bà Merkel có tiếng nói rất lớn trong các vấn đề của châu Âu, có thể thu hút sự chú ý trên toàn cầu và chế ngự những nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc ở các nước thành viên khác. Nhưng người có khả năng kế nhiệm bà là Annegret Kramp-Karrenbauer dù cũng ủng hộ châu Âu nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm chính trị. Và những vấn đề chính trị của ông Macron ở Paris cho thấy liên minh Pháp – Đức ở trung tâm hoạch định chính sách của châu Âu đang bị xáo trộn sâu sắc.

“Với Brexit và những căng thẳng, phân cực ngày càng tăng giữa các chính phủ trong EU và hệ thống Brussels yếu đi, các sáng kiến quốc gia và đa phương sẽ ngày càng có chỗ. Nhưng nếu đi theo hướng đó, chúng ta cần các nhà lãnh đạo, ít nhất là những người có thể tạo động lực và dẫn dắt các nhóm quốc gia nhỏ hơn”, bà Schwarzer nói.

Rõ ràng EU đang đối mặt với hàng loạt vấn đề: chủ nghĩa dân túy, thách thức pháp quyền ở Hungary và Ba Lan, mối đe dọa đối với đồng tiền chung euro, thách thức ngân sách ở Ý, vai trò của Nga và sự thờ ơ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhiều người từng hy vọng ông Macron và chương trình cải tổ của ông sẽ xốc lại một nước Pháp hấp hối từ lâu và tạo nên sự lãnh đạo quyết liệt cho châu Âu. Nhưng khi đối mặt với những cuộc biểu tình suốt tháng qua, ông Macron đã phải tìm cách trấn an những người áo vàng nổi giận với lời hứa hoãn tăng thuế và tăng lương cho giai cấp công nhân.

Khi làm như vậy, ông Macron có nguy cơ sẽ làm hỏng chính uy tín của mình ở châu Âu khi chương trình cải tổ cứng rắn của ông không thể triển khai. Trong con mắt của một số người, ông Macron giờ không khác gì hàng dài các đời tổng thống Pháp trước. Câu hỏi đặt ra là liệu biện pháp giảm thuế và tăng lương mà ông vừa thông báo có tạo ra một lỗ hổng lớn trong ngân sách Pháp vốn đã có nguy cơ vi phạm hướng dẫn của EU về 3% tổng sản phẩm quốc nội hay không.

Điều này sẽ chỉ khuyến khích liên minh lãnh đạo dân túy ở Ý tiếp tục kế hoạch chi tiêu bị EU chỉ trích, tạo thêm bằng chứng để Đức thấy rằng Pháp không thể cải tổ kinh tế thực sự. Trong nhiều năm, Brussels đưa ra nguyên tắc ngân sách nghiêm ngặt với các nước vay nợ như Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Nguy cơ Pháp không tuân thủ được nguyên tắc này sẽ rất tai hại.

Ông Dominique Moïsi, một nhà khoa học chính trị Pháp tại Viện nghiên cứu Montaigne, nói rằng sự lãnh đạo ở EU giờ đã yếu đi vì lãnh đạo các nước chủ chốt như Anh, Pháp và Đức giờ đang tập trung vào các vấn đề trong nước nhiều hơn.

“Đây là thời điểm châu Âu phải đóng một vai trò quan trọng, nhưng châu Âu hoàn toàn tự tâm, bị ám ảnh bởi chính mình và những điều ngày mai sẽ xảy ra ở Anh, Pháp và Đức”, ông nói. Ông cũng cho rằng “điều đáng lo nhất là nước Pháp của Macron. Macron là người mang hy vọng, nhưng giờ là người vận chuyển tuyệt vọng và giận dữ”.

“Nếu ông Macron thất bại, tương lai của Pháp sẽ là Ý hiện nay, là sự trỗi dậy của các nhân vật cực đoan, đặc biệt là Mặt trận quốc gia với tên gọi mới là “Tập hợp quốc gia” vẫn do bà Marine Le Pen dẫn đầu.

Ông Vimont cảnh báo những vấn đề của châu Âu có thể vượt ra khỏi Anh, Pháp và Đức để tràn tới những nước như Thụy Điển, Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan và Đan Mạch. “Nó thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau, nhưng do cùng nguyên nhân: chính sách kinh tế, toàn cầu hóa, công nghệ mới, thế giới đa cực mới và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Nguyên nhân chính là sự bất mãn của nhiều người dân, những người đang cất tiếng nói rất to và rõ ràng, và chưa ai có thể đề xuất một tương lai tính đến tất cả những nỗi bất mãn đó”, ông Vimont nói.

Bình Giang
theo NYT

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/chau-au-vat-va-te-gia-1355810.tpo