Châu Âu vào cuộc trước bê bối tham nhũng tư pháp tại Cộng hòa Síp

Trước bê bối tham nhũng liên quan đến các thẩm phán Cộng hòa Síp, các chuyên gia châu Âu quyết định sẽ vào cuộc để xem xét và trợ giúp ngành Tư pháp nước này thoát khỏi cơn khủng hoảng.

Ảnh minh họa: Cyprus Mail

Cơ quan Chống tham nhũng của Hội đồng châu Âu ngày 16/1 cho biết, sẽ phái một đoàn cấp cao làm việc tại Cộng hòa Síp để xem xét những cáo buộc chống lại các thành viên của Tòa án Tối cao nước này trong một vụ kiện đã khiến hệ thống tư pháp Síp rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Nhóm Các quốc gia Chống tham nhũng, được gọi là GRECO, cho biết trong một tuyên bố rằng, các quan chức cấp cao của GRECO sẽ đến đảo Síp trong vài tuần tới để đưa ra hướng dẫn về vấn đề này.

Tổng Chưởng lý Cộng hòa Síp Costas Clerides, người đã đưa ra các cáo buộc tham nhũng đối với các thẩm phán hàng đầu, cho biết, GRECO yêu cầu cung cấp thông tin về vụ việc và bày tỏ sự quan tâm trợ giúp để làm sáng tỏ vấn đề.

GRECO là tổ chức bao gồm 49 quốc gia châu Âu và Mỹ, được thành lập năm 1999 để hoạt động như một cơ quan giám sát chống tham nhũng thông qua việc theo dõi, giám sát chặt chẽ các quốc gia thành viên trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn của Hội đồng châu Âu về chống tham nhũng dưới mọi hình thức.

GRECO không có thẩm quyền điều hành, nhưng có thể đưa ra các khuyến nghị.

Trước đó, Tổng Chưởng lý Costas Clerides đã công khai chỉ trích Chủ tịch Tòa án Tối cao Myron Nicolatos về việc bỏ phiếu cho ông để đổi lại, được sự ủng hộ cho một bản án đối với Ngân hàng Síp và cựu Giám đốc Điều hành ngân hàng này về tội thao túng thị trường.

Ông Clerides nói, làm như vậy mặc dù có sự đề nghị từ phía người cho vay rằng sẽ chấp nhận trả cho em gái và con gái của ông giá trị của những trái phiếu đã bị xóa, trong một thỏa thuận bên ngoài tòa án, trong khi ngân hàng từ chối việc chi trả cho hàng chục nghìn người gửi tiền khác.

Để củng cố cho những cáo buộc của Tổng Chưởng lý, bà Demetra Kalogirou, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch phát biểu trên Đài Phát thanh Cộng hòa Síp rằng, đã điều tra các cáo buộc và đưa ra kết luận cho thấy, Ngân hàng Síp và các quan chức tại ngân hàng đã thao túng thị trường bằng cách cung cấp thông tin sai lệch.

Cũng theo bà Demetra Kalogirou, trong một cuộc họp cổ đông vào năm 2012, các quan chức Ngân hàng Síp đã nói rằng, cần vài nghìn euro để tái cấp vốn. Tuy nhiên, vào năm 2013, khi khủng hoảng kinh tế ập đến, các chuyên gia quốc tế nhận thấy rằng, Ngân hàng Síp thực sự cần tới khoảng 4,5 tỷ euro để đưa tỷ lệ vốn cấp 1 của mình lên ngang mức của Liên minh châu Âu.

Chủ tịch Tòa án Tối cao Nicolatos phản đối trước những áp lực yêu cầu ông từ chức hôm 16/1, cho rằng, sự thu xếp giữa ngân hàng và người thân của ông được thực hiện theo đúng thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, ông Demetris Syllouris, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Síp đã kêu gọi Ủy ban Đạo đức thảo luận về vấn đề này và yêu cầu điều tra về các cáo buộc mà Tổng Chưởng lý đã đưa ra.

Phía Tổng Chưởng lý ngoài ra còn cáo buộc 3 thẩm phán khác đã tham gia một phiên tòa riêng, mà tại đó Ngân hàng Síp và một số cựu quan chức cấp cao được xóa các cáo buộc thao túng thị trường và làm sai lệch các tài khoản...

Thêm biện pháp bảo vệ người tố cáo tham nhũng

Liên quan đến tình hình chống tham nhũng tại Cộng hòa Síp, hiện nay, Bộ Tài chính nước này đang tiến hành lấy ý kiến xung quanh một dự luật, trong đó xem xét bổ sung thêm các biện pháp bảo vệ người tố cáo các vụ tham nhũng ở cả khu vực công và tư nhân.

Dự luật quy định sự khoan hồng hơn đối với những người chủ động báo cáo về chính vụ việc mà mình có liên quan, trong sự hợp tác đầy đủ với chính quyền để làm rõ tất cả thủ phạm của các hành vi tham nhũng.

Trước khi dự luật được đưa ra tại phiên họp toàn thể trong 15 ngày, Chủ tịch Ủy ban Pháp lý Hạ viện Georgios Georgiou cho biết, nó sẽ được thảo luận thêm vào ngày 23/1 để xem xét một số đề xuất sửa đổi cũng như nhận được hỗ trợ từ phía Bộ Tư pháp và các dịch vụ pháp lý.

Tại cuộc thảo luận hôm 16/1, ông Georgiou nói, việc bảo vệ người tố cáo là rất quan trọng để phát hiện, điều tra và truy tố có hiệu quả hoạt động của tội phạm loại này, trong bối cảnh vẫn còn rất nhiều khó khăn để xác định thủ phạm của các vụ tham nhũng.

Cũng theo ông Georgiou, dự luật đặc biệt nhắm vào các vụ án tham nhũng liên quan đến hành vi hối lộ của các quan chức nhà nước.

Về các biện pháp khoan hồng được đề xuất cho những người hợp tác với chính quyền, ông Georgiou cho biết, trong trường hợp người tố giác báo cáo về một cá nhân quan chức nhà nước tham gia hối lộ, không quá một nửa mức án tối đa có thể được áp dụng đối với họ, khi họ thừa nhận hành động này và sau khi hợp tác với chính quyền, một vụ truy tố hình sự của quan chức nhà nước được đưa ra, các tài sản từ vụ án tham nhũng được chuyển cho nhà nước.

Hoài Phương

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/chau-au-vao-cuoc-truoc-be-boi-tham-nhung-tu-phap-tai-cong-hoa-sip_t114c52n143864