Châu Âu vẫn 'tha thiết' với thỏa thuận hạt nhân Iran

Hôm 2/5, Pháp và Đức tái khẳng định cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran dù thừa nhận vẫn cần được bổ sung một số điều khoản quan trọng.

Những tuyên bố này đã cho thấy rõ hơn lập trường của châu Âu đối với vấn đề hạt nhân Iran trong bối cảnh thời hạn chót là ngày 12/5 mà Tổng thống Mỹ yêu cầu sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran theo hướng cứng rắn hơn với Iran, đang đến gần.

Tổng thống Iran Rouhani và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: CNN.

Trong cuộc gặp Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, Tổng thống Pháp Emmanuel Marcon cho biết, chưa rõ quyết định mà Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra vào ngày 12/5 tới là gì, song bất cứ quyết định nào được đưa ra, cũng cần phải chuẩn bị một cuộc đàm phán rộng rãi hơn và một thỏa thuận bao quát hơn, bởi "không quốc gia nào muốn leo thang căng thẳng trong khu vực".

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Pháp cũng thừa nhận thỏa thuận hạt nhân hiện tại là "chưa đầy đủ", và đang thúc đẩy các cuộc đàm phán quốc tế về một thỏa thuận rộng hơn.

“Pháp muốn một sự ổn định tại khu vực, muốn một sự gắn kết với các đồng minh. Đó là lý do chúng tôi sẽ có các cuộc đàm phán với Đức, Anh trong thời gian tới về vấn đề hạt nhân Iran. Đây là cách duy nhất để duy trì sự tiến bộ và ổn định tại khu vực”.

Theo đó, ông Macron cho rằng, cần phải bổ sung thêm "3 trụ cột" vào thỏa thuận, gồm hoạt động hạt nhân của Iran sau năm 2025; kiểm soát và giám sát tốt hơn hoạt động đạn đạo của chính quyền Iran và kiềm chế hoạt động của Iran trong khu vực, đặc biệt tại Iraq, Syria, Lebanon và Yemen.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, thỏa thuận hạt nhân mà Iran ký với nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức) năm 2015 - hay còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), cần được duy trì. Thủ tướng Merkel cũng nêu rõ các vấn đề liên quan "ngoài" thỏa thuận hạt nhân có thể được thảo luận.

Về tuyên bố của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 30/4 rằng Iran đang bí mật phát triển một dự án hạt nhân quân sự mang tên "Dự án Amad", Thủ tướng Đức cho rằng, người đứng đầu Chính phủ Israel cần nhanh chóng chia sẻ các tài liệu tình báo liên quan cho Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Merkel cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục giữ Kế hoạch Hành động chung toàn diện cộng với việc mở rộng khung đàm phán. Tuy nhiên, điều quan trọng là thông tin từ Israel cần được cung cấp cho IAEA một cách nhanh chóng để có thể được tiến hành kiểm tra”.

Trong khi đó, hôm nay (3/5), Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cảnh báo không nên từ bỏ thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran trừ khi có một lựa chọn tốt khác để thay thế. Theo ông, Kế hoạch Hành động Chung toàn diện là một thắng lợi ngoại giao quan trọng và cần phải duy trì thỏa thuận này.

Trong một diễn biến liên quan, hôm 2/5, Nhà Trắng (Mỹ) nhận định, thỏa thuận lịch sử giữa Iran và các cường quốc thế giới được ký kết năm 2015 dựa trên những "kỳ vọng sai lầm". Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ, năng lực hạt nhân của Iran vào thời điểm ký thỏa thuận đã tiến bộ hơn nhiều so với những gì Iran thể hiện. Theo bà Sanders, thỏa thuận được đưa ra dựa trên những thông tin không chính xác.

Tuyên bố của Nhà Trắng một lần nữa khẳng định quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người luôn cho rằng đây là một thỏa thuận tồi tệ nhất trong lịch sử của Mỹ. Nhà lãnh đạo Mỹ đặt ra thời hạn chót là ngày 12/5 để yêu cầu các nước châu Âu bổ sung những điều khoản mới cho thỏa thuận hạt nhân với Iran, hoặc soạn thảo một cơ chế khác cho phép loại bỏ quan ngại của Mỹ bằng các hoạt động cụ thể của Iran. Trong khi đó, Iran bác bỏ mọi khả năng thay đổi thỏa thuận, đồng thời cảnh báo sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng nếu Mỹ phá vỡ thỏa thuận này./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 - Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/chau-au-van-tha-thiet-voi-thoa-thuan-hat-nhan-iran-758218.vov