Châu Âu tuyên chiến với rác thải nhựa

Theo kế hoạch của EU, mỗi một quốc gia thành viên châu Âu cần phải xác định một chỉ số mục tiêu để giảm việc sử dụng các hàng hóa bằng nhựa sử dụng một lần. Một sản phẩm nhựa nào đó thuộc loại này sẽ bị cấm sản xuất và sử dụng nếu nó có thể thay thế bằng sản phẩm tương ứng có lợi cho môi trường.

Thực trạng nghiêm trọng

Trên thực tế, các quan chức châu Âu trong khuôn khổ một chiến lược dài hạn chuyển đổi sang cái gọi là “nền kinh tế chu kỳ đóng” (dựa trên việc tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng và sử dụng năng lượng tái sinh) đã tuyên chiến với rác thải nhựa ngay từ năm 2015.

Rác thải nhựa đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng trên các đại dương.

Brussels lo ngại rằng, sự phổ biến của nguyên liệu nhựa (nhờ có tính hiệu dụng và giá thành thấp) đã khiến lượng tiêu thụ của chúng tăng lên gấp 20 lần chỉ trong vòng 50 năm gần đây và vẫn đang có xu hướng tiếp tục tăng. Trong khi vấn đề xử lý rác thải nhựa hiện vẫn chưa có được giải pháp hữu hiệu. Ngay tại châu Âu - là nơi xả ra tới 25 triệu tấn rác thải nhựa – người ta mới chỉ xử lý được chưa tới 1/3.

Thực trạng này đã khiến giới chức châu Âu hết sức lo ngại vì theo đánh giá của họ, rác thải nhựa đang chiếm tới 85% tổng số rác thải đang trôi nổi trên các đại dương. Tiếng chuông báo động đầu tiên đã được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos vào năm 2016 với cảnh báo, đại dương thế giới vào năm 2050 sẽ có nhiều rác hơn cả cá.

Brussels đã có bước đi nghiêm túc đầu tiên chống lại rác thải nhựa ngay từ đầu năm 2018 khi Ủy ban châu Âu phê chuẩn một chiến lược qui định đến năm 2030, các nước EU sẽ phải tái chế lại toàn bộ các sản phẩm túi nhựa đã qua sử dụng, đồng thời tỉ lệ sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần phải thấp hơn các sản phẩm dùng được nhiều lần.

Bước đi thứ hai đã diễn ra vào tháng 5 vừa qua, khi EU ủng hộ cấm hoàn toàn hay một phần 10 loại sản phẩm nhựa dùng một lần – theo họ đang tạo ra tới 70% lượng rác thải nhựa đang trôi nổi trên đại dương (các loại túi, bao bọc nhựa, chai nhựa, bát đĩa, ly nhựa dùng một lần, giấy gói kẹo).

Theo kế hoạch của EU, mỗi một quốc gia thành viên châu Âu cần phải xác định một chỉ số mục tiêu để giảm việc sử dụng các hàng hóa bằng nhựa sử dụng một lần. Một sản phẩm nhựa nào đó thuộc loại này sẽ bị cấm sản xuất và sử dụng nếu nó có thể thay thế bằng sản phẩm tương ứng có lợi cho môi trường.

Hiệu ứng tích cực?

EU dự định sẽ áp đặt phần lớn trách nhiệm cho việc xử lý rác thải nhựa lên các công ty châu Âu. Theo đó các nhà sản xuất phải cam kết đến năm 2025 sẽ thu hồi ít nhất 90% chai nhựa dùng một lần để tái chế lại. Giải pháp này dự kiến được thực thi nhờ cái gọi là một “hệ thống tiền ký quỹ” – theo đó giá bán các sản phẩm nhựa sẽ tăng lên một khoản nhất định, tuy nhiên người mua sẽ được hoàn lại khoản này nếu họ nộp lại chai nhựa để tái chế.

Theo EU, các nhà sản xuất cũng phải thay đổi nhãn hiệu, bao bì của mình với những thông tin nhắc nhở người dùng về tác hại với môi trường nếu xử lý sản phẩm dùng rồi không đúng cách. Trước mắt theo đánh giá của hãng CNN, chiến lược trên của EU sẽ khiến các nhà sản xuất phải tốn thêm gần 3 tỉ euro mỗi năm.

EU mong đợi sẽ có một hiệu ứng tích cực lớn lao từ chiến lược mới của mình. Theo Brussels, những qui định thống nhất đối với sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên thị trường EU sẽ giúp các công ty địa phương có được ưu thế cạnh tranh, cho phép họ bứt lên chiếm giữ những vị trí hàng đầu trong lĩnh vực kinh doanh của mình.

“Với việc phát triển hệ thống các sản phẩm nhựa tái sử dụng, các công ty sẽ được đảm bảo nguồn cung ổn định các sản phẩm chất lượng cao. Mặt khác, động lực tìm kiếm các giải pháp dài hạn sẽ cho phép các công ty có được ưu thế về công nghệ so với đối thủ cạnh tranh từ các nước khác” – văn bản chính thức từ EU đánh giá như vậy.

Brussels còn tin tưởng rằng, việc cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần đem lại nhiều lợi ích cho người dân châu Âu – giúp họ tránh được những tổn thất của môi trường lên tới 22 tỉ euro, tiết kiệm cho người tiêu dùng 6,5 tỉ euro mỗi năm, chưa kể việc phát triển ngành công nghiệp tái chế sẽ giúp tạo thêm khoảng 30 ngàn việc làm mới.

Phản ứng của giới kinh doanh

Tuy nhiên sáng kiến trên của Brussels đã nhận được phản ứng tiêu cực từ giới kinh doanh tại châu Âu. Hiệp hội Plastic Europe (tổ chức liên kết các nhà sản xuất nhựa châu Âu) đã kêu gọi EU nên “tránh những kế hoạch mang tính chụp mũ” như vậy, đồng thời khẳng định việc cấm những hàng hóa trên không thể giải quyết được vấn đề.

Cho dù vẫn khẳng định mong muốn dọn sạch rác thải cho các đại dương, nhưng tổ chức trên giải thích rằng, tình trạng ô nhiễm rác thải là hậu quả của sự thiếu hoàn thiện về luật pháp trong lĩnh vực xử lý rác thải tại nhiều quốc gia. Theo họ, vấn đề cần được giải quyết bằng các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng xử lý rác thải, các phát minh sáng kiến, các chiến dịch nâng cao nhận thức người sử dụng về tác động tiêu cực của một số sản phẩm đối với môi trường xung quanh.

Cho tới giờ, vấn đề ngăn cấm các sản phẩm nhựa sử dụng một lần vẫn chưa được giải quyết triệt để. Dự án của EU cần phải nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên cũng như của Nghị viện châu Âu. Dự kiến cũng phải mất từ 3 đến 4 năm trước khi luật trên có thể có hiệu lực. Đó là chưa tính đến việc ngay cả khi luật được thông qua, các nước thành viên EU vẫn phải có thời hạn để thích nghi với các điều luật mới.

Kim Lai (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/chau-au-tuyen-chien-voi-rac-thai-nhua-496518/