Châu Âu tưởng đã ra đòn khốc liệt với Nga

EU cấm nhập cảnh nhiều quan chức Nga không mấy khi tới châu Âu.

Các lệnh trừng phạt của châu Âu nhằm vào Nga liên quan đến vụ nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny nghi bị đầu độc đã được công bố bởi Hội đồng Liên minh châu Âu, trên Tạp chí chính thức của EU.

Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov (phải) đã nằm trong danh sách cấm nhập cảnh vào châu Âu.

Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov (phải) đã nằm trong danh sách cấm nhập cảnh vào châu Âu.

Cụ thể, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga Alexander Bortnikov, Phó Tham mưu trưởng thứ nhất của Phủ Tổng thống Sergei Kiriyenko và 4 quan chức cấp cao khác của Nga nằm trong danh sách trừng phạt.

Trong đó có cả Trưởng Ban Chính sách Đối nội của Tổng thống tại Văn phòng Điều hành Phủ Tổng thống Nga Andrei Yarin, Thứ trưởng Quốc phòng Pavel Popov và Alexei Krivoruchko và Đặc phái viên Toàn quyền Tổng thống tại Đặc khu Liên bang Siberia Sergei Menyailo.

Những người trên được phía EU lập luận rằng, là những người không thể không có bất cứ can dự nào vào việc ngộ độc của ông Alexei Navalny.

"Là hợp lý để kết luận rằng vụ đầu độc Alexei Navalny chỉ có thể được thực hiện khi có sự đồng ý của các quan chức nói trên" - tài liệu viết.

Danh sách trừng phạt còn có Viện Nghiên cứu Khoa học Nhà nước về Hóa học và Công nghệ Hữu cơ (GosNIIOKhT). Các doanh nghiệp EU sẽ bị cấm duy trì bất kỳ mối quan hệ nào với viện này.

Các hạn chế của EU quy định lệnh cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản tài chính trong các ngân hàng châu Âu, được áp đặt trong khuôn khổ cơ chế đặc biệt của EU đối với việc sử dụng vũ khí hóa học.

Trên thực tế, châu Âu chưa khi nào nhắm vào các cá nhân, quan chức Nga hoạt động trong lĩnh vực ngoại giao hay chịu trách nhiệm về hoạt động trao đổi thông tin giữa Nga và châu Âu hay phục vụ hoạt động của các quan chức cấp cao Nga tại châu Âu. Các nhân vật trong danh sách đen là các quan chức Nga nhưng ít có hoạt động công vụ sang châu Âu.

Trước khi EU đồng ý áp đặt danh sách trừng phạt nói trên, bản dự thảo của họ có tới 9 người. Danh sách cá nhân bị hạn chế được đưa ra thảo luận và được sự thống nhất của đại diện 27 nước thành viên châu Âu. Sự sụt giảm về danh sách cá nhân là quan chức Nga bị trừng phạt cũng cho thấy tầm quan trọng của họ đối với các hoạt động chung tại các nước châu Âu.

Các cường quốc châu Âu đã nhiều lần yêu cầu Mosscow điều tra cáo buộc lãnh đạo đối lập Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok. Tuy nhiên, trong tuyên bố chung tuần trước, Ngoại trưởng Pháp và Đức khẳng định Điện Kremlin đã đưa ra "lời giải thích không đáng tin cậy".

Động thái trừng phạt Nga được thực hiện sau khi Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học (OPCW) xác nhận kết quả điều tra của Đức, Pháp và Thụy Điển rằng Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 14/10 chỉ trích các lệnh trừng phạt của EU, cáo buộc tổ chức này "cúi đầu trước áp lực từ Mỹ" và "dùng lệnh trừng phạt thay nghệ thuật ngoại giao". Lavrov cũng cảnh báo động thái của EU sẽ phải hứng chịu hậu quả, nhưng không nêu cụ thể.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 8/10 cũng chỉ trích các nước châu Âu lợi dụng vụ Navalny nghi bị đầu độc như cái cớ để trừng phạt Moskva và dọa sẽ đáp trả thích đáng.

Navalny trước đó cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng sau việc ông đổ bệnh và phải sang Đức điều trị. Navalny khẳng định ông bị đầu độc, trong khi Nga cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy điều này.

Huy Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-tuong-da-ra-don-khoc-liet-voi-nga-3420732/