Châu Âu trước thách thức kép

Đang ngổn ngang với nỗi lo khủng hoảng dịch COVID-19 không kiểm soát nổi và kinh tế có nguy cơ sụp đổ, chính phủ nhiều quốc gia châu Âu lại phải đối mặt với khủng bố từ các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Châu Âu phải làm gì trước những thách thức kép chưa từng có này?

Từ 0h ngày 5-11 cho đến ngày 12-12, nước Anh sẽ quay lại phong tỏa để kiểm soát dịch COVID-19.

Số ca COVID-19 tại Anh đã vượt qua con số 1 triệu người trong ngày 1-11. Anh là quốc gia tiếp theo, sau Pháp, Đức tái phong tỏa vì số ca nhiễm tăng nhanh. Trước đó, Pháp chính thức tái phong tỏa toàn quốc kể từ ngày 30-10, trong khi Đức cũng phong tỏa một phần để ngăn đại dịch tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Tây Ban Nha, một trong những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch, đã ban hành tình trạng khẩn cấp trong tuần này để kìm hãm đà gia tăng của các ca nhiễm mới.

Tiếp theo điều tra vụ khủng bố, ngày 4-11, cảnh sát Áo đã công nhận rằng thủ phạm có tên trong danh sách đen cần theo dõi, đã bị giam giữ nhưng lại được ân xá vào năm ngoái. Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo, kẻ khủng bố đã đánh lừa được chính quyền khi tỏ vẻ hối cải cho dù vẫn bí mật chuẩn bị ra tay. Sai lầm nghiêm trọng nhất là việc cơ quan tình báo Áo có dấu hiệu đã bỏ qua những thông tin quan trọng về hung thủ.

Cảnh sát Pháp vừa chống Covid-19, vừa chống khủng bố.

Cảnh sát Pháp vừa chống Covid-19, vừa chống khủng bố.

Trên trang Facebook của mình, cảnh sát Slovakia cho biết, kẻ khủng bố đã từ Vienna qua Slovakia vào mùa hè năm ngoái để tìm cách mua đạn dược. Nhân vật này thuộc một nhóm Hồi giáo cực đoan người Áo vốn đã bị tình báo Slovakia phát hiện ngay vì không có giấy tờ chính thức để biện minh cho việc mua đạn dược. Không mua được gì, nhóm này sau đó đã rời đi. Tình báo Slovakia đã báo động cho các đồng nghiệp Áo về vụ này nhưng Bộ trưởng Nội vụ Áo cho biết thông tin đã bị thất lạc.

Vụ việc xảy ra tiếp theo 2 cuộc thảm sát tại Pháp. Đầu tiên là vụ khủng bố bằng dao khiến 3 người thiệt mạng tại Nice, đúng lúc Hạ viện Pháp đang thảo luận các biện pháp phong tỏa đợt 2 chống dịch COVID-19. Thủ phạm là một thanh niên Tunisia nhập cư bất hợp pháp, vừa đến Pháp cách đây vài ngày. Đây là vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan dã man thứ hai, xảy ra tại Pháp trong vòng 15 ngày, chưa kể vụ bắt giữ tại Lyon một thanh niên Afghanistan mang dao trên người và một vụ tấn công bằng dao khác nhắm vào một nhân viên an ninh tại lãnh sự quán Pháp ngày 29-10 ở Arab Saudi.

Tất cả đều bắt nguồn từ cơn thịnh nộ chống Pháp lan rộng trong thế giới Arab Hồi giáo từ vài ngày nay. Một làn sóng được thổi bùng bằng chiến dịch tuyên truyền kích động của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và vừa được tiếp tay với tin nhắn trên Twitter (đã bị Twitter xóa) của cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad rằng “người theo đạo Hồi có thể giết hàng triệu người Pháp”.

Một loạt thủ đô châu Âu như Paris, London, Madrid, vùng báo động màu đỏ thẫm lan dần dần khắp châu lục. Vì sao khủng bố chọn châu Âu để ra tay? Tờ La Croix của Pháp cho biết Liên minh châu Âu đã tăng cường phương tiện và biện pháp chống khủng bố trong những năm gần đây.

Trong bài xã luận, nhật báo này giải thích vì sao vụ khủng bố tại Vienna mang ý nghĩa tiếng chuông cảnh báo: Thứ nhất, thảm sát diễn ra gần một nhà thờ Do Thái giáo và thứ nhì, Vienna trong lịch sử là biểu tượng của cuộc xung đột giữa Tây Âu và thế giới Hồi giáo. Trận đánh ngày 12-9-1683 trên đồi Kahlenberg là chiến thắng quyết định chận đứng làn sóng xâm lăng của binh đoàn đế chế Ottoman trên lục địa châu Âu. La Croix thận trọng không vội kết luận là qua hành động khủng bố hồi đầu tuần trước, hung thủ có chọn thủ đô nước Áo vì lý do đó hay không nhưng “sớm hay muộn gì lịch sử sẽ trở lại trong tâm trí nhiều người”.

Người dân Áo đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 2-11 tại Vienna.

Theo La Croix, trong những năm gần đây, nước Pháp thường bị khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công bởi vì Pháp khẳng định bản sắc thế tục truyền thống. Nhưng, trên thực tế, cả châu Âu đều là mục tiêu của Hồi giáo cực đoan, từ Đức, Anh cho đến vương quốc Bỉ chỉ vì nếp sống, lối suy nghĩ đậm nét Thiên Chúa giáo và giá trị tự do, bình đẳng giữa con người mà bắt đầu là bình đẳng nam nữ.

Trước hiểm họa khủng bố Hồi giáo cực đoan, châu Âu phải hợp tác chặt chẽ hơn để bảo vệ biên giới. Thách thức to lớn nhất là làm sao vừa tự vệ mà không co cụm và vẫn mở rộng cửa với thế giới bên ngoài. Nhân vật từng đứng đầu một cơ quan an ninh Pháp cho là châu Âu không thể tiếp tục nhượng bộ mãi. Nói cách khác, châu Âu phải có một chính sách kiểm soát làn sóng nhập cư và trục xuất những thành phần mà châu lục này không muốn chứa chấp. Nếu tiếp tục thiếu ý thức chính trị, thiếu một chính sách chung, châu Âu sẽ không tránh khỏi chiến tranh với Hồi giáo. Trong chiều hướng tự vệ này, Pháp cần duy trì hiện diện quân sự tại châu Phi, vẫn theo phân tích của cựu giám đốc cảnh sát quốc gia Pháp.

Nhật báo Le Figaro không giấu lo âu, xem vụ khủng bố tại Áo là một lời cảnh cáo mới nhưng châu Âu vẫn chưa có một giải pháp đối phó để bảo vệ sự sống còn của châu lục. Trong bài xã luận “Đánh vào trái tim châu Âu”, nhật báo thiên hữu tha thiết kêu gọi châu Âu phải đoàn kết không những để bảo vệ lối sống, giá trị truyền thống của mình và còn làm chủ được vận mệnh trong tương lai.

“Liên minh châu Âu đoàn kết và quyết tâm chống lại man rợ và cuồng tín”, là lời cam kết được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chia sẻ sau khi xảy ra các vụ khủng bố ở Pháp và Áo. Từ năm 2015, đấu tranh chống khủng bố luôn là chủ đề được đề cập trong các cuộc họp của Liên minh châu Âu và sự hợp tác giữa các nước thành viên đã được cải thiện.

Thomas Renard, chuyên gia về khủng bố tại Viện Egmont ở Bruxelles, đánh giá “từ năm 2015, Liên minh châu Âu đã tăng cường đáng kể vai trò và trọng lượng của mình, nhờ hàng loạt phương tiện mới và những quyết định giúp cải thiện chung cỗ máy chống khủng bố”, như tăng cường vai trò của Europol (Cơ quan Cảnh sát châu Âu), lập ra nhiều đơn vị đặc biệt mới như Trung tâm châu Âu chống khủng bố (năm 2016), tăng cường bảo đảm an ninh biên giới bên ngoài, lưu giữ dữ liệu về hành khách hàng không để phát hiện và truy vết hành trình của những kẻ khủng bố tiềm năng, tăng cường hệ thống thông tin Schengen (SIS) từ năm 2018, lập quy định mới đánh vào nguồn tài chính của khủng bố, có hiệu lực từ năm 2020...

Nhà báo Stéphane Dupont cho rằng “chưa bao giờ Pháp lại cần đến châu Âu như hiện nay”, để chống các vụ khủng bố Hồi giáo cực đoan, để vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế, để đối phó với những lời kêu gọi tẩy chay hàng Pháp... Tổng thống Pháp cần tin vào khối 27 nước để không “đơn thương độc mã” trên nhiều mặt trận. Và châu Âu luôn sẵn sàng có mặt.

Liệu sắp có thêm một cuộc họp thượng đỉnh bất thường? Nếu có, sẽ là theo đề nghị của Pháp, vì ngoài Pháp, mối đe dọa khủng bố vẫn thường trực ở nhiều nước láng giềng như Đức, Bỉ và Anh Quốc, theo nhận định của chuyên gia về khủng bố Thomas Renard.

Mộc Thạch (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-truoc-thach-thuc-kep-619047/