Châu Âu trước 'bóng ma' chiến tranh thương mại với Mỹ

Trong bối cảnh Mỹ vẫn đang trong cuộc chiến thương mại quyết liệt với Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã quyết tâm tái cấu trúc mối quan hệ thương mại trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD của Mỹ với Liên minh châu Âu (EU). Động thái này của ông chủ Nhà Trắng đã làm xuất hiện bóng ma của một cuộc chiến thương mại khác trong lúc nền kinh tế toàn cầu suy giảm và ông Trump tìm cách tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Tổng thống Trump - người mới đây đã ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để giảm nhiệt cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - đã gọi quan điểm của EU về thương mại “tồi tệ hơn của Trung Quốc” và đe dọa áp thuế với ô tô và các sản phẩm khác của liên minh này.

Giới chức châu Âu nói rằng, họ sẵn sàng làm việc với Tổng thống Trump để giải quyết một số vấn đề khó chịu trong quan hệ giữa hai bên, nhưng họ cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm trừng phạt khối này.

Sau cuộc gặp với các quan chức Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Norbert Roettgen - nghị sĩ bảo thủ cấp cao của Đức - nói: “Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta không hề đồng đều. Và chúng tôi sẽ tự bảo vệ mình. Chúng tôi sẽ đáp trả các biện pháp thuế quan của Mỹ và chúng tôi biết cách để sắp xếp chúng trở nên hiệu quả”.

Mỹ và châu Âu đang có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại. Ảnh tư liệu

Mỹ và châu Âu đang có nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại. Ảnh tư liệu

Mỹ - nền kinh tế số một thế giới đồng thời cũng là quốc gia nhập khẩu lớn nhất thế giới - và khối EU gồm 27 thành viên đang bất đồng về các vấn đề như trợ cấp cho các hãng hàng không, các hàng rào thương mại nông nghiệp và kế hoạch của EU nhằm đánh thuế các Cty công nghệ lớn của Mỹ, bên cạnh một loạt vấn đề khác.

EU từng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ hồi năm 2018, trước khi Anh rời khỏi khối này, dẫn đầu là các sản phẩm trong ngành hàng không và máy tính. Sau khi ngăn chặn thỏa thuận thương mại tự do với châu Âu, chính quyền của Tổng thống Trump tập trung vào việc giảm bớt thâm hụt thương mại của Mỹ với EU, vốn đạt kỷ lục 178 tỷ USD trong năm 2019. Tháng 12-2019, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố: “Điều đó không thể tiếp tục”.

Cuối năm 2019, cơ quan phúc thẩm của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vốn đóng vai trò tòa án tối cao giải quyết các tranh chấp thương mại quốc tế đã trở nên tê liệt sau khi chính quyền Trump nhiều lần ngăn chặn việc tổ chức này bổ nhiệm các thẩm phán mới.

Nhà Trắng và Brussels về cơ bản không có trọng tài phân xử nào, vào thời điểm khi các quan chức EU nói rằng Tổng thống Trump dường như "mạnh" hơn sau khi được trắng án trong tiến trình luận tội, và điều này càng kích động các phát biểu gây chia rẽ của ông chủ Nhà Trắng.

Phát biểu tại Washington tuần trước, Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng ta có các đồng minh. Chúng ta có các kẻ thù. Đôi khi các đồng minh lại là kẻ thù, nhưng chúng ta không biết điều đó”.

Sau cuộc họp tích cực đầu tiên giữa ông Trump và tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) hồi tháng 1-2020, Tổng thống Trump đã bất ngờ tăng thuế với mặt hàng thép của EU vốn được Trump lần đầu áp đặt hồi năm 2018. Đáp lại, các quan chức EU cho biết họ đang tìm cách thúc đẩy mối quan hệ này theo cách thức “có đi có lại”.

Chính quyền Trump, vốn theo đuổi chương trình nghị sự “Nước Mỹ trước tiên” nhằm tái cân bằng dòng chảy thương mại toàn cầu có lợi cho Mỹ, đã đe dọa áp thuế 25% với ô tô và phụ tùng nhập khẩu từ châu Âu. Ngày 8-2, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết chính quyền Trump đã tạm đình chỉ kế hoạch áp thuế ô tô nhập khẩu từ châu Âu, “trong lúc chúng tôi làm việc với nỗ lực thiện chí hướng tới khả năng đạt được một thỏa thuận thương mại với EU”.

Tuy nhiên, ông Tomas Baert –quan chức phụ trách thương mại và nông nghiệp của phái đoàn EU tại Washington, cho rằng mối đe dọa thuế quan sẽ tiếp tục, bởi “ông Trump là “người thuế quan” và đó là thứ ngôn ngữ mà ông ta sử dụng”. Ông Baert nhấn mạnh rằng bất kỳ biện pháp thuế nào của Mỹ cũng sẽ vấp phải sự trả đũa từ EU.

Một thỏa thuận phiên bản thu hẹp có thể cho phép táo và lê của châu Âu được tiếp cận thị trường Mỹ trong khi hải sản của Mỹ có thể tiếp cận thị trường EU. Theo một số nguồn tin, các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm từng khiến nhiều nông sản không thể tiến vào thị trường châu Âu cũng được đưa ra đàm phán.

Miriam Sapiro, người từng giữ quyền Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời chính quyền Obama và hiện là người đứng đầu văn phòng của Cty Sard Verbinnen tại Washington, nhận định: “Sẽ rất khó khăn để đạt được một thỏa thuận toàn diện, nhưng một “thỏa thuận nhỏ” chắc chắn sẽ được đưa ra đàm phán. Tôi cho rằng điều đó là khả thi và nó sẽ trở thành sự thật nếu hai bên tập trung vào các lĩnh vực hội tụ lợi ích”.

Nghị sĩ Đức Roettgen cho rằng, mối quan tâm của Tổng thống Trump về cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 3-11 tới mở ra hứa hẹn về một thỏa thuận khiêm tốn. Ông nhấn mạnh: “Với Tổng thống Trump, điều quan trọng là ông ta có thể huênh hoang về một thỏa thuận thương mại với các cử tri và đó là cơ hội cho chúng ta đạt được điều gì đó”.

Chưa biết hai bên sẽ giải quyết những vướng mắc hiện nay ra sao, nhưng rõ ràng với tính khí khó lường của Tổng thống Trump cũng như những gì đã xảy ra trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nguy cơ xảy ra một cuộc chiến thương mại Mỹ-EU là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chau-au-truoc-bong-ma-chien-tranh-thuong-mai-voi-my-180290.html