Châu Âu trình làng máy bay thế hệ thứ 6, cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc

Tại Triển lãm hàng không Paris ngày 18/6, bộ trưởng các nước châu Âu gồm Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã cùng ký kết một hiệp định phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 (FCAS).

Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 trưng bày tại Triển lãm hàng không Paris. Ảnh: Sputnik

Mô hình máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 trưng bày tại Triển lãm hàng không Paris. Ảnh: Sputnik

“Đến năm 2040, lực lượng Không quân Pháp sẽ được trang bị một mẫu máy bay chiến đấu do chính các quốc gia châu Âu chế tạo để đối phó với những cuộc chiến trong tương lai. Đây là lịch sử, là sự khởi đầu”, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly phát biểu, khi đứng trước mô hình chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 công bố ngay tại triển lãm.

FCAS là mẫu máy bay mới nhất trong dự án chung của các cường quốc châu Âu. Các máy bay khác xuất hiện trong dự án này bao gồm máy bay siêu thanh ném bom tấn công mặt đất Panavia Tornado, tiêm kích Eurofighter Typhoon và máy bay chiến đấu tầm trung SEPECAT Jaguar.

Theo Đài Sputnik, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 của châu Âu sẽ thể hiện bước nhảy vọt về chất lượng so với các máy bay chiến đấu hàng đầu hiện nay như F-35 Lightning II của Mỹ và J-20 của Trung Quốc. Chúng có các khả năng như công nghệ tàng hình và phần mềm nâng cao “chưa từng có” để quản lý hành trình bay và liên lạc.

Trong khi cụm từ “thế hệ thứ năm” bản thân là một thuật ngữ không rõ ràng do tập đoàn sản xuất máy bay Lockheed Martin đặt ra như một phần trong chiến lược tiếp thị F-22 và F-35, thuật ngữ “thế hệ thứ sáu” thậm chí còn mơ hồ hơn.

Theo một định nghĩa do Không quân Mỹ đưa ra vào năm 2010, máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6 phải tích hợp "các khả năng nâng cao trong các mặt như “độ cao, sự bền bỉ, khả năng sống sót, nhận diện tình huống, tích hợp hệ thống của con người và hiệu ứng vũ khí” và “bắt buộc hoạt động được trong môi trường chống tiếp cận”.

Không chỉ có vậy, hồi tháng 2, Tư lệnh Không quân Pháp Tướng Philippe Lavigne tiết lộ máy bay này có chế độ không người lái, tương tự với dự án “Sát thủ tàng hình” B-21 của Mỹ.

Video mô hình chiến đấu cơ thế hệ 6 lần đầu xuất hiện (nguồn: Sputnik):

Sáng kiến về FCSA lần đầu tiên được chính thức công bố vào tháng 7/2017, mặc dù trước đó 5 năm, các quốc gia châu Âu đã tham gia bàn bạc. Dự kiến mẫu máy bay FCSA thực có khả năng bay được sẽ ra mắt trước năm 2026.

Theo báo Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), động thái ký kết thỏa thuận phát triển chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia châu Âu phải đối mặt với việc Mỹ và Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh chi tiêu cho quốc phòng. Hiện tại, chi tiêu dành cho quốc phòng của châu Âu vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, cũng như Trung Quốc, quốc gia thể hiện rõ chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự.

Các công ty châu Âu cũng phải đối mặt với các đối thủ lớn từ Mỹ, đặc biệt là khi xảy ra cuộc sáp nhập lớn giữa nhà thầu quốc phòng Raytheon và tập đoàn công nghệ đa quốc gia United Technologies có trụ sở tại Connecticut hồi đầu tháng này.

Ông Philippe Plouvier – chuyên viên tại Tập đoàn tư vấn Boston - cho biết đang xảy ra tình trạng mất cân bằng ngày càng lớn giữa cách châu Âu xây dựng ngành công nghiệp hàng không, vũ trụ và quốc phòng, so với cách mà Mỹ và Trung Quốc đầu tư”.

Theo chuyên gia Plouvier, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố kế hoạch đẩy mạnh chi tiêu quốc phòng “đạt đến mức cực kỳ cao trong năm nay, 700 tỷ USD so với 200 tỷ USD năm 2002”. Điều này trở thành cú hích đối với các doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như các tập đoàn Lockheed Martin, Northrop Grumman và General Dynamics, chưa kể đến công ty sát nhập Raytheon-UTC trong tương lai.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng thể hiện rõ tham vọng, khi tích cực đầu tư, trở thành quốc gia chi tiêu quốc phòng lớn thứ 2 trên thế giới vào năm ngoái với con số 250 tỷ USD, chỉ đứng sau Mỹ.

Về phần mình, so sánh với những con số “khủng” trên, tổng chi tiêu quốc phòng của 5 nước lớn châu Âu bao gồm Pháp, Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha chỉ dừng ở mức 200 tỷ USD.

Theo giới quan sát, việc châu Âu muốn tìm kiếm một đối thủ nặng ký để cạnh tranh với các hãng khổng lồ quốc phòng của Mỹ không phải là điều dễ dàng. Hai tập đoàn hàng không Airbus và BAE Systems từng cố gắng sát nhập vào năm 2012 để tạo ra một công ty lớn nhằm cân bằng các hoạt động thương mại và quốc phòng, song Đức đã phản đối thỏa thuận này.

Không chỉ vậy, các nhà sản xuất châu Âu còn phải đối mặt với mối đe dọa từ sự cạnh tranh mới nổi của Trung Quốc. Ngay cả khi các công ty hàng không vũ trụ nội địa của Trung Quốc phải mất hơn 10 năm nữa mới trở thành mối đe dọa trong lĩnh vực quốc phòng, song nhận thấy sự phát triển lâu dài cho công nghệ mới từ các đối thủ Trung Quốc, các công ty châu Âu không thể chỉ ngồi chờ.

Các nhà phân tích cũng chỉ ra một vấn đề khác đang kìm hãm các nước châu Âu: hạn chế nguồn tiền mặt để tài trợ cho việc phát triển các công nghệ mới đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo khả năng răn đe quân sự của châu lục này..

“Khi so sánh Airbus, Safran hoặc Thales với các đối thủ lớn của Mỹ, nhiều người có thể thấy rõ các công ty châu Âu có sức tăng trưởng mạnh mẽ hơn, thậm chí có thể có lợi nhuận lớn hơn, nhưng mặt khác mặc dù các công ty Mỹ không kiếm được nhiều tiền mặt, song họ sử dụng tất cả tiền để đầu tư cho tăng trưởng”, chuyên gia Plouvier lý giải.

“Nếu không có nguồn tiền đầu tư, sẽ không thể hiện đại hóa được, điều đó đồng nghĩa với việc giảm khả năng nghiên cứu hoặc chuyển đổi kỹ thuật số, do đó các công ty châu Âu không chuẩn bị tốt cho tương lai”, ông Plouvier kết luận.

Để giải quyết khó khăn này, các công ty châu Âu phải chấp nhận kiếm được lợi nhuận thấp khi đầu tư vào các dự án quốc phòng, đặc biệt là khi các quốc gia Liên minh châu Âu thường tranh cãi về việc nên chi bao nhiêu khi các dự án bị vượt ngân sách.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/chau-au-trinh-lang-may-bay-the-he-thu-6-canh-tranh-voi-my-va-trung-quoc-20190618101016555.htm