Châu Âu tổng tấn công các ông lớn công nghệ Mỹ

Lo lắng với quyền lực ngày càng gia tăng của một loạt các siêu công ty công nghệ Mỹ, quan chức châu Âu đang thắt chặt giám sát những doanh nghiệp như Facebook, Apple, Google…

Số lượng các quốc gia châu Âu theo dõi Facebook đã tăng gấp đôi, khi mạng xã hội phục vụ hơn 300 triệu người dân trong khu vực. Ảnh: WSJ

Trong những tuần vừa qua, cơ quan giám sát của chính phủ Pháp, Tây Ban Nha và Ý đã gia nhập nhóm điều tra kiểm soát quyền riêng tư của Facebook.

Số lượng các quốc gia châu Âu theo dõi Facebook đã tăng gấp đôi, khi mạng xã hội phục vụ hơn 300 triệu người dân trong khu vực.

Cùng lúc, các nhà hành pháp chống cạnh tranh không lành mạnh tại Ủy ban châu Âu đang xem xét thỏa thuận của Apple với các trung tâm sản xuất âm nhạc.

Quyết định này được đưa ra sau khi nhà sản xuất iPhone chuẩn bị tung dịch vụ truyền tải âm nhạc có khả năng cạnh tranh với trang Spotify của châu Âu.

Quan chức EU cũng đang chuẩn bị kế hoạch dài hơi trong vụ điều tra Google vài tuần tới, làm rõ các cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh nhằm vào gã khổng lồ tìm kiếm trước đây.

Ngoài ra, cái tên Amazon.com và Apple xuất hiện trong các vụ điều tra trốn thuế gần đây của Pháp và Đức.

Một phần, quan chức châu Âu nói họ cần phải bảo vệ nền công nghệ châu Âu từ các công ty nước ngoài có lối chơi không đẹp.

Nhưng họ cũng đang liên kết lại để gây khó khăn cho các doanh nghiệp theo kiểu chưa từng có tiền lệ trước đây, khi luật phát EU được diễn giải theo cách mới, Nhật báo phố Wall nhận xét.

Facebook và quyền riêng tư

Làn sóng điều tra quyền riêng tư của Facebook là minh chứng sống động cho các chiêu nạt nộ mới của nhà hành pháp châu Âu.

Từ trước đến nay, chủ yếu Facebook bị Ireland giám sát kỹ, vì đây là nơi đặt trụ sở châu Âu của mạng xã hội.

Theo phán quyết của tòa, cơ quan chức năng Tây Ban Nha có quyền áp dụng luật riêng tư của EU với Facebook, vì công ty đã có văn phòng quảng cáo tại nước này.

Nhưng trong bối cảnh châu Âu ban hành bộ luật quyền riêng tư mới chặt chẽ hơn, cùng sự nâng đỡ từ tòa án tối cao châu Âu, nhiều chính phủ đang tiến hành các biện pháp quyết liệt hơn.

“Với Facebook, đây là dấu hiệu báo trước tương lai. Các nhà hành pháp sẽ còn tiếp tục hành động tương tự”, ông Christian Wiese Svanberg, luật sư tại hãng luật Plesner nhận xét.

Cốt lõi của vụ điều tra nhằm vào Facebook là “quyền được quên lãng” do Tòa án công lý châu Âu ấn định từ một vụ kiện tại Tây Ban Nha.

Theo phán quyết của tòa, cơ quan chức năng Tây Ban Nha có quyền áp dụng luật riêng tư của EU với Facebook, vì công ty đã có văn phòng quảng cáo tại nước này.

Ban đầu, giới hành pháp tại Hà Lan, Bỉ, Hamburg và Đức mở cuộc điều tra nhằm vào chính sách riêng tư mới được Facebook ban hành đầu năm.

Sau đó, Pháp và Tây Ban Nha tuyên bố sẽ điều tra bổ sung, còn Ý nói sẽ hỗ trợ nhóm.

Google và Amazon và Apple

Cạnh tranh không lành mạnh mà một phương diện khác được quan chức châu Âu đẩy mạnh điều tra, mà nạn nhân điển hình là Google. Công ty bị nghi lạm dụng vị trí thống lĩnh trong thị trường tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến trong nhiều năm qua.

Nhắc đến thuế, EU cũng dùng một chiêu mới: Lập luận rằng thỏa thuận thuế giữa Amazon và Apple với Luxembourg và Ireland là trợ cấp phi pháp ở mức nhà nước. Điều này có thể giúp họ thu lại hàng tỷ euro tiền thuế.

Theo cáo buộc của Ủy ban châu Âu, Amazon đã chuyển hầu hết lợi nhuận ở châu Âu cho các công ty con của mình ở Luxemburg để né thuế bằng thỏa thuận ưu đãi đã ký kết trước đó.

Ngoài ra, tham vọng lấn sân thị trường truyền tải nhạc trực tuyến của Apple cũng đang bị nhóm ngó.

Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi câu hỏi tới nhiều hãng ghi âm, thu thập thông tin về các giao dịch giữa họ với Apple, 2 nguồn thạo tin cho hay. Họ lo ngại Apple có thể lợi dụng quyền lực và quan hệ với các hãng ghi âm để ép họ từ bỏ dịch vụ truyền tải nhạc.

Năm ngoái, Apple đã mua dịch vụ truyền tải nhạc trả tiền Beats Music, một phần trong thương vụ thâu tóm trị giá 3 tỷ USD, mang nhà sản xuất tai nghe Beats Electronics về một nhà với iPhone.

Thương vụ lớn chưa từng thấy này được kỳ vọng sẽ củng cố kho âm nhạc của iTunes, mảng kinh doanh đang bị lu mờ trước sự nổi lên của các dịch vụ truyền tải nhạc như Spotify và Pandora Media. Apple dự kiến sẽ cho Beats Music tái xuất vào cuối năm nay.

Uber phản đòn đáp trả

Tuy nhiên, một số công ty công nghệ Mỹ cũng đang khai thác luật EU để đáp trả. Uber Technologies đệ đơn khiếu nại chính quyền Pháp, Đức và Tây Ban Nha lên Liên minh châu Âu để đáp trả các lệnh cấm từ các nước này.

Một lái xe của Uber.

Uber chỉ trích các lệnh cấm trên vi phạm luật cạnh tranh và thị trường đơn nhất của châu Âu. Đơn khiếu nại trích dẫn các quy định của châu Âu về thương mại điện tử và tính trung lập công nghệ.

“Đáng lẽ EU phải là một thị trường thống nhất. Thế mà mỗi nước lại đối xử với chúng tôi một cách hoàn toàn khác nhau, thậm chí có cả sự lệch pha giữa các khu vực trong cùng một nước”, ông Mark McGann, lãnh đạo Uber cho biết.

THẢO MAI

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/chau-au-tong-tan-cong-cac-ong-lon-cong-nghe-my-909331.html