Châu Âu tính thoát khỏi 'chiếc ô an ninh' của Mỹ

Châu Âu đang tìm cách thoát khỏi sự bảo hộ bởi 'chiếc ô an ninh' của Mỹ khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất ngờ lên tiếng rằng, an ninh của Liên minh châu Âu (EU) không nên tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ.

Hiện quân đội Mỹ vẫn giữ vai trò chủ lực trong NATO nhằm đảm bảo an ninh cho châu Âu

Hiện quân đội Mỹ vẫn giữ vai trò chủ lực trong NATO nhằm đảm bảo an ninh cho châu Âu

Phát biểu trong Hội nghị các Đại sứ Pháp ở nước ngoài tổ chức thường niên tại Điện Elysee ngày 27-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho rằng, cần phải xem xét một hướng tiếp cận an ninh mới đối với các đối tác khác của châu Âu, trong đó bao gồm cả Nga. Theo ông chủ Điện Elysee, châu Âu không nên tiếp tục phụ thuộc vào một mình Mỹ trong vấn đề an ninh mà chính Liên minh châu Âu (EU) phải là người quyết định nhận trách nhiệm và đảm bảo an ninh cũng như chủ quyền của liên minh.

Quan điểm của Tổng thống Macron ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận châu Âu và càng gây chú ý hơn trong bối cảnh quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai bờ Đại Tây Dương có những rạn nứt kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Với lập trường “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump đã thi hành chính sách đối ngoại khác xa so với các chính quyền tiền nhiệm, trong đó quan hệ đối tác chiến lược với châu Âu cũng bị đặt xuống hàng thứ yếu nếu không phục vụ cho lợi ích của Mỹ.

Nhiều quốc gia châu Âu đã không ngần ngại phản ứng, thậm chí chỉ trích thẳng thừng Washington khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi các hiệp ước quốc tế quan trọng như Thỏa thuận chống biến đổi khí hậu… và mới nhất là thỏa thuận hạt nhân với Iran có tên gọi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA). Châu Âu càng “nóng mặt” hơn khi chính quyền Donald Trump chỉ trích “thậm tệ” những quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở cựu lục địa chưa thực thi việc nâng ngân sách quốc phòng lên 2% GDP.

Quan điểm “người châu Âu đảm bảo an ninh cho châu Âu” của Tổng thống Pháp cũng là mong muốn của không ít quốc gia tại châu lục này. Trên thực tế, một số quốc gia EU cũng đã bắt tay vào việc cho ra đời một quân đội chung của liên minh nhằm đảm bảo không chỉ an ninh trên lãnh thổ châu Âu mà bảo vệ lợi ích của liên minh này trên thế giới.

Sau khi Anh rút khỏi EU, vào trung tuần tháng 11-2017, đại diện của 23 trong tổng số 28 thành viên của liên minh đã ký một hiệp ước về việc thành lập một lực lượng quân sự chung. Theo các nguồn tin, hiện một số quốc gia EU, đi đầu là Pháp, đang nỗ lực bắt tay vào thành lập một lực lượng quân sự chung gồm 50.000 tới 60.000 binh sĩ với nhiều đơn vị chiến đấu nhỏ, rất cơ động, có khả năng can thiệp trên khắp thế giới mà không phụ thuộc vào NATO.

Lực lượng quân sự chung trên chính là “nền móng” của một quân đội chung châu Âu, cơ sở quan trọng bậc nhất để EU có thể tự đảm bảo an ninh cũng như lợi ích của mình mà không phải phụ thuộc quá nhiều vào sự bảo đảm an ninh của NATO, nơi mà Mỹ giữ vai trò chi phối quyết định như hiện nay. Tuy nhiên, theo giới phân tích quân sự, để châu Âu có thể vươn dậy tự đảm bảo an ninh cho chính mình vẫn là một tương lai “chưa xác định” được vào lúc này.

Suốt hơn 70 năm qua kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, châu Âu vẫn phải dựa dẫm vào “chiếc ô an ninh” của Mỹ thông qua NATO. Ngoài nước Đức bị hạn chế bởi Hiến pháp, các “ông lớn” khác ở châu Âu dù có lực lượng quân sự khá mạnh, song vẫn chưa thể so sánh được với Nga, quốc gia mà các nước châu Âu vẫn đang xác định là đối tượng tác chiến chủ yếu. Giới chuyên gia quân sự quốc tế cũng cho rằng nếu không núp dưới “chiếc ô an ninh” của Mỹ, châu Âu sẽ thất thủ trước Nga nếu nổ ra chiến tranh.

Bởi thế, dù muốn song ngày mà châu Âu thoát khỏi “chiếc ô an ninh” của Mỹ xem ra vẫn còn rất xa.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/chau-au-tinh-thoat-khoi-chiec-o-an-ninh-cua-my/780013.antd