Châu Âu tìm kiếm trật tự thế giới mới thời 'hậu Mỹ'

Để đối phó với sự suy giảm của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm kiếm các chính sách thúc đẩy đoàn kết nội bộ và mở rộng quyền tự chủ chiến lược.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng châu Âu cần đánh giá lại mối quan hệ với Mỹ. (Nguồn: CNN)

Thời gian gần đây, thái độ của châu Âu đối với Mỹ đã làm dấy lên nhiều cuộc thảo luận về sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ. Điển hình như cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cảnh báo rằng châu Âu cần đánh giá lại mối quan hệ với Mỹ nếu Washington trốn tránh trách nhiệm của mình với tư cách là một cường quốc toàn cầu.

Tháng 11/2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã miêu tả Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là “chết não”, điều này phản ánh niềm tin ngày càng suy giảm của Pháp vào trật tự an ninh do Mỹ cung cấp.

Tuy nhiên, từ các quan điểm của sức mạnh mềm văn hóa, kinh tế và quân sự, ảnh hưởng của Mỹ thực sự không suy giảm. Sự chi phối của Mỹ vẫn có ảnh hưởng lớn. Về mặt quân sự, Mỹ có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới và có hàng trăm căn cứ quân sự trên toàn cầu.

Về kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đứng đầu thế giới, với GDP trên đầu người đạt hơn 60.000 USD, chưa kể đến vị trí thống trị của nước này trong công nghệ cao và giáo dục. Với sức mạnh mềm của mình, tin tức của Mỹ chiếm tới 70-80% của truyền thông thế giới.

Vì thế, trong bối cảnh trật tự chính trị quốc tế hiện nay, Mỹ vẫn sẽ có ảnh hưởng lớn trong một thời gian dài sắp tới. Tuy nhiên, đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đã và đang đẩy nhanh sự suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của Mỹ theo nhiều tiêu chuẩn.

Thứ nhất, khả năng và sự sẵn sàng cung cấp dịch vụ công của Mỹ đã giảm. Việc Mỹ rút khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) càng làm tăng thêm chủ nghĩa đơn phương của học thuyết “Nước Mỹ trước tiên".

Những cuộc rút lui thành công khỏi các cơ chế đa phương, chẳng hạn như Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, UNESCO, Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC)… đã làm suy yếu lợi ích của Mỹ trong đàm phán quốc tế.

Ngay cả những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump để mở rộng G7 thành G11 cũng đã bị chỉ trích rộng rãi, coi đó là sự độc quyền của chủ nghĩa biệt lập.

Đại dịch Covid-19 đã bộc lộ rõ hơn nguy cơ và sự suy giảm của Mỹ trong hợp tác quốc tế.

Một cuộc thăm dò đối với hàng nghìn người châu Âu do Ủy ban Đối ngoại châu Âu thực hiện hồi tháng 6 cho thấy phần lớn những người được hỏi ngày càng có quan điểm tiêu cực đối với Mỹ do kết quả của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, với chỉ 2% người châu Âu được khảo sát bày tỏ quan điểm Mỹ là một đồng minh "hữu ích" trong cuộc chiến chống Covid-19.

Ở Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha, khoảng 2/3 số người dân được khảo sát nói rằng quan điểm của họ về Mỹ đã xấu đi trong cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng.

Thứ hai, niềm tin đối với Tổng thống Trump đã suy giảm. Theo một cuộc thảo sát do Trung tâm nghiên cứu Pew thực hiện hồi tháng 1, chỉ 29% số người được hỏi bày tỏ niềm tin đối với nhà lãnh đạo Mỹ.

Cuộc khảo sát này cũng cho thấy rằng trong 4 người thì có 3 người ở Đức, Thụy Điển, Pháp, Tây Ban Nha và Hà Lan không có niềm tin vào ông Trump. So với những nhà lãnh đạo của các nước lớn khác trên thế giới, tỷ lệ ủng hộ ông Trump tại châu Âu vẫn ở mức thấp trên toàn cầu.

Thứ ba, tính hấp dẫn về thể chế và tính hợp pháp về chính sách của Mỹ cũng đã giảm. Kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, các rạn nứt chính trị và xã hội đã lan rộng khắp nước Mỹ. Sau khi dịch Covid-19 bùng phát, các chính sách của ông đã được chứng minh là kém hiệu quả.

Thất bại trong lãnh đạo ở tất cả các cấp độ đã dẫn đến suy thoái kinh tế, nới rộng khoảng cách giàu nghèo và gia tăng căng thẳng xã hội. Hệ thống chính trị Mỹ dường như rất mong manh và rạn nứt.

Nhiều người châu Âu đã nhận ra rằng chủ nghĩa tư bản tự do không còn là một hệ thống mang lại lợi ích cho nhân loại. Các cuộc biểu tình từ cái chết của George Floyd đã làm mờ thêm hình ảnh của nước Mỹ trong con mắt của các đồng minh châu Âu.

Để đối phó với sự suy giảm của Mỹ, EU đang tìm kiếm các chính sách thúc đẩy đoàn kết nội bộ và mở rộng quyền tự chủ chiến lược.

Trong bối cảnh Mỹ rút lui chiến lược và ảnh hưởng toàn cầu suy giảm tương đối, điều không thể tránh khỏi là việc châu Âu sẽ nỗ lực nhiều hơn để giải quyết sự phụ thuộc bất đối xứng giữa Mỹ và châu Âu. Do đó, châu Âu sẽ tìm kiếm một mối quan hệ đối xứng mạnh mẽ hơn thông qua việc mở rộng các lựa chọn chính sách đối ngoại của mình.

(theo Global Times)

Mai Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chau-au-ti-m-kie-m-trat-tu-the-gioi-moi-thoi-hau-my-118908.html