Châu Âu tiếp tục đối mặt với cuộc chiến chống khủng bố

An ninh ở châu Âu một lần nữa lại được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi xảy ra một loạt vụ tấn công khủng bố ở Tây Ban Nha và Phần Lan hồi tuần trước. Việc các cuộc tấn công khủng bố diễn ra liên tục cho thấy một thực tế là châu Âu đang phải đối mặt với một cuộc chiến gian nan và phức tạp.

Cảnh sát Tây Ban Nha canh gác tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ở thành phố Barcelona. Ảnh: AFP

Cảnh sát Tây Ban Nha canh gác tại hiện trường vụ tấn công khủng bố ở thành phố Barcelona. Ảnh: AFP

Danh sách khủng bố ngày một dài thêm

Hai vụ tấn công ở Catalonia (Tây Ban Nha) khiến 15 người bị thiệt mạng và hơn 120 người bị thương, và vụ tấn công bằng dao ở Turku (Phần Lan) là những vụ mới nhất đã nối dài danh sách những vụ khủng bố đẫm máu ở châu Âu thời gian qua và “xát muối vào vết thương” của Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh Pháp, Đức, Bỉ, Thụy Điển và Anh vẫn đang phải vật lộn để phục hồi từ một loạt cuộc tấn công khủng bố đẫm máu kể từ năm 2015.

Năm nay, các nước châu Âu tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, song động lực đằng sau các cuộc tấn công khủng bố ở “lục địa già” vẫn chưa bị dập tắt, trái lại còn có khuynh hướng gia tăng. Anh, Pháp, Bỉ và thậm chí là cả khu vực Bắc Âu và Nam Âu vốn tương đối yên bình đều phải hứng chịu các “làn sóng” tấn công khủng bố.

Cựu chỉ huy lực lượng an ninh Pháp Frederic Gallois cho biết hiện giờ, cứ 4 đến 6 tuần lại xảy ra một vụ tấn công ở châu Âu. Các tổ chức khủng bố quốc tế như al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) chủ tâm nhằm vào các “mục tiêu mềm” ở châu Âu hoặc các khu vực công cộng đông người. Đây chính là một phần trong chiến lược của chúng.

Trong Báo cáo về khuynh hướng và tình trạng khủng bố công bố hồi tháng 6 vừa qua, Cơ quan cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết EU đang phải đối mặt với rất nhiều mối đe dọa khủng bố cũng như các vụ tấn công mang tính chất bạo lực và liều chết, được thực hiện bởi các mạng lưới khủng bố và bởi cả những con sói đơn độc.

Báo cáo chỉ ra rằng, những “con sói đơn độc” liều chết có thể do chính IS chỉ đạo hoặc đơn thuần chúng được truyền cảm hứng bởi ý thức hệ và tuyên truyền của IS. Những kẻ khủng bố liều chết đã sử dụng rất nhiều loại vũ khí, trong đó có cả dao, súng trường tự động, chất nổ và ô tô, và trong tương lai, có thể chúng sẽ tiếp tục sử dụng các loại vũ khí này.

Theo báo cáo, những kẻ chủ mưu các vụ khủng bố ở châu Âu có thể là người nước ngoài, rất nhiều trong số đó đã sinh sống tại EU trong một thời gian dài, và cũng có thể là những người dân trưởng thành ở ngay chính những nước chúng tấn công. Đối với lực lượng cảnh sát, việc giám sát hàng nghìn kẻ bị tình nghi là một nhiệm vụ bất khả thi. Cho dù các biện pháp an ninh được thắt chặt nhằm ngăn một cuộc tấn công tiềm tàng tại các khu vực mang tính biểu tượng xung quanh những thành phố lớn ở châu Âu, song giới chuyên gia cảnh báo rằng an toàn của người dân vẫn không được đảm bảo 100%.

EU có thể làm nhiều hơn?

Hiện tại, cuộc chiến chống khủng bố của châu Âu đang rơi vào bế tắc. Do nhiều nước châu Âu tham gia các chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ tại Syria, Libya, Iraq và Afghanistan, nên châu Âu hiện trở thành mục tiêu trả đũa điên cuồng của các tổ chức khủng bố. Cao ủy phụ trách an ninh EU Julian King đã cảnh báo về sự trở lại của các tay súng cực đoan nước ngoài từ các vùng chiến sự khi IS bị mất các vùng lãnh thổ, đồng thời cho rằng đây là mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với các nước châu Âu.

Sự lan truyền ý thức hệ của các tổ chức khủng bố trên mạng Internet cũng là một mối quan ngại lớn khác đối với giới hoạch định chính sách châu Âu. Theo các báo cáo, tại Pháp, IS đã tuyển mộ hàng trăm tay súng địa phương thông qua các chiến dịch tuyên truyền trên mạng. Sự hòa nhập khó khăn của người di cư với người bản xứ, tình trạng đi lại tự do qua biên giới và hợp tác tình báo yếu kém vẫn là một vài trong số những hạn chế của mối quan hệ hợp tác chống khủng bố của châu Âu.

Liệu EU có thể làm nhiều hơn trong cuộc chiến chống khủng bố? Câu hỏi này là một vấn đề đang ngày càng lan rộng vượt mọi rào cản biên giới. Do EU không có thẩm quyền trực tiếp đối với vấn đề an ninh nội địa của từng quốc gia thành viên, trong khi việc thu thập các thông tin tình báo để chống khủng bố vốn là lĩnh vực thuộc về chủ quyền quốc gia, nên không thể đổ lỗi cho EU là thụ động trên mặt trận quan trọng này.

Người dân đặt hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ khủng bố tại Phần Lan. Ảnh: France 24

Về tổng thể, EU hoàn toàn có thể đưa ra chính sách để tác động và cải thiện mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Ngay sau cuộc khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ, EU đã thông qua một loạt văn bản luật. Các văn bản được châu Âu ban hành đã đóng góp tích cực cho cuộc chiến chống khủng bố như quy định về lập hồ sơ nhận dạng hành khách (PNR) cho phép các cơ quan chức năng có thể tiếp cận tất cả các dữ liệu của hành khách đi máy bay, kiểm soát mọi công dân ra vào Khu vực đi lại tự do Schengen.

EU cũng lập tức triển khai thành lập cơ quan biên phòng, tăng cường sự hiện diện của Europol và Cơ quan Tư pháp châu Âu (Eurojust) tại các điểm nóng về đăng ký người di cư của châu Âu. Việc mở rộng định nghĩa về chống khủng bố, chính sách tăng cường kiểm soát và hạn chế sử dụng súng đạn hay những hành động mạnh tay trong cuộc chiến chống rửa tiền và mở rộng thẩm quyền của Europol đã góp phần đắc lực cho cuộc chiến chống khủng bố ở châu Âu cũng như trên toàn cầu.

Một năm sau khi xảy ra các vụ tấn công tại Brussels, một số chuyên gia về khủng bố cho rằng giới hoạch định chính sách châu Âu đang hết sức chú tâm tới việc tạo ra một nền giáo dục tốt hơn, đưa những người lao động xích lại gần nhau hơn, đề ra các chương trình hòa nhập cộng đồng tốt hơn, thành lập lực lượng cảnh sát, tình báo và giám sát quy mô lớn hơn. Đây là điều rất quan trọng và họ đang phải chịu sức ép nặng nề để thực hiện được những điều đó.

Như Lan

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/chau-au-tiep-tuc-doi-mat-voi-cuoc-chien-chong-khung-bo/