Châu Âu thử 'sát thủ' chống hạm, dọa Nga

Tập đoàn MBDA của châu Âu tuyên bố vừa thử nghiệm thành công tên lửa chống hạm đa năng thế hệ mới có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau.

Trong cuộc thử nghiệm, những tên lửa Marte ER đã được thử diệt mục tiêu ở tầm bắn trên 100km, với nhiều đường bay tấn công, bao gồm cả đường bay sát mặt biển.

Thông tin chi tiết về kết quả thử nghiệm không được công bố nhưng MBDA khẳng định buổi bắn đạn thật đã thành công khi tất cả những tên lửa được phóng đi đều đánh trúng mục tiêu giả định với độ chính xác cực cao.

"Thử nghiệm lần này là một sự xác nhận vững chắc về sức mạnh của phiên bản tên lửa Marte ER (Extend Range - tăng tầm)", một vị đại diện của MBDA cho biết.

MBDA phóng thử Marte ER

MBDA phóng thử Marte ER

Chương trình tên lửa chống hạm Marte ER đang được đẩy mạnh tốc độ nghiên cứu phát triển để đáp ứng yêu cầu của các thành thành viên tham gia phát triển và xuất khẩu.

Hiện nay, chương trình Marte ER đang tiến hành tích hợp tên lửa vào tiêm kích Eurofighter Typhoon, giúp tăng cường khả năng chống hạm của dòng máy bay này khi làm nhiệm vụ trên biển.

Tên lửa Marte ER là thế hệ thứ ba của dòng Marte, có nguồn gốc từ các tên lửa chống hạm Marte Mk2/S được trang bị trên các máy bay trực thăng NFH90 và AW101 của Hải quân Ý.

Sự khác biệt của các thế hệ tên lửa chủ yếu nằm ở cách bố trí động cơ. Ưu điểm của phiên bản Marte ER, đó là giữ nguyên các giao diện cơ khí và điện tử để kết nối với trực thăng hải quân.

Để sử dụng các tên lửa Marte ER, các phương tiện mang phóng không cần thay đổi phần cứng, chỉ cần cập nhật phần mềm để điều khiển tên lửa ở tầm bay dài hơn.

Các trực thăng được cập nhật phần mềm có thể sử dụng song song cả tên lửa Marte Mk2/S kiểu cũ và Marte ER tăng tầm kiểu mới nhằm tiết kiệm chi phí.

Điểm làm nên sự đặc biệt của dòng tên lửa này là chúng có thể dễ dàng được trang bị cho tiêm kích, trực thăng, chiến hạm, bệ phóng trên mặt đất...

Marte ER được thiết kế khá gọn nhẹ, dài 3,5m, đường kính 316mm, nặng 315kg, đủ để trang bị trên các máy bay trực thăng hải quân. Tầm bắn của tên lửa trên 100km (so với 25km của phiên bản trước), tốc độ cận âm trên Mach 0,8.

Tên lửa có khả năng chiến đấu mọi thời tiết, thời gian chuẩn bị phóng ngắn, có khả năng bắn và quên, hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa trực thăng mang phóng với hỏa lực phòng không hạm tàu đối phương.

Để tăng khả năng đánh trúng mục tiêu và giảm thiểu việc bị bắn hạ, Marte ER được thiết kế để thực hiện đường bay sát mặt biển, có khả năng đề kháng nhiễu tốt khi bị tấn công áp chế.

Đặc biệt, tên lửa có thể vượt qua các hệ thống vũ khí phòng thủ tầm cực gần (CIWS) trên hạm tàu đối phương. Với đầu đạn bán xuyên giáp nặng 70kg, Marte ER có khả năng sát thương các tàu chiến cỡ nhỏ, và gây thiệt hại nặng cho các tàu lớn.

Với địa hình biển kín và bị chia cắt như của khu vực Địa Trung Hải, hay Biển Đen, thì một mối đe dọa lớn với các hạm tàu lớn của các cường quốc hải quân chính là các tàu tên lửa tấn công nhanh.

Nhưng điểm yếu lớn nhất của các tàu tên lửa cao tốc chính là hỏa lực phòng không. Trong bối cảnh đó, thì Marte ER là vũ khí hiệu quả đặc trị các tàu tên lửa cao tốc và cả chiến hạm cỡ lớn.

Theo Jane's, đây chính là lý do Marte ER được coi là "sát thủ" với chiến hạm Nga tại những vùng biển có cả lực lượng NATO đang hoạt động.

Clip MBDA thử nghiệm Marte ER

Ngọc Hòa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/chau-au-thu-sat-thu-chong-ham-doa-nga-3397102/