Châu Âu sử dụng biện pháp gì để giảm giá năng lượng?

Tại cuộc họp bất thường hôm 9/9 (giờ địa phương) ở Brussels, Bộ trưởng Năng lượng 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về bốn giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng tăng cao. Hiện các quốc gia châu Âu đang chờ đợi đề xuất từ Ủy ban châu Âu (EC) trong những ngày tới, với hy vọng sẽ thông qua trước cuối tháng này.

Theo thông báo, giải pháp đầu tiên là việc 27 quốc gia EU nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác. Giải pháp thứ hai là giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện. Hiện EC có nhiệm vụ đưa ra một đề xuất chính thức để giới hạn thu nhập của các nhà sản xuất điện. Giải pháp thứ ba là sự can thiệp "tạm thời và khẩn cấp" vào thị trường khí đốt, với “mức giá trần” do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất.

Hệ thống đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters.

Hệ thống đường ống dẫn khí của Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters.

Cuối cùng, các Bộ trưởng đề nghị EC trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU và để giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng. Dự kiến, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu sẽ tiếp tục nhóm họp vào cuối tháng này để thông qua các biện pháp cụ thể.

Kể từ đầu năm 2022, giá năng lượng, đặc biệt là giá khí đốt, giá điện và giá dầu, cùng giá lương thực đã tăng mạnh tại châu Âu. Hiện giá khí đốt đã tăng hơn 170%, giá điện tại một số thị trường tăng gần 2.700%, còn giá dầu tăng gần 30%. Theo các nhà phân tích, giá năng lượng hiện là vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế thế giới. Nguồn cung khí đốt bị cắt giảm cộng thêm lo ngại về khả năng Nga ngừng hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho châu Âu đã đẩy giá năng lượng xanh tăng mạnh chưa từng có.

Trong bối cảnh đó, giới chức Đức cảnh báo, động thái từ chối chia sẻ khí đốt giữa các thành viên EU có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng ở Đức, vì EU không thiết lập được một khối ứng phó với khủng hoảng khí đốt bền vững dưới hình thức các thỏa thuận song phương. Lời cảnh báo được đưa ra sau khi một số quốc gia láng giềng của Đức – bao gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan – đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán mang tính xây dựng về thỏa thuận khí đốt song phương. Các thỏa thuận khí đốt giữa các quốc gia thành viên EU là một phần của cơ chế lớn hơn của khối, sẽ được kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp về khí đốt. Thỏa thuận đảm bảo một quốc gia sẽ cung cấp khí đốt cho quốc gia còn lại nếu nguồn cung của nước đó bị cạn kiệt hoặc không đủ cung cấp cho các hộ gia đình, các dịch vụ xã hội được bảo vệ đặc biệt theo luật của EU.

Theo Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, lý do chính khiến Bỉ, Luxembourg, Hà Lan và Ba Lan ngần ngại chia sẻ khí đốt với Berlin là vì họ không muốn phải bồi thường cho bên cung ứng trong trường hợp khí đốt được chuyển đến Đức. “Do những rắc rối đó, hiện không có kỳ vọng về tiến triển nào từ các cuộc đàm phán các thỏa thuận song phương”, ông Robert Habeck nhấn mạnh.

Châu Âu đang chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất 50 năm do bị Nga giảm mạnh lượng cung cấp khí đốt. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang ứng phó với cuộc khủng hoảng này bằng các giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn, trong đó các nước đã phân bổ hơn 300 tỷ euro, tương đương 297 tỷ USD, để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bù đắp sự leo thang của chi phí năng lượng trong mùa đông này. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là châu Âu sẽ tiếp tục xoay sở như thế nào khi các biện pháp này không còn tác dụng mà cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc.

“Phải đến khoảng năm 2025-2027 giá khí đốt ở châu Âu mới có thể giảm về mức ở thời điểm bắt đầu năm 2021”, ông Ed Morse - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường hàng hóa cơ bản toàn cầu thuộc Citigroup - nhận định. Vị chuyên gia đồng thời nhấn mạnh rằng năng lực xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) của các nhà cung cấp “không thể tăng chỉ sau một đêm”. Sau nhiều thập niên phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng Nga, châu Âu giờ đây đối mặt với một cuộc điều chỉnh đầy đau thương, khi các hộ gia đình phải hạn chế tiêu thụ năng lượng và doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất vì giá khí đốt tăng quá cao.

“Đỉnh điểm sẽ là sự phá hủy nhu cầu. Mọi người sẽ phải thay đổi lối sống. Họ sẽ lái xe ít đi, sẽ bật sưởi ít hơn và bật điện ít hơn. Các nhà máy sản xuất công nghiệp cũng sẽ phải cắt giảm sản lượng”, Chủ tịch Charif Souki của công ty khí hóa lỏng Tellurian phát biểu.

Mấu chốt của vấn đề là không dễ gì thay thế khí đốt Nga - nguồn cung đến năm 2021 đáp ứng khoảng 40% nhu cầu khí đốt của Nga. Từ tuần trước, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố “khóa van” vô thời hạn đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1). Giới quan sát lo ngại đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu đi qua Ukraine có thể là mục tiêu tiếp theo.

Cuộc đối đầu với Nga xung quanh vấn đề năng lượng gây áp lực buộc châu Âu phải tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. Norway hiện là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu, nhưng nước này không có đủ công suất để bù đắp hoàn toàn nguồn cung từ Nga. Các nhà cung cấp lân cận khác như Azerbaijan và Algeria cũng đối mặt những nút thắt tương tự. LNG có thể được nhập khẩu từ những nhà cung cấp ở xa như Mỹ và Qatar là một lựa chọn hứa hẹn.

Đức - quốc gia ở vào vị thế dễ tổn thương nhất từ sự mất mát nguồn cung khí đốt Nga - đang nỗ lực để đưa vào hoạt động cảng LNG nổi đầu tiên của nước này sau vài tháng nữa. Tuy nhiên, yêu cầu về hạ tầng để nhập khẩu LNG mới chỉ là một phần của vấn đề. Sản lượng LNG toàn cầu hiện đã thắt chặt và việc tăng công suất sản lượng có thể phải mất ít nhất 3 năm - theo Phó Chủ tịch Colin Parfitt thuộc Chevron Corp. Ngoài ra, châu Âu còn phải cạnh tranh với châu Á để giành giật nguồn cung khí đốt trong những năm tới.

Với nguồn cung khí đốt mà châu Âu có thể tiếp cận ngày càng ít đi, thị trường khí đốt toàn cầu sẽ còn thắt chặt trong tương lai gần. “Thị trường sẽ quay trở lại trạng thái bình thường hơn nhưng việc đó đòi hỏi thời gian. Nguồn cung sẽ còn thắt chặt trong tương lai gần. Biến động giá năng lượng sẽ còn kéo dài”, Phó chủ tịch cấp cao Helge Haugane thuộc công ty năng lượng Equinor ASA của Norway phát biểu.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/chau-au-su-dung-bien-phap-gi-de-giam-gia-nang-luong--i667047/