Châu Âu 'sốc nặng' trước vụ bạo động tại đồi Capitol

Các nhà lãnh đạo và công dân trên khắp thế giới, nhất là ở Châu Âu, đã thật sự 'sốc nặng' khi chứng kiến cảnh bạo loạn lịch sử tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol), gọi đây là một 'sự phát triển gây sốc' ở một trong những nền dân chủ ổn định nhất thế giới.

Các nhà lãnh đạo và công dân trên khắp thế giới, nhất là ở Châu Âu, đã thật sự "sốc nặng" khi chứng kiến cảnh bạo loạn lịch sử tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ (Điện Capitol), gọi đây là một "sự phát triển gây sốc" ở một trong những nền dân chủ ổn định nhất thế giới.

Châu Âu và cả thế giới thật sự sốc nặng trước cảnh tượng hỗn loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: USA Today

Châu Âu và cả thế giới thật sự sốc nặng trước cảnh tượng hỗn loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: USA Today

Từ Châu Âu đến Mỹ Latinh và Châu Á, các chính trị gia, công dân và chức sắc theo dõi với sự thất vọng - và thậm chí không tưởng tượng nổi - khi những kẻ bạo loạn đốt phá tòa nhà, khiến cuộc tranh luận về chứng nhận của Tổng thống đắc cử Joe Biden phải tạm dừng. Tại Châu Âu - cái nôi của nền dân chủ trên thế giới - vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ đêm 6- 1 đã thu hút sự quan tâm đặc biệt.

Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ sự tức giận và rất buồn về vụ việc trên. Bà bày tỏ lấy làm tiếc khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không thừa nhận thất bại kể từ tháng 11- 2020. Bà đổ lỗi cho ông Trump về tình trạng bất ổn dù là gián tiếp. "Ông Trump phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo động của những người ủng hộ ông" bà nói và cho rằng, có những nghi ngờ về kết quả bầu cử và điều này đã tạo bầu không khí căng thẳng dẫn đến vụ bạo động tại Đồi Capitol. "Thật không may, Tổng thống Trump đã không chấp nhận thất bại của mình kể từ tháng 11, thậm chí không phải ngày hôm qua, và điều đó đã tự nhiên tạo ra một môi trường cho các vụ bạo lực như vậy”, bà nói.

Trong khi đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã có phát biểu lên án mạnh mẽ vụ bạo động tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ông Frank-Walter Steinmeier nói rằng vụ bạo động là “một cơn bão đánh vào trung tâm của nền dân chủ”. Ông Frank-Walter Steinmeier cáo buộc, “đám đông có vũ trang, được kích động bởi một tổng thống đương nhiệm” và đó là lỗi trực tiếp của ông Trump. Tổng thống Steinmeier chỉ ra điểm tương đồng giữa “cơn bão” ở Đồi Capitol giống với các sự cố tại tòa nhà Quốc hội Đức ở Berlin hồi tháng 8-2020. Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Đức Wolfgang Schauble đã cáo buộc Tổng thống Trump phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn. Ông Wolfgang Schauble viết: “Một đám đông bạo lực đã được khuấy động bởi một tổng thống. Ông Trump đã coi thường quy tắc dân chủ cơ bản là thừa nhận thất bại bầu cử rõ ràng của mình”.

Bình luận về cuộc bạo loạn, Thị trưởng Berlin Michael Müller nói rằng “những bức ảnh từ Washington đêm qua thật đáng sợ", "mỗi cuộc tấn công trên toàn thế giới là một cuộc tấn công vào nền dân chủ”. Ông hy vọng tổng thống Mỹ đắc cử sẽ sớm chấm dứt được những chia rẽ chính trị. Liên quan đến vụ bạo động tại tòa Quốc hội Mỹ, tất cả các trang báo của Đức đưa tin đậm nét cùng những phân tích, bình luận về vụ bạo động.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, đồng minh lâu năm của ông Trump, đã viết trên Twitter, lên án vụ bạo loạn bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ và nhấn mạnh: “Cảnh tượng đáng xấu hổ ở Quốc hội Mỹ- nơi đại diện cho nền dân chủ trên toàn thế giới và điều quan trọng bây giờ là cần có một sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình và có trật tự".

Các chuyên gia cho rằng, Mỹ từng được ca ngợi là tấm gương sáng cho nhiều thế hệ khi nói đến nền dân chủ và sự thay đổi quyền lực có trật tự. Nhưng ông Trump đã cho phần còn lại của thế giới thấy rằng, hệ thống của Mỹ cũng rất mong manh và đã có nhiều lo ngại cho nền dân chủ của nước này.

Và giờ đây, sau những diễn biến đáng lo ở Mỹ, giới chính trị gia Châu Âu hy vọng những năm đầy biến động và tranh cãi trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump sẽ kết thúc một cách hòa bình khi có sự chuyển giao quyền lực ở Nhà Trắng. Ông Jens Stoltenberg, Tổng thư ký của NATO và là cựu Thủ tướng Na Uy, mô tả cảnh tượng ở Đồi Capitol là gây sốc. Ông nói: “Kết quả của cuộc bầu cử dân chủ này phải được tôn trọng". Đây là một tuyên bố rất rõ ràng đối với thành viên lớn nhất của NATO. Trong suốt 4 năm nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, NATO đã không ít lần đối mặt với lời đe dọa rằng Mỹ có thể rút khỏi liên minh quân sự này. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel nói: “Quốc hội Mỹ là ngôi đền của nền dân chủ. Những cảnh tượng ở Washington là một cú sốc”.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_237159_chau-au-soc-nang-truoc-vu-bao-dong-tai-doi-capitol.aspx