Châu Âu siết các biện pháp phòng dịch

Châu Âu hiện vẫn là tâm dịch COVID-19 của thế giới. Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng cao khiến các nước ở châu lục này siết chặt các biện pháp phòng dịch.

Ngày 12/1, chính quyền thủ đô Berlin, Đức đã ban hành lệnh cấm rời khỏi nơi cư trú quá 15 km, trừ một số trường hợp bất khả kháng như phải đi làm, tới bác sĩ..., do chỉ số lây nhiễm trong 7 ngày ở Berlin đã vượt 200 ca nhiễm mới/100.000 dân.

Quy định này hiện đã được áp dụng tại nhiều bang của Đức, nơi có số ca nhiễm mới vượt quá mức giới hạn 200 ca/100.000 dân trong một tuần. Hiện trên toàn nước Đức đã có 113/412 quận, huyện có chỉ số lây nhiễm vượt quá 200 ca nhiễm mới, trong đó có nhiều huyện vượt mức 500 ca, đặc biệt huyện Saalfeld-Rudolstadt thuộc bang Thüringen có chỉ số cao nhất với gần 600 ca.

Phát biểu trong một cuộc họp nội bộ trực tuyến của liên đảng bảo thủ CDU/CSU, Thủ tướng Merkel cảnh báo tình trạng lây nhiễm dịch COVID-19 có thể tăng lên gấp 10 lần nếu Đức không thể ngăn chặn thành công biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Bà Merkel đã lấy diễn biến dịch bệnh ở Ireland, nơi chỉ số lây nhiễm đã tăng từ 70 lên 700 chỉ trong một thời gian ngắn, làm ví dụ cho thấy sự nguy hiểm của biến thể virus phát hiện ở Anh. Theo Thủ tướng Merkel, Đức có nguy cơ đối mặt với từ 8 đến 10 tuần rất khó khăn (cho tới Lễ Phục sinh vào đầu tháng 4/2021) tùy theo tốc độ lây lan của biến thể mới.

Biến thể mới của virus ở Anh được cho có tốc độ lây nhiễm rất cao (cao hơn 70% so với virus gốc). Tình trạng gia tăng nhanh chóng số ca lây nhiễm ở Ireland được cho có liên quan tới biến thể mới ở Anh. Thủ tướng Ireland Micheal Martin cho biết 41% số du khách từ Anh tới Ireland dịp Giáng sinh có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể mới.

Giới chức Thụy Sĩ thông báo sẽ áp dụng biện pháp cách ly 10 ngày đối với những người tới từ Ireland, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm đang tăng mạnh tại nước này kể từ ngày 19 h (giờ Việt Nam) ngày 12/1.

Diễn biến dịch tại Anh cũng đang hết sức nghiêm trọng khi mỗi ngày có tới 50.000 ca nhiễm mới và chỉ số lây nhiễm hiện đạt gần 600, so với mức 164,5 ở Đức và trên 900 ở Ireland.

Tại châu Âu, Nga là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất với 3.448.203 ca nhiễm, nhưng Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu lục (83.203 ca). Anh có số ca nhiễm cao thứ hai (hơn 3,1 triệu ca) trong khi Italy có số ca tử vong cao thứ hai (79.819 ca). Các nước Pháp, Italy, Tây Ban Nha ghi nhận hơn 2,1 triệu ca nhiễm trong khi Đức, Ba Lan, Ukraine đều có hơn 1,1 triệu ca.

Nga đã tuyên bố gia hạn lệnh tạm dừng khai thác các chuyến bay đến và đi từ Anh sau khi giới chức nước này xác nhận có ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Anh. Nga thực thi biện pháp tạm dừng giao thông hàng không với Anh từ cuối tháng 12/2020. Quyết định mới gia hạn biện pháp này tới ngày 1/2/2021. Moscow cho biết, quyết định trên nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể mới xâm nhập và lây lan trong nước.

Còn ở Pháp, nhiều thành phố trên cả nước đã áp đặt lệnh giới nghiêm mới, theo đó cấm người dân ra đường kể từ 18h hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm ở Pháp những ngày gần đây có lúc lên tới hơn 20.000 ca mỗi ngày.

Thụy Điển từ lâu vẫn kiên trì với chiến lược tạo "miễn dịch cộng đồng", nay Quốc hội nước này vừa thông qua việc trao quyền cho Chính phủ có thể tự cân nhắc đóng cửa nền kinh tế.

Giám đốc WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge đánh giá châu lục này đối mặt với nhiều thách thức khi bước vào năm 2021. Chỉ hơn 10 ngày tính từ đầu năm đến nay, hơn 230 triệu người tại một số nước châu Âu đang phải sống trong tình trạng phong tỏa toàn phần và số nước dự kiến áp đặt biện pháp phong tỏa vẫn tiếp tục tăng.

Hiện tỉ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn châu Âu vẫn ở mức rất cao. Tính đến ngày 6/1, gần 1/2 số nước và vùng lãnh thổ ở châu Âu ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm mới trong 7 ngày ở mức hơn 150 ca/100.000 người dân và 1/4 số nước và vùng lãnh thổ đang có số ca nhiễm tăng hơn 10% trong 2 tuần qua. Có 22 nước ở châu Âu đã ghi nhận sự xuất hiện biến thể của virus SARS-CoV-2, được phát hiện tại Anh và đang tăng nhanh ở Đan Mạch.

Theo ông Kluge, mặc dù không tạo ra thay đổi đáng kể nào đối với dịch COVID-19, song biến thể của virus SARS-CoV-2 đã dấy lên cảnh báo rằng nếu các nước không tăng cường kiểm soát, nó có thể tác động ngày một lớn đối với hệ thống y tế - vốn đã phải căng mình chống dịch.

Trong bối cảnh dư luận đang hết sức quan ngại về việc xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và số ca tử vong ngày một tăng tại nhiều khu vực ở châu Âu, nhiều nước ở "lục địa già" đẩy mạnh chương trình tiêm chủng cho người dân, coi đây là một trong những biện pháp hữu hiệu để khống chế sự lây lan của virus nguy hiểm này.

BT

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/quocte/chau-au-siet-cac-bien-phap-phong-dich/419734.vgp