Châu Âu rục rịch siết lại biên giới nội khối

Trước lo ngại về làn sóng bùng dịch Covid-19 thứ hai, nhiều nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) vừa phải tái áp dụng các biện pháp thắt chặt đi lại đối với người dân trong khu vực.

Tờ DW của Đức cho biết, chính phủ nước này đã công bố nhiều biện pháp kiểm dịch tăng cường bắt đầu từ ngày 8-8. Theo đó, Hội Chữ thập đỏ Đức sẽ chịu trách nhiệm tiến hành xét nghiệm miễn phí bắt buộc tất cả những người đến từ vùng có nguy cơ cao, chủ yếu gồm các nước ngoài châu Âu và một số tỉnh của Bỉ, Tây Ban Nha. Cá nhân nào cố tình trốn hoặc từ chối xét nghiệm sẽ bị phạt tới 30.000USD, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn khẳng định. Viện nghiên cứu, kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Robert Koch (Đức) nhận định, “cơn bão” Covid-19 tại Đức vẫn chưa kết thúc.

Do số ca mắc Covid-19 mới tăng ở khắp châu Âu, nhiều khuyến cáo được đưa ra. Áo, quốc gia láng giềng của Đức, đã phát đi cảnh báo đi lại với Tây Ban Nha trước nguy cơ người dân đi nghỉ hè có thể mang mầm bệnh khi quay trở về nhà. Danh sách “đen” của Vienna còn có Bulgaria, Romania, Albania, Serbia, Montenegro, Bắc Macedonia... Theo Reuters, những động thái tương tự từ Anh, Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ được coi là đã giáng một đòn mạnh vào ngành du lịch của phần lớn các quốc gia Nam Âu trong bối cảnh hoạt động du lịch chỉ vừa mới khôi phục phần nào.

 Nhân viên y tế hướng dẫn người dân đến xét nghiệm nhanh Covid-19 tại một trạm lưu động ở thành phố Mamming, miền Nam nước Đức. Ảnh: Getty Images

Nhân viên y tế hướng dẫn người dân đến xét nghiệm nhanh Covid-19 tại một trạm lưu động ở thành phố Mamming, miền Nam nước Đức. Ảnh: Getty Images

Ngoài ra, từ đầu tháng 8, Anh đã áp dụng lại biện pháp cách ly đối với du khách từ Bỉ, Andorra và Bahamas. Công dân Anh đi nghỉ ở Hy Lạp hay một số quốc gia vùng Balkan khi quay về cũng đòi hỏi phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, Phần Lan quyết định từ chối nhập cảnh với những du khách đến từ một số nước EU, trong đó có Bỉ, Hà Lan và áp dụng cách ly bắt buộc 14 ngày đối với những người trở về từ nhiều nơi khác. Bà Liisa-Maria Voipio-Pulkki, Giám đốc Chương trình chăm sóc y tế thuộc Bộ Xã hội và Y tế Phần Lan, cho hay: “Tình hình hiện giờ rất cấp bách. Làn sóng dịch tới đây có quy mô lớn hay nhỏ đều phụ thuộc vào cách phản ứng của mỗi chúng ta”.

Chính phủ Bỉ cũng cảnh báo nước này có thể sẽ bị đặt vào tình trạng phong tỏa toàn bộ lần thứ hai sau khi ghi nhận số trường hợp lây nhiễm tăng cao. Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès hối thúc người dân hãy tự bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng khi bà tuyên bố áp dụng thêm các biện pháp phòng, chống dịch. Bà Sophie Wilmès nói rằng, Bỉ hiện không phải là quốc gia duy nhất ở châu Âu đứng trước khả năng dịch bùng phát trở lại.

Về phần mình, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soreide tin rằng, tình hình lây nhiễm có thể sẽ thay đổi nhanh chóng trong thời gian tới. Vì vậy, người dân Na Uy được khuyến khích không đi ra nước ngoài, kể cả đến những nơi ghi nhận ít ca nhiễm Covid-19, trừ trường hợp đặc biệt. Nhằm tránh nguy cơ dịch tái bùng phát, Hy Lạp công bố “tuần thức tỉnh”, siết chặt biện pháp phòng ngừa dịch Covid-19. Quốc đảo Malta cấm tụ tập đông người và bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang tại những địa điểm công cộng. Marseille, thành phố lớn thứ hai của Pháp, yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Scotland đang tiến hành phong tỏa trở lại thành phố Aberdeen sau khi xuất hiện một điểm bùng phát dịch, đồng thời yêu cầu nhà hàng, quán bar phải thu thập số điện thoại của khách hàng.

Việc cần sớm ngăn chặn các đợt bùng phát dịch bệnh mới trên khắp châu Âu đang ngày càng trở nên cấp thiết do mùa hè sắp kết thúc. Các quốc gia châu Âu lo ngại rằng, mùa thu tới là thời điểm người dân bắt đầu dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà, cùng với việc bệnh cúm và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác gia tăng, sẽ khiến bệnh viện bị quá tải. Những nước có các cơ sở y tế từng bị quá tải do dịch Covid-19 hoàn toàn có thể phải đối mặt với tình trạng này một lần nữa.

Giám đốc phụ trách khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Hans Kluge từng cảnh báo, kịch bản về số ca mắc Covid-19 mới ở "lục địa già" tăng mạnh không phải là điều bất ngờ bởi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và người dân được phép tự do di chuyển giữa các nước. Tuy nhiên, ông Hans Kluge đánh giá, châu Âu đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ hai nếu so với đợt đầu tiên. Các hệ thống xét nghiệm và truy vết đã có khả năng giúp nhà chức trách đối phó được với những đợt bùng phát dịch bệnh mang tính cục bộ, địa phương.

Xét cho cùng, mức độ của làn sóng dịch Covid-19 thứ hai ở châu Âu sẽ phụ thuộc vào mức độ tuân thủ của người dân đối với các quy định về phòng, chống dịch bệnh từ chính quyền.

VĂN HIẾU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chau-au-ruc-rich-siet-lai-bien-gioi-noi-khoi-631374