Châu Âu nguy cơ vỡ vụn vì bong bóng nợ

Chuyên gia dự báo EU sắp biến động cực lớn, bắt đầu từ bong bóng nợ ở Pháp, Ý đến sự phụ thuộc quá nhiều vào Washington.

Châu Âu đang đối diện với những bong bóng nợ sau cuộc vỡ nợ tại Hy Lạp năm 2009, trong khi sức ép từ Mỹ khiến EU vẫn cứ phải cắn răng chịu mất mát về kinh tế.

Một tương lai bất định đón chào EU từ ngưỡng cửa năm 2019 mà nguyên do là bởi chính nội tại của khối liên minh này.

Ông Mitch Feierstein, quản lý quỹ đầu cơ và Giám đốc điều hành của Quỹ Môi trường Glacier (Glacier Environmental Fund Limited) mới đây đã cảnh báo châu Âu sẽ bùng nổ trong năm 2019 do Ý và Pháp sẽ theo chân Hy Lạp trở thành những quốc gia vỡ nợ.

Chuyên gia quản lý quỹ đầu cơ Mitch Feierstein

Theo đó, ông Feierstein cho rằng, theo sau Hy Lạp thì Ý và Pháp đang có những dấu hiệu của một nền kinh tế bất ổn.

"EU đang cố gắng bắt nạt Ý bằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc" - ông Feierstein nhận xét.

Từ lâu kinh tế Ý đã gặp những vấn đề nghiêm trọng về năng lực cạnh tranh, điều khiến cho tăng trưởng GDP chậm và thậm chí chưa thể hồi phục sau khủng hoảng của toàn châu Âu năm 2008.

Tổng nợ công của Ý đã lên tới 2,3 nghìn tỷ euro, tương đương 132% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Đây là mức cao nhất trong số các nước thành viên EU, ngoại trừ Hy Lạp và gấp đôi mức trần mà EU đã đặt ra cho các nước thành viên.

Ý cũng đang là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong Eurozone, ước tính chỉ đạt 1,4% trong năm 2018 và 8,3% dân số nước này sống dưới mức nghèo khổ.

Nợ công của Ý tương đương với tổng nợ công của cả Pháp và Đức, cao hơn cả tổng nợ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Ireland – 4 nước từng phải nhận giải cứu. Nhưng đáng kể là Liên minh chính phủ dân túy đắc cử ở Ý vào tháng 5/2018 đã có quan điểm đối đầu với EU.

Vấn đề giữa EU và Ý mới tạm được giải quyết vào giữa tháng 12/2018 khi Ý chấp nhận thỏa thuận ngân sách từ EU bất chấp sự chỉ trích từ phe đối lập trong nước.

Trong một động thái mạnh mẽ, Brussels hoàn toàn có thể áp dụng hình phạt tương đương 0,2% GDP Ý và đóng băng hàng tỷ euro ngân quỹ cho nước này. Giới quan sát cho thấy, quỹ giải cứu của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không thể làm ổn định nền kinh tế của Ý.

Các chuyên gia từ lâu cho rằng Ý là vấn đề nghiêm trọng nhất của EU. Đến nay, chuyên gia Feierstein cảnh báo, nền kinh tế Pháp sẽ tiếp tục đi theo vết xe đó.

Paris đã tuyên bố thâm hụt ngân sách cho năm 2019 được đặt ở mức cao hơn 0,2% so với ngưỡng 3% mà khối EU cho phép. Quốc gia này đã vi phạm các quy tắc EU nhiều năm nay và chỉ đạt đúng quy tắc này vào năm 2018 - năm mà Tổng thống Emmanuel Macron đắc cử.

Đến giờ, ông Emmanuel Macron đã nhận được đánh giá rất thấp của dân chúng, thất nghiệp tăng vọt và bất bình đẳng lớn về tài sản ở nước này đang khiến kinh tế Pháp trì trệ.

"Cả hai nước Ý và Pháp đã phá vỡ các quy tắc ngân sách của EU. Ý đã đi vay 4 nghìn tỷ nhưng giờ họ nói sẽ không trả nợ. Pháp cũng gặp tình trạng tương tự. Có nghĩa, một trong số 2 quốc gia này sẽ châm ngòi cho một cuộc vỡ nợ nữa" - ông Feierstein cảnh báo.

Theo ông Feierstein, vấn đề nội tại của chính EU đã khiến Anh đòi ra khỏi Liên minh. Cuộc khủng hoảng kinh tế mang tên Brexit cũng là cú đánh đau vào châu Âu nhưng đó không phải là duy nhất.

Châu Âu bị chi phối bởi Mỹ

Kinh tế cũng Châu Âu chịu tác động rất lớn từ nước ngoài. Mặt hàng chủ lực của nền kinh tế là năng lượng của châu Âu đã phụ thuộc một phần ba vào Nga. Tuy nhiên, liên minh này cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ các yêu sách của Mỹ.

Sau khi bị chỉ trích vì xây dựng đường ống dẫn khí đốt với Nga trong dự án Nord Stream-2, châu Âu không chỉ bị chia rẽ nội bộ mà còn hứng chịu chỉ trích từ phía Mỹ. Brussels trong một động thái có liên quan đã nhận hợp đồng mua các thiết bị đầu cuối nhập khẩu khí hóa lỏng của Washington.

Giới chuyên gia đã cảnh báo châu Âu sẽ phải mua khí hóa lỏng của Mỹ với giá đắt gấp 2 lần khí đốt của Nga.

Vốn là đồng minh của Mỹ, châu Âu không ít lần bị Washington thúc ép thực hiện các yêu sách chính trị của riêng họ. Đơn cử như việc gia tăng áp lực trừng phạt kinh tế đối với Moscow vì sự kiện của một quốc gia ngoài liên minh - Ukraine.

Các đòn trừng phạt kinh tế của châu Âu bị phía Nga đáp lại với quy mô tương đương khiến Brussels chịu tác động tiêu cực. Dù có thông tin từ truyền thông phương Tây cho thấy, có sự liên lạc "ngầm" giữa các quốc gia thành viên EU và Moscow để "lách" đòn trừng phạt, tuy nhiên, thiệt hại mà châu Âu gánh chịu từ việc trừng phạt Nga ước tính vượt quá 100 tỷ euro.

Hoặc trường hợp khác là Iran. EU đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Iran khi Washington phá bỏ thỏa thuận hạt nhân và áp đặt hàng loạt trừng phạt nặng nề lên Tel Aviv.

Washington đã cho 8 quốc gia được tiếp tục mua dầu của Iran trong khi loại trừ châu Âu khỏi danh sách này.

Brussels đã cố gắng tìm cách trấn an Iran bằng các hệ thống thanh toán linh hoạt không sử dụng đồng USD. Tuy nhiên, mới đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassem đã lên tiếng gọi châu Âu là con tin của nền kinh tế Mỹ, cáo buộc EU đã cam kết nhưng lại trì hoãn không thực hiện.

"Sự thống trị của đồng USD và những sự liên kết các nền kinh tế châu Âu và Mỹ" là những nguyên nhân đằng sau sự trì hoãn này, ông Qassem nhận xét.

Trong bối cảnh châu Âu đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm cả sự ra đi của Vương quốc Anh, lời cảnh báo tan vỡ liên minh không còn là điều mới mẻ.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-nguy-co-vo-vun-vi-bong-bong-no-3372483/