Châu Âu mở rộng áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch quyết liệt

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu đã mạnh tay áp dụng các biện pháp ứng phó cứng rắn.

Cảnh sát Pháp tuần tra tại Paris sau khi lệnh giới nghiêm đêm được nước này áp dụng mở rộng trên khắp 38 địa phương.

Đến 6h ngày 23-10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 41.932.840 ca mắc Covid-19, trong đó có 1.141.505 ca tử vong, 31.123.593 người đã hồi phục.

Châu Âu

Trong bối cảnh có thêm 41.622 ca mắc Covid-19, Pháp quyết định mở rộng lệnh giới nghiêm ban đêm tới nhiều khu vực hơn, bao gồm cả một số vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này. Quy mô áp dụng lệnh cấp mới ước tính bao trùm 38 địa phương, ảnh hưởng tới 2/3 dân số Pháp. Thời gian áp dụng cũng kéo dài thêm 6 tuần, tính từ đêm 22-10. Nước này hiện ghi nhận 999.043 trường hợp mắc Covid-19.

Từ ngày 24-10, những người trở về Đức từ những vùng có nguy cơ cao phải cách ly trong 10 ngày và sẽ được xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 sau ngày thứ năm. Nếu có kết quả âm tính, họ có thể rời khu cách ly.

Tại Áo, số ca mắc mới trong 1 ngày tại nước này cũng lên mức cao nhất từ trước tới nay, với 2.435 ca. Trong khi đó, số ca mắc mới tại Croatia là 1.563. Gần một nửa số ca mắc mới được ghi nhận ở thủ đô Zagreb, với 705 ca. Tính đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Croatia là 29.850 ca, trong đó có 406 ca tử vong. Cùng ngày, nước láng giềng Slovenia ghi nhận 1.663 ca mắc mới, đưa tổng số người nhiễm bệnh lên 15.983.

Tại Hy Lạp, Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis cho biết, sẽ cấm người dân đi lại trong khoảng thời gian từ 0h30 tới 5h đối với những khu vực được đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm cao, bao gồm cả thủ đô Athens.

Bulgaria ghi nhận thêm 1.472 ca mắc Covid-19 và 29 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tại quốc gia này lần lượt là 33.335 người và 1.048 người. Nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, nhà chức trách nước này yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc tại các không gian công cộng ngoài trời và tại những nơi không thể tuân thủ quy định cách nhau 1,5m.

Tại Nga, Bộ trưởng Y tế nước này Mikhail Murashko thông báo, sẽ tự cách ly sau khi một trong những thành viên trong gia đình ông có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Nga ghi nhận thêm 15.971 ca mắc Covid-19 và 290 ca tử vong, nâng các con số tổng tương ứng lên 1.463.306 và 25.242 trường hợp.

Ba Lan công bố thêm 12.107 ca mắc và 168 ca tử vong trong 24 giờ qua, chỉ một ngày sau khi công bố số ca nhiễm mới tăng cao chưa từng thấy với 10.040 ca. Như vậy, quốc gia với 38 triệu dân này đã có 214.686 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.019 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế Czech, nước này đã ghi nhận thêm 7.510 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 216.425 trường hợp. Nhằm khống chế sự lây lan được xem là nhanh nhất tại châu Âu này, Czech đã ra lệnh đóng cửa hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại và khách sạn, cũng như hạn chế việc đi lại từ ngày 22-10. Trước đó 1 ngày, nhà chức trách nước này cũng đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang bắt buộc ở ngoài trời và trong xe ô tô.

Kể từ 4h sáng 25-10 (giờ địa phương), những người trở về Anh từ quần đảo Canary (Tây Ban Nha), đảo Mykonos (Hy Lạp), cùng hai nước Maldives và Đan Mạch sẽ không cần tự cách ly 14 ngày.

Nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới, Liên minh châu Âu (EU) đã ký hợp đồng với Johnson & Johnson (J&J), hỗ trợ các nước thành viên trong khối mua được lượng vắc xin ngừa Covid-19 đủ cho 400 triệu người. Vắc xin do J&J phát triển đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm, với kỳ vọng được cấp phép sử dụng vào đầu năm 2021.

Trong khi đó, Roche (Thụy Sĩ) hợp tác với Atea Pharmaceuticals phát triển thuốc uống AT-527 để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng không phải nhập viện. Thuốc này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 cho những người nhập viện điều trị nhưng mức độ nhiễm bệnh chỉ là trung bình. Các thử nghiệm giai đoạn 3 - giai đoạn cuối cùng trước khi có thể nộp đơn xin phê duyệt để có thể bán ra thị trường - đối với loại thuốc này sẽ được tiến hành vào quý I-2021.

Châu Á

Một số điểm nóng về dịch trong khu vực ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh. Trong đó, Ấn Độ vẫn đứng đầu khu vực khi có thêm 55.839 ca mắc trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 7.706.946 ca.

Sau gần 1 tháng, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm theo ngày lần đầu tiên tăng trở lại lên hơn 100 ca. Trong 24 giờ qua, nước này thông báo thêm 121 ca nhiễm, trong đó có 104 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên cả nước lên 25.543 ca. Đây là số ca mắc mới cao nhất được ghi nhận trong 1 ngày trong tháng này chủ yếu từ các ổ dịch nhỏ tại Seoul và tỉnh Gyeonggi lân cận, cũng như các ca bệnh “nhập khẩu”.

Philippines có thêm 1.664 ca mắc, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới dưới 2.000 ca trong 1 ngày. Tổng số ca nhiễm tại đảo quốc này đã lên tới 363.888 ca, trong đó có 6.783 ca tử vong.

Indonesia có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất Đông Nam Á, tiếp tục ghi nhận thêm 4.432 ca nhiễm, nâng tổng số ca mắc lên 377.541 ca. Ngoài ra, nước này cũng ghi nhận 102 ca tử vong mới do dịch Covid-19, nâng tổng số ca tử vong lên 12.959 ca.

Châu Mỹ

Mỹ vẫn là điểm nóng của dịch trên toàn cầu, với 8.588.169 ca nhiễm và 227.440 ca tử vong. Về phần mình, Brazil hiện ghi nhận 5.300.649 ca nhiễm và 155.459 ca tử vong.

Tại Mỹ, Tổng thống nước này Donald Trump đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính ngay trước thềm cuộc tranh luận thứ hai với ứng viên bầu cử tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép sử dụng thuốc remdesivir (biệt dược Veklury) trong điều trị bệnh nhân Covid-19. Đây là thuốc do Công ty Gilead Sciences Inc phát triển. Remdesivir là một trong những loại thuốc được sử dụng điều trị cho Tổng thống Donald Trump.

FDA nêu rõ việc cấp phép trên được đưa ra dựa trên 3 thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng, trong đó có một thử nghiệm do Viện Y tế quốc gia Mỹ tài trợ. Những bệnh nhân được dùng thuốc remdesivir có tốc độ hồi phục trung bình nhanh hơn 5 - 7 ngày so với những bệnh nhân nặng được dùng giả dược. Nghiên cứu cũng cho thấy remdesivir làm giảm khả năng bệnh nhân phải dùng đến trợ thở ô xy và có thể làm giảm cả nguy cơ tử vong.

Gilead đang tính với các công ty bảo hiểm tư nhân mức phí 3.120 USD cho mỗi bệnh nhân điều trị 5 ngày. Các nước phát triển và những đơn vị mua trực tiếp trong Chính phủ Mỹ, bao gồm cả các bệnh viện của cựu chiến binh, sẽ phải trả 2.340 USD cho một đợt thuốc dài 5 ngày.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Hoàng Linh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/the-gioi/981656/chau-au-mo-rong-ap-dung-nhieu-bien-phap-phong-dich-quyet-liet