Châu Âu lại rung chuyển vì các biểu tình kiểu Áo vàng

Hàng chục nghìn người xuống đường ở Hungary bất chấp sự xuống nước của chính phủ, còn hơn 60.000 người đã bạo động tại Hy Lạp

Ngày 19/1, hàng chục nghìn người đã đổ xuống đường phố trên khắp các thành phố lớn ở Hungary để tham gia vào các cuộc biểu tình do các nghiệp đoàn và các đảng đối lập tổ chức, nhằm phản đối luật lao động cải cách của chính phủ nước này.

Đặc biệt tại thủ đô Budapest, người biểu tình đã phong tỏa toàn bộ khu trung tâm. Trước lâu đài Buda, nơi có một màn hình lớn, người biểu tình đã tập trung ở đây và theo các hoạt động tương tự khác ở vùng ngoại ô và nhiều thành phố trên cả nước.

Hiện chưa có con số thống kê đầy đủ về số người tham gia những cuộc biểu tình trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật tại Hungary. Tuy nhiên, người ta nhìn thấy những dấu hiệu đáng lo ngại khi đã có những nhóm người mặc áo ghile vàng phản quang giống phong trào tại Pháp.

Sự giận dữ của người lao động xuống đường biểu tình tại Hungary

Những người biểu tình nhắm đến các yêu cầu về việc chính phủ Hungary phải bác bỏ luật lao động được thông qua hồi cuối năm 2018. Hôm 7/1, những cuộc biểu tình đầu tiên đã diễn ra với quy mô khoảng 10.000 người. Còn lần này, quy mô ước chừng đã lớn gấp nhiều lần.

Đáng chú ý, lần biểu tình hồi 7/1, người dân đã yêu cầu chính phủ phải thay đổi luật lao động để có lợi hơn cho người dân. Từ đó đến nay, chính quyền của Thủ tướng Viktor Orban đã có những điều chỉnh nhất định để xoa dịu làn sóng phản đối.

Cụ thể, trong luật lao động được thông qua hôm 12/12/2018, theo đó thời gian làm thêm mà chủ lao động có thể yêu cầu từ 250-400 giờ/năm và cho phép trì hoãn thời hạn trả lương tới 3 năm.

Thủ tướng Orban đã phải xuống nước và sửa đổi các quy định trong luật này. Theo đó, kỳ hạn trì hoãn trả lương đã được giảm xuống và số giờ yêu cầu làm thêm bắt buộc của chủ lao động cũng được cắt giảm.

60.000 người Hy Lạp đã phong tỏa thủ đô Athens

Tuy nhiên, người biểu tình vẫn chưa hài lòng với những biện pháp mang tính tình thế này. Ngoài ra, các nghiệp đoàn cũng kêu gọi những hành động đấu tranh quyết liệt hơn.

Ngoài ra, tại Hy Lạp, cuộc biểu tình của 60.000 người đã nổ ra tại Athens để phản đối quyết định của Quốc hội Macedonia phê chuẩn cho việc đặt tên mới. Theo đó, Quốc hội này đã phê chuẩn dự thảo sửa đổi hiến pháp để đổi tên nước thành Cộng hòa Bắc Macedonia.

Người Hy Lạp nổi giận bởi Macedonia vốn là một địa danh thuộc Hy Lạp và việc sử dụng tiếng này để đặt tên cho Macedonia là một cú đánh vào lòng tự trọng và bản sắc dân tộc Hy Lạp.

60.000 người này đã không thể kìm chế và xảy ra một cuộc bạo động quy mô lớn. Hàng nghìn cảnh sát đã được huy động để trấn áp. Họ đã phải dùng đến hơi cay, vòi rồng, dùi cui để giải quyết những người quá khích.

Trong khi đó, hai ngày cuối tuần tiếp tục ghi nhận các phong trào biểu tình rầm rộ của phe Áo vàng tại Paris. Dường như những người biểu tình đang hướng mọi nỗ lực của mình vào việc lật đổ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Từ khi phong trào Áo vàng diễn ra, các chính quyền của Pháp cũng như toàn châu Âu đang trở nên mong manh và dễ bị tổn thương trước những phong trào biểu tình.

Áo vàng của Pháp đã là nguồn cảm hứng cho người lao động trên toàn châu Âu xuống đường bày tỏ quan điểm đối với chính quyền lãnh đạo. Thậm chí, họ đã có những cuộc biểu tình mang tính chất bạo động hay hướng đến các mục tiêu chính trị nhằm thay đổi cả chính quyền đang nắm quyền quốc gia.

Minh Hoàng

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-lai-rung-chuyen-vi-cac-bieu-tinh-kieu-ao-vang-3373238/