Châu Âu không thể dựa mãi vào LNG nhập khẩu

Châu Âu đang đẩy mạnh nhập LNG để thay thế nguồn cung từ Nga. Tuy nhiên, quá trình này không thể kéo dài lâu khi giá năng lượng tiếp tục leo thang.

River Medway, dòng sông êm đềm vốn chỉ phù hợp với một số loại thuyền nhỏ và vừa ở Anh, nay là nơi tập trung của nhiều tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khổng lồ. Theo Simon Culkin - quản lý bến nhập hàng Grain LNG - công việc đưa những con tàu dài hơn 300 m vào đây không dành cho “tay mơ”.

Sau khi cập cảng, những con tàu sẽ bơm lượng LNG lạnh giá vào các bể chứa bê tông cao gần 50 m. Khi đầy, những bể chứa này có khả năng cung cấp năng lượng sản xuất điện cho miền Nam nước Anh trong 10 ngày.

Châu Âu từ phụ thuộc Nga nay chuyển sang Mỹ

Những tháng gần đây, thị trường năng lượng ở châu Âu phải đối mặt với tình trạng gián đoạn nguồn cung và giá cả tăng cao do sự ảnh hưởng của cuộc chiến Nga - Ukraine. Hiện tại, cả Anh và châu Âu đang phải dựa vào nguồn LNG nhập khẩu phần lớn từ Mỹ.

Tuy nhiên, dù LNG nhập khẩu có thể đáp ứng mục tiêu cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng vào Nga, tương lai của loại nhiên liệu này vẫn không chắc chắn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực đối với khí hậu.

“Các quốc gia cần tìm thêm nguồn cung khí đốt nếu cắt đứt năng lượng với Nga. Việc mở rộng cơ sở hạ tầng khí đốt sẽ gia tăng rủi ro về khí hậu”, Doug Parr, nhà khoa học trưởng và giám đốc chính sách tại Greenpeace UK, cho biết.

 Các tàu chở LNG chủ yếu đến từ Mỹ. Ảnh: Dreamtimes.

Các tàu chở LNG chủ yếu đến từ Mỹ. Ảnh: Dreamtimes.

Trong 5 tháng đầu, lượng LNG nhập khẩu vào châu Âu đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Anh ghi nhận lượng lớn LNG nhập khẩu vào những tháng mùa đông, đặc biệt vào tháng 1.

So với các quốc gia EU, Anh có lợi thế nguồn cung và an ninh năng lượng nhờ các mỏ khí đốt ngoài khơi. Quốc gia này cũng chuyển một phần khí đốt nhận được vào sâu lục địa thông qua hệ thống đường ống nằm dưới Biển Bắc.

Việc gia tăng LNG giúp châu Âu bù đắp tình trạng thiếu hụt khí đốt từ Nga. Đây cũng là khía cạnh quan trọng nhất trong chiến lược giảm sự phụ thuộc vào Nga của EU.

Từ lâu, Nga đã là đối tác cung cấp năng lượng hàng đầu cho châu Âu. Tuy nhiên, Moscow đang siết chặt nguồn cung khí đốt, vốn được sử dụng để sưởi ấm, nấu ăn, sản xuất điện và công nghiệp. Vài năm trở lại đây, nguồn cung Nga chiếm khoảng 1/3 lượng tiêu thụ của châu Âu.

“Chúng tôi không thể dựa vào một nhà cung cấp không có thiện chí”, Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), tuyên bố vào đầu năm.

LNG nhập khẩu đang được đẩy mạnh sang châu Âu. Dẫu vậy, phần lớn nguồn cung xuất phát từ Mỹ, một trong ba nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới bên cạnh Qatar và Australia. Khoảng một nửa số tàu cập cảng Grain LNG trong năm ngoái cũng xuất phát từ Mỹ

Có thời điểm lượng LNG nhập khẩu vượt quá lưu lượng khí đốt đến từ Nga. Tháng 2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố đảm bảo ít nhất 15 tỷ m3 khí đốt, tương đương 10% lượng khí đốt nhập từ Nga, bổ sung cho đồng minh châu Âu trong năm nay.

Khó lấp khoảng trống của Nga

Khác với khí tự nhiên thông thường vận chuyển bằng đường ống, LNG có thể được vận chuyển đến bất cứ địa điểm nào có cơ sở hạ tầng làm lạnh trị giá hàng tỷ USD đầu tư. Sau khi cập cảng, LNG sẽ được chuyển hóa lại thành dạng hơi và cung cấp qua các đường ống.

LNG có thể là nguồn năng lượng tạo ra sự khác biệt. Quá trình làm lạnh tới -260 độ F sẽ làm giảm thể tích LNG xuống còn 1% thể tích ở dạng khí. Theo ước tính của ngành, một tàu hàng lớn có khả năng mang đủ năng lượng thắp sáng 70.000 ngôi nhà trong vòng một năm.

Các nước châu Âu cũng rục rịch xây dựng cơ sở vật chất để tiếp nhận LNG. Kể từ thời điểm cuộc chiến tại Ukraine nổ ra, Đức đang rơi vào tình thế nguy cấp khi vẫn phụ thuộc vào năng lượng Nga và chưa có thiết bị tiếp nhận LNG trong trường hợp Moscow cắt nhiên liệu.

Việc xây dựng các cơ sở tiếp nhận LNG thường tốn hàng tỷ USD. Ảnh: New York Times.

Song, Berlin hiện có kế hoạch xây dựng 4 cơ sở tiếp nhận LNG. Tương tự, Phần Lan, Estonia, Italy và Hà Lan đều xem xét xây thêm hoặc mở rộng cơ sở tiếp nhận. Một số cơ sở tiếp nhận thậm chí được lắp đặt dưới dạng nổi để có thể di chuyển đến nhiều địa điểm khác.

Trong quá khứ, thị trường LNG tập trung chủ yếu tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu của châu Á đã giảm 8%, một phần do nhu cầu từ Trung Quốc hạ nhiệt vì Covid-19.

Giá LNG đang giảm mạnh nhưng vẫn cao khoảng 9 lần so với hai năm trước. Giá LNG tương lai đang được giao dịch ở mốc 40 USD/MMBtu trong khi giá dầu rơi vào khoảng 200 USD/thùng, gần gấp đôi so với giá dầu Brent giao ngay.

Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu cũng cao gần gấp 6 lần số tiền người dùng Mỹ trả. Nhiều doanh nghiệp tại châu Âu cũng phải đóng bớt một số nhà máy cho chi phí khí đốt tăng cao.

Châu Âu không có nhiều giải pháp thay thế nguồn cung từ Nga lúc này. Lượng LNG nhập khẩu hiện tại không thể hoặc chỉ đủ khả năng đáp ứng trong vài năm tới.

Đồng thời, việc xây dựng các cơ sở vật chất xử lý LNG, đặc biệt ở Mỹ, cần ít nhất 5 năm để hoàn thành. Do vậy quá trình lấp khoảng hổng do Nga để lại sẽ mất nhiều thời gian.

Ngọc Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chau-au-khong-the-dua-mai-vao-lng-nhap-khau-post1331577.html