Châu Âu không nhượng bộ Mỹ trong vấn đề trừng phạt Iran

Vốn đã có nhiều bất đồng trong vấn đề hạt nhân Iran, Mỹ và châu Âu lại gặp thêm căng thẳng sau khi Washington tái kích hoạt các biện pháp trừng phạt Nhà nước Hồi giáo.

Ngày 22-9, trong bài phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 75 được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thẳng thừng tuyên bố châu Âu sẽ không nhượng bộ Mỹ trong vấn đề trừng phạt Iran.

Tổng thống Macron nhấn mạnh, chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực tối đa với Iran không mang lại tác dụng kiềm chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực hay giúp bảo đảm quốc gia này sẽ không sản xuất vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Pháp cũng khẳng định việc Mỹ kích hoạt cơ chế trừng phạt trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân mà Washington đã không còn quyền tác động sau khi rút khỏi thỏa thuận sẽ làm suy yếu nền tảng đoàn kết của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ cũng như tính toàn diện của những quyết định mà hội đồng đưa ra, đồng thời gây nguy cơ kích động căng thẳng ở khu vực.

 Bài phát biểu của Tổng thống Pháp được phát tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75. Ảnh: AP

Bài phát biểu của Tổng thống Pháp được phát tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75. Ảnh: AP

Ngày 19-9 vừa qua, chính quyền Tổng thống Donald Trump đơn phương tuyên bố khôi phục các biện pháp trừng phạt của LHQ áp dụng với Iran vốn đã được dỡ bỏ sau khi Tehran ký thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với Nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Mỹ viện dẫn điều khoản về quy trình "tái áp đặt trừng phạt" trong Nghị quyết 2231 của HĐBA LHQ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân này, theo đó cho phép bất kỳ nước nào trong Nhóm P5+1 kích hoạt tái áp đặt các lệnh trừng phạt của LHQ nếu Iran không tuân thủ các điều khoản trong thỏa thuận. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã bác bỏ động thái này của Mỹ, nêu rõ Washington đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân từ năm 2018, do đó không có quyền kích hoạt khôi phục các lệnh trừng phạt theo Nghị quyết 2231 của HĐBA.

Trong phát biểu trên, Tổng thống Macron một lần nữa khẳng định Pháp cùng các đồng minh ở châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đối với châu Âu, việc duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh căng thẳng liên tục gia tăng tại khu vực Trung Ðông. JCPOA giúp châu Âu giảm lo ngại về nguy cơ Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời góp phần duy trì sự ổn định tại khu vực Trung Đông, qua đó giảm số người di cư từ khu vực "chảo lửa" tới "lục địa già".

Bởi vậy, kể từ khi Washington rút khỏi JCPOA, châu Âu dường như đã thể hiện rõ quyết tâm đi theo con đường hoàn toàn khác đồng minh trong vấn đề hạt nhân Iran. Với những gì đã làm để cứu vãn thỏa thuận lịch sử này trong suốt thời gian qua, châu Âu hoàn toàn có lý do để phản ứng một cách không nhượng bộ đối với nỗ lực tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran của Washington, vốn đang đẩy JCPOA tiến sát hơn tới bờ vực đổ vỡ.

Nhiều nhà phân tích cũng nhận định rằng, trong vấn đề Iran, châu Âu đang ngày càng tỏ rõ quan điểm sẽ không dừng lại ở nhiệm vụ hòa giải. Tuy nhiên, để có thể giữ vai trò đi đầu trong việc giải quyết vấn đề Iran không phải là điều đơn giản với EU, khi mà khối này vẫn chưa thể đưa ra được một giải pháp toàn diện có thể dung hòa lợi ích của các bên.

HÀ LAN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/chau-au-khong-nhuong-bo-my-trong-van-de-trung-phat-iran-635976