Châu Âu không dám cảm tử kinh tế với Nga

Nhiều nước châu Âu đã tham gia làn sóng chống Nga nhưng công khai phản đối 'cảm tử kinh tế'.

Nhiều tiếng nói phản đối

Cho tới nay đã có hơn 20 nước đã tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga liên quan tới vụ điệp viên hai mang Skripal.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nước từ chối lời kêu gọi cô lập Nga bất chấp sức ép từ phía Anh và Mỹ.

Bà Svetlana Sharenkova - nhà lãnh đạo đảng Xã hội Chủ nghĩa Bulgaria của Tổng thống Rumen Radev - cho rằng Sofia không sợ bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ Brussels vì đã có quan điểm riêng về vụ này.

Theo bà Sharenkova, trong vụ Skripal, những lý lẽ mà Anh đưa ra để chứng minh “dấu vết Nga” không phải đã thuyết phục được nhiều nước châu Âu.

Ngay tại Liên minh châu Âu (EU) cũng có đủ những nước có quan điểm hoài nghi về ý tưởng “trừng phạt” Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.

Thủ tướng Anh Theresa May trả lời phỏng vấn báo chí bên lề Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels hôm 23/3

Bà Sharenkova nói: “Theo tôi, quan điểm không trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Chính phủ Bulgaria là hoàn toàn đúng đắn.

Cả Thủ tướng Anh Theresa May lẫn các đối tác phương Tây khác của Bulgaria đều không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy Moscow có liên quan đến vụ Skripal”.

Tổng thống Radev tuyên bố thẳng thừng rằng các biện pháp trừng phạt Nga đang gây hại cho Bulgaria và toàn EU.

Tuy nhiên, chính sách đối ngoại của Bulgaria lại do chính phủ của đảng GERB thân phương Tây điều phối. Tờ Quan điểm của Nga cho rằng Thủ tướng Booiko Borisov chỉ cần có cớ là “quên ngay” lời hứa hợp tác thực tiễn với Moscow.

Tuy nhiên, Sofia không vội bước theo Anh, ngay cả tầng lớp thân phương Tây cũng chưa dám công khai chống Nga. Họ vẫn sợ công luận vốn coi trọng tình bạn với nước Nga và sự giúp đỡ giành độc lập.

Những nước thành viên EU hiện vẫn còn giữ quan điểm thận trọng về vụ việc này (Slovakia, Hungary, Áo, Slovenia, Bulgaria, Hy Lạp, Malta, Luxemburg, Bỉ, Ireland, Bồ Đào Nha và Cyprus) cũng có lợi ích chung với Nga.

Áo đã thể hiện quan điểm rõ nhất. Đất nước này ủng hộ việc rút đại sứ EU khỏi Moscow, song tạm thời vẫn giữ nguyên các nhà ngoại giao Nga tại Vienna.

Người phát ngôn chính phủ Peter Launsky-Tiffenthal nói: “Áo sẽ không thi hành biện pháp nào, sẽ không trục xuất các nhà ngoại giao vì Áo mong muốn duy trì các kênh đối thoại mở với Nga.

Áo là đất nước trung lập và là cây cầu nối giữa phương Đông và phương Tây”.

Nhiều nước trong số 28 thành viên EU từ chối "hùa" theo Anh-Mỹ

Quan điểm của Slovakia cũng đáng chú ý.

Tân Thủ tướng nước này Peter Pellegrini tuyên bố: "Slovakia ủng hộ các biện pháp thực tiễn của EU chống lại Nga liên quan đến vụ Skripal, nhưng chỉ khi đó là quyết định của tất cả các nước thành viên EU".

Sự thận trọng này là có lý do. Nga đứng thứ ba về thương mại với Slovakia, sau Đức và Czech.

Slovakia được hưởng nhiều lợi ích kinh tế từ tranh cãi giữa Moscow và Kiev, trở thành nước đầu mối để cung cấp khí đốt Nga sang Tây Âu. Slovakia còn tái xuất cả khí đốt cho Ukraine.

Bratislava không muốn tranh cãi với Mỹ và các nước có ảnh hưởng của châu Âu, song phá hỏng quan hệ với Moscow cũng không có lợi.

Câu hỏi đặt ra là liệu những nước trên có thể "cứng đầu" đến bao giờ trước sức ép của Anh-Mỹ?

Ngay cả một nước lớn trong EU là Italiy vốn có quan hệ tốt đẹp với Nga cũng phải "hùa" theo khi tuyên bố trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga.

Nhà báo chính luận - cựu nghị sĩ Nghị viện châu Âu Julietto Chiesa - nhận định: “Tất cả các lãnh đạo châu Âu đang ở vào tình thế rất phức tạp. Họ không muốn làm điều đó nhưng sức ép quá mạnh.

Chưa bao giờ, kể cả thời Chiến tranh Lạnh, sức ép lại mạnh như thế. Đây là sự gia tăng đối đầu chủ động với Nga. Đó là một bước ngoặt vô cùng nguy hiểm”.

"Tự sát" kinh tế?

Tiếp theo quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga, nhiều khả năng châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mới chống lại Moscow.

Tuy nhiên, ngay cả giới phân tích châu Âu phải thừa nhận, nếu sự trừng phạt được phối hợp theo một cách đặc biệt thì điều đó cũng chỉ mang tính biểu tượng.

Nhìn vào kết quả trong quá khứ thì việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới chưa phải là một lựa chọn mang tính thuyết phục.

Các giới hạn tiếp cận thị trường vốn châu Âu, công nghệ sử dụng trong lĩnh vực năng lượng, hoặc cấm vận về vũ khí được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến cho EU phải trả giá đắt, thậm chí còn chịu nhiều thiệt hại hơn là Nga.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/chau-au-khong-dam-cam-tu-kinh-te-voi-nga-3355356/