Châu Âu 'khoét sâu' chia rẽ, e sợ Mỹ phóng thích tù nhân IS tại Syria

Yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang vấp phải không ít phản đối từ giới lãnh đạo châu Âu.

Tờ The Washington Post đưa tin, các nhà lãnh đạo châu Âu tỏ ra không sẵn sàng hợp tác với lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump là nhận lại những công dân từng "sát cánh" chiến đấu với nhóm khủng bố IS. Điều này thể hiện một tình huống an ninh tiến thoái lưỡng nan trong bối cảnh quân đội Mỹ chuẩn bị rút khỏi Syria.

Một người phụ nữ che mạng đi cạnh con trong một khu trại ở đông bắc Syria (ảnh: AFP/Getty)

Một người phụ nữ che mạng đi cạnh con trong một khu trại ở đông bắc Syria (ảnh: AFP/Getty)

Nhiều nước châu Âu bằng lòng để mặc các tay súng IS có xuất thân từ "lục địa già" tại Syria với hy vọng rằng, việc đó sẽ đảm bảo cho họ thoát khỏi những kẻ cực đoan và gìn giữ an ninh nội địa. Tuy nhiên, lực lượng người Kurd - hiện đang giam giữ nhiều công dân châu Âu từng phục vụ trong IS lại lo ngại, một khi Mỹ rút khỏi, họ sẽ phải di chuyển các nguồn lực đi nơi khác cũng như dỡ bỏ các khu trại tập trung…

Cuối tuần vừa rồi, trên Twitter, Tổng thống Trump đe dọa, nếu châu Âu không nhận lại các công dân của mình, nước Mỹ sẽ chỉ còn cách phóng thích họ. Ông cũng cảnh báo, điều này sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với nguy cơ tấn công khủng bố gia tăng.

Có vẻ như tuyên bố của người đứng đầu nước Mỹ đã khiến các ngoại trưởng châu Âu - hiện đang tham gia một cuộc họp vào hôm thứ Hai (18/2) – không hề hài lòng. Các Ngoại trưởng khẳng định, họ không có kế hoạch nghe theo những gì Washington sắp đặt và nước Mỹ không nên quyết định chính sách chống khủng bố… thông qua Twitter.

"Rõ ràng là không dễ tưởng tượng ở nước Mỹ", Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói, đồng thời chia sẻ thêm, Đức đang bàn thảo vấn đề với Pháp, Anh và các nước châu Âu khác. Yêu cầu của Mỹ "rất khó để thực hiện" ngay lúc này, ông Maas nhấn mạnh, do Berlin không thể đảm bảo khi quay trở lại Đức, tất cả các tay súng sẽ ngay lập tức bị đưa ra xét xử với những tội trạng sẵn sàng chờ đợi họ.

Có hàng trăm tay súng IS hiện đang bị giam giữ bởi lực lượng người Kurd tại nhiều vùng khác nhau thuộc miền đông bắc Syria – nơi người Kurd nắm quyền kiểm soát với sự hỗ trợ từ Wahsington. Trong khi đó, có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em khác không tham gia cuộc chiến, nhưng vẫn sống trong các khu trại do người Kurd điều hành. Và rất nhiều trong số này là những công dân châu Âu.

Nếu chúng tôi muốn tìm một giải pháp chấp nhận được, thì chúng tôi phải tiến hành thảo luận, chứ không phải là viết tweet đi, viết tweet lại. Làm vậy không có ý nghĩa gì cả.

Ngại trưởng Luxembourg Jean Asselborn

"Có một vấn đề. Tại châu Âu chúng tôi nhận thức được nó", Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn chỉ ra. "Nếu chúng tôi muốn tìm một giải pháp chấp nhận được, thì chúng tôi phải tiến hành thảo luận, chứ không phải là viết tweet đi, viết tweet lại. Làm vậy không có ý nghĩa gì cả".

Một thách thức khác mà các nước châu Âu đang phải đối mặt đó là, không dễ để thu thập chứng cứ các công dân của họ từng tham gia vào các hoạt động bạo lực trong nhóm IS. Do đó, các công tố viên buộc phải tuyên phạt những người này một số tội trạng nhẹ hơn thực tế - nhiều khi chỉ tương đương với một vài năm bỏ tù. Các chính trị gia không muốn chấp nhận nguy cơ một trong những người quay trở lại sẽ "ấp ủ" âm mưu tiến hành tấn công khủng bố ngay trên đất châu Âu.

Tuy vậy, một số cơ quan an ninh lại tin rằng, sẽ an toàn hơn nếu giữ được các công dân có khả năng gây nguy hiểm ngay tại quê nhà của họ. Bởi tại đây, họ có thể bị kiểm soát dễ dàng hơn so với việc để những phần tử này tự do đi lại và hoạt động ở một nơi nào đó ở Trung Đông.

Bạn sẽ gặp vấn đề an ninh nếu để họ ở bên ngoài [châu Âu].

Rik Coolsaet

"Bạn sẽ gặp vấn đề an ninh nếu để họ ở bên ngoài", Rik Coolsaet, một chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố tại Viện Egmont – một cơ quan tư vấn chính sách có trụ sở tại Brussels, phân tích. "Bạn có thể theo dõi họ tại đây, nhưng bạn không thể theo dõi họ tại các nơi khác [ngoài châu Âu]".

Nước Pháp hiện đã bắt đầu lên kế hoạch làm sao để tái tiếp nhận hơn 100 tay súng quốc tịch Pháp từ các trại giam giữ ở Syria, cùng với cả phụ nữ và trẻ em. Còn các quốc gia khác vẫn đang trong quá trình cân nhắc phải làm gì.

Theo The Washington Post, thách thức chính trị đang vượt ra ngoài những người trưởng thành có thể vẫn ủng hộ cho lý tưởng và mục đích của IS. Nhiều người trong số này đã gây dựng gia đình ngay tại Syria. Chính quyền Kurd ước tính, có ít nhất 1.300 trẻ em, trong đó có rất nhiều em dưới 6 tuổi – hiện đang sinh sống trong các khu trại của họ. Các nước châu Âu vẫn tỏ ra do dự về những nghĩa vụ của mình xung quanh những trẻ em này. Nhiều chính phủ đang tranh cãi xem, nếu đem các em về mà không có bố mẹ, có phải là một hành động vi phạm quyền trẻ em hay không.

Tại Bỉ, chính phủ đang kháng cáo một yêu cầu của tòa án, đưa 6 đứa trẻ dưới 7 tuổi cùng với hai bà mẹ người Bỉ quay trở lại quốc gia này. "Anh không thể coi một đứa trẻ 8 tuổi là mối nguy hiểm", Walter Damen, luật sư đại diện cho những đứa trẻ và hai bà mẹ, nói. "Anh không thể cãi rằng, một đứa trẻ 8 tháng tuổi đã bị thấm nhuần những lý tưởng của IS".

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/chau-au-khoet-sau-chia-re-e-so-my-phong-thich-tu-nhan-is-tai-syria-20190219021331934.htm