Châu Âu hậu bầu cử

Đợt bầu cử Nghị viện châu Âu đã kết thúc ngày 26-5 với cuộc bỏ phiếu tại 21 thành viên còn lại trong EU chưa hẳn là một cơn sóng thần nhưng ít ra cũng tạo ra một cơn địa chấn nhỏ.

Cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu 2019 cho thấy đã qua rồi thời hai xu hướng chính trị - tả và hữu truyền thống - thống lĩnh nghị trường. Phe ủng hộ châu Âu vẫn chiếm đa số, nhưng phe dân túy, chủ nghĩa dân tộc tiếp tục đà tiến làm cho diện mạo, màu sắc chính trị ở Nghị viện châu Âu có nhiều thay đổi cơ bản.

Nếu xem chính trường châu Âu là một bức tranh treo tường, thì bức tranh đó hôm qua vẫn còn là tấm ảnh hai khối màu tả - hữu đối lập ngự trị, hôm nay là một bức họa mới với nhiều mảng màu sắp đặt cạnh nhau.

Hai xu hướng vốn chủ đạo là liên minh cánh hữu PPE (Tập hợp đảng Nhân dân châu Âu) và cánh tả S&D (Xã hội và Dân chủ), liên kết với nhau lãnh đạo nghị trường châu Âu trong nhiều năm qua, tuy vẫn chiếm số đông (PPE 180 ghế và S&D 150 ghế) nhưng không có được đa số tuyệt đối cần thiết 376 nghị sĩ để có thể áp đặt thông qua các dự luật.

Các đảng phái dân túy, chủ nghĩa dân tộc thắng thế tại một số nước nhưng chỉ có được tổng cộng 92 ghế, chưa đủ để tạo thành một thế lực chính trị mạnh thật sự tại nghị trường. Trong khi các nhóm theo xu hướng tự do (khoảng 100 ghế) và ủng hộ sinh thái (70 ghế) lần lượt chiếm các vị trí thứ ba và tư.

Theo AFP, với một quang cảnh chính trị vỡ vụn thành từng mảng, các luật chơi trong nghị trường sẽ bị thay đổi theo. Việc tìm kiếm đồng thuận sẽ càng phức tạp hơn, bất kể là những dự án cải cách lớn hay trong việc phân chia các vị trí lãnh đạo ở Bruxelles.

Việc tìm người thay thế ông Jean-Claude Juncker ở vị trí Chủ tịch Ủy ban Châu Âu sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên cho Nghị viện mới. Cuộc đua này đã bắt đầu từ trước khi diễn ra bầu cử, tại Thượng đỉnh Sibiu ở Rumani ngày 9-5, giờ lại được khởi động giữa các nhóm chính trị tại Nghị viện châu Âu.

AFP lưu ý, cho dù nguyên thủ và lãnh đạo 28 nước thành viên có chọn được người để thay thế, ứng viên này cũng phải có được đa số tức 376 lá phiếu ủng hộ tại Nghị viện. Nói một cách khác, ứng viên này phải có được sự đồng thuận của ít nhất 3 nhóm chính trị tại Nghị viện, chứ không phải là 2 như trước đây.

Một thập kỷ sau khi kết thúc cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong lịch sử đã khiến nền kinh tế, chính trị và xã hội châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn. Tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của khu vực chỉ ở mức 1,5%/năm. Trong suốt thập kỷ qua, đã có một vài thời điểm tình trạng tồi tệ trở nên cục bộ. Mức nợ công tăng nhanh trong khi kinh tế không thể tăng trưởng bất chấp Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đưa ra những biện pháp kích thích mạnh mẽ.

Sự phá vỡ nền dân chủ tự do là thách thức cốt lõi thứ hai chờ đợi Nghị viện mới tìm cách giải quyết. Vấn đề này càng khó khăn hơn nhiều khi đây không chỉ là một hiện tượng cục bộ tại châu Âu, mà đang lan rộng trên toàn thế giới, bao gồm cả Mỹ. Sự ủng hộ ngày càng tăng đối với chủ nghĩa dân túy khắp thế giới, thúc đẩy bởi sự phẫn nộ và đổ lỗi của người dân cho các thất bại từ giới điều hành dẫn tới những cuộc khủng hoảng để lại hậu quả nghiêm trọng.

Vấn đề tự do trong các chính phủ đặc biệt quan trọng, đó là sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các chính phủ cho phép quyền tự do ngôn luận tại nước mình với các chính phủ kiểm soát chặt chẽ các lực lượng tự do.

Trong năm qua, một vài sự kiện như vậy đã phát triển thành vấn đề nghiêm trọng. Hungary và Ba Lan đã đàn áp các phương tiện truyền thông độc lập, tấn công các tổ chức phi chính phủ và phá hoại nền tư pháp độc lập.

Việc này đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo EU thực hiện bước đi chưa từng có trong lịch sử, đó là việc kích hoạt Điều 7 Hiệp ước Lisbon về trừng phạt Ba Lan và Hungary vì đã làm xói mòn nền dân chủ và không tuân thủ các quy tắc cơ bản của EU.

Thách thức cuối cùng mà EU phải đối mặt là vấn đề cơ cấu tổ chức. Brexit - bất kể kết quả đàm phán sau cùng ra sao - đều sẽ định hình lại sâu sắc cục diện EU. Đây là vấn đề giữa chính phủ các nước thành viên với nhau, bởi vị thế của các nước trong khu vực là hoàn toàn khác nhau. Để duy trì liên minh, các thành viên chủ chốt cần phải thừa nhận và đề cao vai trò của các nước nhỏ.

Nam Tiên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/chau-au-hau-bau-cu-548588/