Châu Âu gợi ý để Anh ở lại liên minh

Ngay sau khi Nghị viện Anh bác bỏ thỏa thuận về Brexit, ngày 16/1, châu Âu tỏ thái độ không mấy ngạc nhiên, và yêu cầu Anh phải làm sáng tỏ lập trường về tương lai Brexit mà hạn chót đang đến rất gần. Chủ tịch Hội đồng châu Âu cho rằng nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới để có thể giữ Vương Quốc Anh ở lại trong liên minh.

Ngày 15/1, Nghị viện Anh đã bác bỏ kế hoạch Brexit của Thủ tướng Theresa May. Ngày 16/1, chính phủ của bà May đã thắng trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Anh, mở đường cho bà trong việc đạt được sự đồng thuận trong các nghị sĩ về thỏa thuận Brexit.

Thủ tướng Anh Theresa May phát biểu sau khi vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ngày 16/1

Tuy nhiên, các nước châu Âu đã không hy vọng có điều kỳ diệu, cho dù thực tế này là gáo nước lạnh với họ bởi sự bất trắc đang lấn át. Cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt, điều phối viên của Nghị viện châu Âu về vấn đề Brexit nhận định rằng châu Âu đã thông cảm với những gì mà các dân biểu Anh muốn, nhưng bây giờ họ phải nói ra những điều họ muốn.

Tương tự, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker nhấn mạnh thời hạn đang sắp hết, đồng thời kịch bản nước Anh ra đi không thỏa thuận đang rõ dần.

Chính phủ Ailen cũng thông báo gia tăng chuẩn bị cho tình huống như vậy, tức là đường biên giới sẽ được tái lập với Bắc Ailen.

Cũng giống như ông Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Áo khẳng định không thể có đàm phán lại về thỏa thuận Brexit và trong các định chế của châu Âu người ta không cảm thấy hứng thú gì khi phải dời hạn chót, tức ngày 29/3.

Về phần Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk thiên về ý kiến nên tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới để có thể giữ Vương quốc Anh ở lại trong Liên minh châu Âu.

Với hạn chót luật định về Brexit ngày 29/3/2019 gần kề, Vương quốc Anh hiện gặp cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng nhất trong nửa thế kỷ vào lúc Anh chật vật đối phó với việc ra khỏi Liên minh châu Âu như thế nào và có nên hay không, một tổ chức mà Anh gia nhập vào năm 1973.

Nước Anh khủng hoảng với Brexit. Đi cũng khó, ở lại không xong. Nhưng bản thân các nước châu Âu khác, cụ thể là Pháp cũng bị hội chứng “khủng hoảng niềm tin” chi phối. Cụ thể, người Pháp có xu hướng “xa rời” với Liên minh châu Âu. Theo Le Figaro, lý do chính là nhiều người lo ngại cho cuộc sống riêng của họ, chứ không phải việc họ bác bỏ nguyên tắc một châu Âu đoàn kết.

Theo thăm dò dư luận, 38% người trả lời khẳng định nước Pháp cần phải tự bảo vệ mình nhiều hơn trong tình hình thế giới hiện nay, so với 23% đòi hỏi nước Pháp phải mở cửa hơn. Khoảng cách như vậy là 15 điểm, nhiều hơn 6 điểm so với hồi năm ngoái.

Th.Long

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chau-au-goi-y-de-anh-o-lai-lien-minh-526279.html