Châu Âu giúp Mỹ giành lợi thế trước đàm phán Mỹ-Trung

Châu Âu liên tiếp lên án Trung Quốc và cáo buộc gián điệp trước đàm phán thương mại khó khăn.

Làn sóng tẩy chay Trung Quốc ở châu Âu chưa dừng lại. Các đồng minh của Mỹ liên tục đưa ra các cáo buộc gián điệp Trung Quốc trong khu vực khiến uy tín của Bắc Kinh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trung Quốc đang hứng chịu làn sóng tẩy chay của châu Âu vì cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.

Truyền thông châu Âu những ngày đầu tháng 2 đã đưa tin rằng, "có khoảng 250 điệp viên Trung Quốc hoạt động tại Brussels".

Cụ thể, kênh truyền hình Welt của Đức hôm 9/2 dẫn thông tin từ Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) nói rằng các nhà ngoại giao và quan chức quân sự EU đã được cảnh báo về khoảng "250 điệp viên Trung Quốc và 200 điệp viên Nga" đang hoạt động tại Brussels, Bỉ, nơi đặt trụ sở của EU.

Theo Welt, hầu hết các điệp viên đều làm việc trong các đại sứ quán hoặc các chi nhánh địa phương của các công ty có trụ sở tại Trung Quốc.

Các nhà ngoại giao thậm chí còn được khuyên nên tránh một số khu vực của thành phố, bao gồm quán bít tết và quán cà phê nổi tiếng trên đường từ trụ sở của Ủy ban Châu Âu tới EEAS.

Cơ quan tình báo Lithuania tuần trước khẳng định Trung Quốc tuyển dụng công dân của họ tham gia các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng đến dư luận về các vấn đề như độc lập của Tây Tạng và Đài Loan (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, cơ quan này cũng cáo buộc Trung Quốc tung ra các chiến dịch gián điệp "ngày càng hung hăng", "tuyển mộ công dân nước này" và sử dụng công ty công nghệ để giám sát, đặc biệt là Công ty Huawei.

Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Lithuania, Darius Jauniskis nói rằng, họ đang phân tích mối đe dọa tiềm tàng do Công ty Huawei gây ra trong bối cảnh công nghệ của công ty này được EU và NATO sử dụng để xây dựng mạng lưới 5G.

Trung Quốc đã phủ nhận các cáo buộc gián điệp từ phía châu Âu, gọi cách cáo buộc là "lố bịch", đồng thời khẳng định sự minh bạch trong các giao dịch công nghệ của nước này với châu Âu.

Tuy nhiên, làn sóng tẩy chay đã lan rộng ở châu Âu bất chấp các phản ứng của Bắc Kinh. Sau các nghi vấn sản phẩm của Tập đoàn công nghệ Huawei lấy cắp dữ liệu gây chia rẽ trong châu Âu thì tiếp tục xuất hiện liên tiếp các tin xấu với Bắc Kinh. Mỹ đình chiến thương mại với Trung Quốc nhưng cuộc đàm phán hướng sang tập trung vào các yêu cầu về sở hữu trí tuệ - một lĩnh vực mà Trung Quốc đang có lợi thế vượt trội Mỹ.

Tiếp theo đó xảy ra vụ bắt giữ Giám đốc Huawei chi nhánh Ba Lan hoạt động gián điệp cùng với một cựu đặc vụ nước này. Vụ việc bị làm rõ trắng đen đã khiến Huawei lập tức sa thải nhân viên này.

Đến nay, tiếp tục xuất hiện các tin tức từ gián điệp Trung Quốc ngay tại nơi đặt trụ sở EU.

Các cáo buộc tồi tệ đối với Trung Quốc ở châu Âu diễn ra trùng hợp với thời điểm Bắc Kinh đang chuẩn bị cuộc đàm phán thương mại với Washington trước hạn chót đình chiến vào ngày 1/3 tới.

Hôm 7/2, phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rằng ông "không có khả năng" gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước ngày 1/3. Tuyên bố không khác một lời cảnh báo với Trung Quốc rằng Bắc Kinh đã nhượng bộ chưa đủ với Washington và thời hạn đình chiến đã gần hết.

Sức ép đối với Trung Quốc từ cả Mỹ và đồng minh Mỹ tại châu Âu ở thời điểm này khó chỉ là chuyện trùng hợp. Châu Âu trong vai trò là đồng minh của Mỹ đang giúp Washington có được ưu thế trước cuộc đàm phán thương mại mà thực chất là những thay đổi trong chính sách kinh tế của Trung Quốc.

Và châu Âu trong bối cảnh cấp thiết triển khai hạ tầng mạng di động 5G đã buộc phải có hành động phản đối với Trung Quốc nhằm thể hiện đúng vai trò là một đồng minh của Washington.

Kim Hoa

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-giup-my-gianh-loi-the-truoc-dam-phan-my-trung-3374360/