Châu Âu độc lập về quân sự sẽ trở thành con mồi của Covid-19?

Liên minh châu Âu (EU) từ lâu đã cam kết đảm bảo sự độc lập trong các vấn đề an ninh, nhưng ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát các chính trị gia cũng không thể đồng ý về ngân sách cho mục đích này.

Theo đó, New York Times nhận định, bây giờ các nước châu Âu hoàn toàn không phụ thuộc vào nó, tuy nhiên, chính các quốc gia này sẽ gặp phải khó khăn trong việc xây dựng lại nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Cũng theo ấn phẩm này, chính dịch bệnh đã làm châu Âu nhầm lẫn về các kế hoạch và ưu tiên. Quan trọng hơn, nó có thể ảnh hưởng đến mong muốn của EU để xây dựng một quân đội mạnh và độc lập hơn. Trong nhiều năm qua, đặc biệt từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo châu Âu đã nỗ lực để đảm bảo an ninh của EU. Nhưng ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã có những suy đoán rằng EU sẽ phải cắt giảm chi tiêu quân sự trong ngân sách mới trong 7 năm. Ngoài ra, theo New York Times chính Brexit cũng đóng góp cho quá trình này.

Châu Âu độc lập về quân sự sẽ trở thành con mồi của Covid-19?. (Ảnh: Reuters)

Châu Âu độc lập về quân sự sẽ trở thành con mồi của Covid-19?. (Ảnh: Reuters)

Châu Âu không phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề an ninh?

Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, vào tháng 2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định Châu Âu không thể tiếp tục phụ thuộc vào Mỹ về vấn đề an ninh. Chúng ta phải dựa vào chính mình. Đồng thời, với dự kiến tầm nhìn về một châu Âu với sức mạnh quân sự mới mà ông Macron đưa ra tại Hội nghị an ninh Munich là minh chứng cụ thể cho sự tự chủ của châu Âu về an ninh.

Tuy nhiên, một châu Âu mạnh hơn về quân sự là ý tưởng khiến NATO không hài lòng. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhấn mạnh rằng, vấn đề châu Âu phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trong an ninh không đồng nghĩa với việc châu Âu sẽ thực hiện trách nhiệm đó một mình mà không có Mỹ. Theo ông Stoltenberg, nỗ lực chủ động hơn về an ninh của châu Âu có thể làm xói mòn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, làm suy yếu năng lực của NATO.

“Bây giờ, khi đại dịch đã ảnh hưởng sâu đến nền kinh tế châu Âu, cuộc chiến giành ngân sách sẽ còn mạnh mẽ hơn. Vấn đề ưu tiên của các nước châu Âu nhiều khả năng sẽ là phục hồi kinh tế và cuộc chiến chống thất nghiệp. Đồng thời, Brussels vẫn tiếp tục ủng hộ biến đổi khí hậu. Còn chi tiêu quân sự, ngược lại có khả năng giảm”, các chuyên gia của ấn phẩm dự đoán.

Tuy nhiên, một tuần trước, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU, ông Josep Borrell Fontelles nói rằng, đại dịch Covid-19 sẽ chỉ làm tăng nhu cầu về một hệ thống an ninh và quốc phòng mạnh mẽ hơn ở châu Âu. Theo ông Josep, mỗi đại dịch là một mối đe dọa mới, và nó sẽ chỉ làm xấu đi tình hình an ninh. Hơn nữa, vì cách tiếp cận “hỗn loạn” của Mỹ trong cuộc chiến chống lại dịch Covid-19 đã khiến người châu Âu phải chịu đựng.

“Đại dịch này đã như một cái đinh đóng vào "quan tài niềm tin" châu Âu, trong đó có vai trò lãnh đạo của Mỹ. Nhưng nếu ý tưởng về tự chủ châu Âu được củng cố nhờ vào cuộc khủng hoảng này, thì sau đó nhiều khả năng nền tài chính sẽ bị đóng băng. Nhưng đổi lại, các chính trị gia Mỹ rất kiên quyết: nếu châu Âu không có tiền, thì họ không được coi trọng trong vấn đề an ninh - quốc phòng”, ấn phẩm dẫn lời Cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski.

Được biết, hai năm trước các chương trình quan trọng đã được phê duyệt ở châu Âu nhằm tăng cường hợp tác về quốc phòng. Cụ thể, “Thỏa thuận hợp tác cấu trúc thường xuyên về quốc phòng” (PESCO), 23 trên 28 nước thành viên EU đã ký kết PESCO sẽ đóng góp khoảng 5,8 tỉ USD vào ngân sách quốc phòng chung, được sử dụng để mua sắm vũ khí và đầu tư cho nhiều hoạt động quốc phòng. Thêm vào đó, cùng với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), EU đã đưa ra một sáng kiến để tạo ra sự cơ động về di chuyển vũ khí hạng nặng, nhờ đó có thể nhanh chóng di chuyển vũ khí khắp châu Âu trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga.

Nhưng ngay cả trước đại dịch, Ủy ban châu Âu nói rằng, họ sẽ cắt giảm ngân sách quốc phòng hơn một nửa. Ví dụ: ngân sách đã bị giảm đáng kể cho các sáng kiến quân sự, và bây giờ nó thậm chí có thể giảm xuống bằng không. Ở châu Âu, họ hiện đang thảo luận về một quỹ phục hồi kinh tế, không phải là quốc phòng. Ấn phẩm viết, có lẽ vì đại dịch, ngân sách mới sẽ không thể tăng trong 7 năm như kế hoạch trước đây.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, các cuộc khủng hoảng vẫn đang xảy ra khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, trong đó có các mối đe dọa an ninh mạng đến từ Nga và Trung Quốc, khủng bố, nội chiến ở Libya và Syria. Ông Stoltenberg tự tin rằng đầu tư vào lĩnh vực quân sự có thể tự tạo động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ông Stoltenberg cũng cho rằng châu Âu sẽ không thành công trong việc bảo vệ chính mình và do đó không thể thiếu sự có mặt của NATO.

Để trấn an NATO, Tổng thống Pháp khẳng định đây không phải là một dự án chống lại NATO hay thay thế NATO. Châu Âu muốn tạo thêm một trụ cột an ninh nữa cho châu Âu bên cạnh trụ cột hiện nay là NATO, và cả hai trụ cột này đều hướng tới một mục tiêu chung là “đảm bảo chủ quyền của châu Âu”. Đối với châu Âu, trách nhiệm an ninh không đơn thuần là gia tăng chi tiêu quốc phòng, mà là khả năng tự chủ của châu Âu trong những vấn đề an ninh cấp bách, không phụ thuộc vào quyết sách của Mỹ.

Theo các chuyên gia, tuy nói vậy song có thể thấy châu Âu ngày càng muốn tự chủ về an ninh, tách ra khỏi tầm ảnh hưởng quá lớn từ Mỹ. Điều này cũng phản ánh mối quan hệ không mấy mặn mà giữa châu Âu với Mỹ và nhân tố hợp thành NATO. Bản thân Mỹ thừa hiểu rằng trong tình hình hiện tại, sẽ rất khó để yêu cầu từ người châu Âu dành thêm 2% GDP cho quốc phòng. Do đó, việc châu Âu chủ động độc lập an ninh, hạn chế dần sự phụ thuộc vào Mỹ là điều có thể hiểu được trong bối cảnh hiện nay.

Cũng theo các chuyên gia của ấn phẩm, các nước châu Âu “tỏ ra khó chịu về sự chèn ép” của Mỹ, hay việc chính quyền Trump đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân JCPOA với Iran, Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, cũng như các vấn đề về chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra, Châu Âu cũng rất lo lắng Mỹ sẽ rút dần trách nhiệm khỏi khu vực này. Trước mắt, chưa rõ tầm nhìn về sự thay đổi sức mạnh quân sự ở khu vực này có thành công hay không, nhưng các quốc gia giữ vai trò quan trọng ở châu Âu như Pháp, Đức đang có sự thay đổi về tư duy độc lập quân sự.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/chau-au-doc-lap-ve-quan-su-se-tro-thanh-con-moi-cua-covid-19-253529.html