Châu Âu đã sẵn sàng cho giai đoạn mới?

Sau một giai đoạn dài gắn bó khăng khít, mối quan hệ liên Đại Tây Dương giữa 'phương Tây' và Mỹ đang dần có những chia tách. Bất chấp kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này ra sao, châu Âu vẫn cần chuẩn bị cho mình một tâm thế mới để đối thoại với người Mỹ.

Quá trình rạn nứt

Một thời gian dài sống dưới cái ô an ninh của Mỹ đã khiến "phương Tây" gần như lệ thuộc vào những mối quan hệ với cường quốc phía bên kia bờ Đại Tây Dương này. Cho đến cuộc chiến tranh ở Kosovo rồi Afghanistan, các đồng minh ở châu Âu vẫn vô cùng gắn kết với "người bạn lớn" của mình trong từng bước đi. Nhưng sự rạn nứt đã bắt đầu khi chính quyền cựu Tổng thống Bush khơi mào cuộc chiến Iraq lần hai mà một loạt quốc gia châu Âu đã từ chối tham dự.

Việc nước Mỹ đơn phương tấn công Iraq bất chấp những bằng chứng thiếu sát thực về vũ khí hóa học đã bị chính nhà lãnh đạo nước Đức khi đó là Thủ tướng Gerhard Schroder chỉ trích. Đây có thể nói là dấu mốc khơi mào cho những bất đồng giữa hai bờ Đại Tây Dương.

Ông Donald Trump đã từng coi Châu Âu là đối thủ.

Ông Donald Trump đã từng coi Châu Âu là đối thủ.

Dưới thời Tổng thống Obama tiếp theo, mối quan hệ giữa hai bên có phần thân thiện trở lại, nhưng thực tế thì đó chỉ là những hành động mang tính biểu tượng ngoại giao chứ không nhiều thực chất. Sức ép an ninh từ phía Đông không còn, châu Âu cũng đã lớn mạnh để tự mình gánh vác những chuyện trọng đại, còn nước Mỹ thì thực hiện chiến lược "xoay trục" về châu Á, một sự dịch chuyển từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương đã làm hai bên trở nên xa cách hơn.

Bản thân ông Obama cũng đã từng tế nhị nhắc đến những khoản ngân sách quốc phòng ít ỏi của các quốc gia châu Âu để họ có thể trở thành những đồng minh NATO đáng tin cậy hơn. Chính vì thế, khi Tổng thống Donald Trump muốn "đòi tiền" của châu Âu, đó chỉ là hành động lột đi chiếc mặt nạ ngoại giao đẹp đẽ đã tồn tại quá lâu giữa hai bên mà thôi.

Với một người thực dụng như ông Donald Trump thì lớp áo ngoại giao sẽ là không cần thiết nữa. Ông Trump công khai thể hiện thái độ không bằng lòng với các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là Thủ tướng Angela Merkel, người đang dẫn dắt châu Âu tìm kiếm một vị thế mới. Thậm chí, ông Trump còn thể hiện sự thân thiện với Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn những nhà lãnh đạo của phương Tây.

Trong các cuộc chiến thương mại, ông Trump biến Liên minh châu Âu thành một đối thủ thứ hai chỉ sau Trung Quốc bằng những khoản thuế khổng lồ. Về quốc phòng, nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí đã đặt câu hỏi về sự tồn tại của NATO. Ông Trump đã không còn nhìn châu Âu như một cộng đồng cùng chia sẻ các giá trị tự do và an ninh tập thể nữa.

Theo cách đó, ông Trump đã xóa bỏ vai trò của châu Âu trong các toan tính địa chính trị của mình và biến châu Âu thành đối thủ chứ không phải là bạn hữu.

Sự chia rẽ tất yếu

Nhìn rõ quá trình rạn nứt của mối quan hệ giữa châu Âu với Mỹ để thấy đây là tiến trình tất yếu. Đầu tiên là khi những đe dọa đối với họ từ phía Đông đã không còn sau khi Liên Xô cùng hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa sụp đổ. Cuộc chiến tranh Kosovo là cú đấm cuối cùng mà NATO tung ra để khẳng định vị thế vượt trội của mình trên bản đồ chính trị quân sự toàn cầu, đó có thể coi là thời khắc đỉnh cao của khối liên minh xuyên Đại Tây Dương này.

Sự chia rẽ sẽ bắt đầu khi những mục tiêu mới của nước Mỹ không ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu nhiều như trước nữa. Iraq, Syria hay thậm chí là Iran không phải là những mối đe dọa lớn với các quốc gia châu Âu. Chủ nghĩa khủng bố với những phần tử hồi giáo cực đoan thì là một khái niệm mơ hồ.

Trong khi đó đối thủ mới của nước Mỹ là Trung Quốc lại là một đối tác lớn của châu Âu, đặc biệt là với Đức. Điều đó sẽ khiến cho châu Âu càng khó đi cùng với Mỹ trong cuộc chiến mới mà họ đang muốn phát động. Nói một cách đơn giản, khi nước Mỹ thay đổi, châu Âu đã không thể sánh bước cùng họ nữa.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến sự rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nằm ở chính sự rạn nứt trong nội bộ của các quốc gia châu Âu. Không chỉ nước Anh chia tách khỏi EU để giữ quan hệ khăng khít với Mỹ, các quốc gia ở phía Đông của EU như Ba Lan, Czech cũng tìm kiếm nhiều những thỏa thuận song phương với Mỹ vì cảm thấy đe dọa từ phía Nga.

Trong khi đó Đức hay Pháp, những nước đang lãnh đạo châu Âu lại ngày càng muốn kết nối mạnh mẽ với Nga để tìm kiếm một nguồn năng lượng ổn định an toàn hơn. Điều này dẫn đến những phản ứng khác nhau của các nước châu Âu khi có một động thái nào đó xảy ra tác động đến vấn đề an ninh của họ. Không còn là một nhóm quốc gia cùng nhìn về một hướng nữa, EU đang phải tìm ra con đường mới để cân bằng giá trị và lợi ích của tất cả các thành viên mà nó bao gồm. Một EU quá lớn cũng đem theo không ít vấn đề. Vì vậy mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đã bị phá vỡ mà không thể hàn gắn lại bởi yếu tố khách quan là sự thay đổi của môi trường địa chính trị quốc tế, một phần khác là vì sự thay đổi nhận thức của chính những người trong cuộc.

Một tương lai đầy thách thức

Dĩ nhiên, châu Âu cũng như cả thế giới lúc này vẫn nhìn về cuộc bầu cử Mỹ với tâm trạng hồi hộp chờ đợi. Việc ai lên làm Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Ông Donald Trump đã từng hé lộ ý định rút khỏi NATO, một hành động sẽ khiến châu Âu rơi vào hỗn loạn. Bởi thực tế dù đã nhắc đến "quân đội châu Âu", nhưng cả Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lẫn những nhà lãnh đạo nước Đức đều hiểu đó còn là một hành trình dài đầy thách thức.

Ứng viên Joe Biden có mối quan hệ ôn hòa hơn với các lãnh đạo châu Âu nhưng không vì thế mà từ bỏ lợi ích của quốc gia mình.

Ông Biden, ứng viên đảng Dân chủ thì có những tuyên bố hòa nhã hơn khi ủng hộ các liên minh của Mỹ. Nhưng với chiến lược "xoay trục" không thể dừng lại thì một liên minh theo kiểu NATO mới đang được hình thành ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những đối tác như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc sẽ được ưu tiên hơn nhiều.

Nên nhớ, bất cứ ai lên làm Tổng thống Mỹ thì đều sẽ bảo vệ lợi ích của họ. Giống như người tiền nhiệm, ông Biden sẽ phản đối việc xây dựng đường ống dẫn khí từ Nga tới Đức. Ứng viên đảng Dân chủ cũng sẽ tiếp tục kêu gọi Đức và các nước khác tăng chi tiêu quân sự.

Ông Biden đã khẳng định rằng, các nước châu Âu sẽ phải sử dụng quân đội của họ để thực hiện các nhiệm vụ ở những nơi không có lợi ích của Mỹ, như ở Địa Trung Hải hoặc châu Phi. Trên hết, bất kỳ Tổng thống Mỹ nào cũng sẽ mong đợi các đồng minh của mình đứng về phía họ để chống lại Trung Quốc, một điều quá khó với những mối quan hệ chằng chịt hiện nay.

Cuối cùng, nếu châu Âu còn theo đuổi cái gọi là "chủ quyền châu Âu" thì cũng có nghĩa là họ đang tự đẩy mình ra xa khỏi những kế hoạch của nước Mỹ. Sẽ là tất yếu khi châu Âu ngày một lớn mạnh cần đi tìm con đường riêng cho mình. Châu Âu sẽ không thể dựa vào nước Mỹ để bảo đảm an ninh cho mình mãi được.

Sẽ không có "phương án B" nào cho châu Âu dù ai là người đắc cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tới. Các quốc gia châu Âu đã nhận thức rõ vấn đề này và đang hướng đến những hành động tập thể mới để gắn kết cộng đồng hơn nữa. Họ sẵn sàng để nước Anh ra đi để bảo vệ những giá trị nền tảng của mình. Đúng như một phát biểu của ông Heiko Maas, Ngoại trưởng Đức đã nói: "Sự phản ứng với nước Mỹ tốt nhất là châu Âu phải đoàn kết".

Tử Uyên

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/ho-so-interpol-cstc/chau-au-da-san-sang-cho-giai-doan-moi-618625/