Châu Âu có ngại vì Mỹ sắp trừng phạt Nord Stream-2?

Mỹ có thể trừng phạt công ty cho thuê tàu lắp đặt đường ống dự án Nord Stream-2.

Người dại điện Công ty điều hành dự án Nord Stream-2 là Nord Stream-2 AG mới đây đã thông tin cho tờ Handelsblatt của Đức rằng, Tập đoàn Allseas có trụ sở tại Thụy Sĩ và Saipem của Ý có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ vì đã tham gia vào dự án Nord Stream-2.

Tàu lắp đặt đường ống Nord Stream-2 của Allseas.

Các nguồn tin trong chính phủ liên bang Đức nói với Handelsblatt rằng, Nhà Trắng sẽ chủ yếu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tập trung đặt đường ống Nord Stream-2 thay mặt cho Nord Stream- 2 AG.

Công ty Allseas là nhà cho thuê tàu lắp đặt đường ông Nord Stream-2. Tàu Pioneering Spirit của Công ty Allseas đã tham gia lắp đặt đường ống Nord Stream-2.

Tàu đặt ống của công ty này có tốc độ lắp đặt trung bình 4 km/ngày và đã từng tham gia xây dựng đường ống cho Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ ở phần nước sâu.

Pioneering Spirit có công suất lắp đặt khoảng 4 km/ngày cho cả 2 đầu đường ống từ cả Nga và Đức. 4 km/ngày là tốc độ trung bình của việc xây dựng các đường ống ngoài khơi.

Giá thuê trung bình của tàu đặt ống như Pioneering Spirit là khoảng 0,6 triệu USD/ngày. Như vậy, chỉ sau 2 năm, tàu Pioneering Spirit sẽ mang lại cho công ty hơn 400 triệu USD tiền cho thuê tàu từ các dự án năng lượng của Nga.

Được biết, phần nhiệm vụ của Allseas đã được hoàn tất tới 90%.

Trong khi đó, Công ty Saipem cũng tham gia phần lắp đặt đường ống ở phần nước sâu, mới chỉ hoàn tất một phần việc và chưa có bình luận nào về khả năng bị trừng phạt.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell mới được bổ nhiệm hồi tháng 5/2018 nói với Handelsblatt rằng, các công ty tham gia xây dựng "luôn gặp nguy hiểm, vì các biện pháp trừng phạt luôn luôn có thể xảy ra". Ông Grenell cũng cho rằng, việc các lệnh trừng phạt luôn "lờ mờ" sẽ buộc các công ty tham gia tự rút khỏi dự án.

Đường ống Nord Stream-2 được thiết lập để dẫn khí đốt từ Nga đến Đức dưới Biển Baltic và được dự kiến sẽ tăng gấp đôi công suất 55 tỷ mét khối khí hiện có mỗi năm. Dự án có sự tham gia của các ông lớn tại châu Âu như công ty dầu khí Wintershall và Uniper của Đức, Tập đoàn đa quốc gia của Pháp - Engie, Tập đoàn năng lượng Anh- Hà Lan Royal Dutch Shell và Công ty năng lượng OMV của Áo.

Washington tuyên bố rằng đường ống này làm suy yếu an ninh và ổn định năng lượng của châu Âu. Nord Stream 2 sẽ cung cấp vận chuyển 70% doanh số bán khí đốt của Nga cho EU.

Các thành viên trong khối EU không được hưởng lợi từ dự án đã chỉ trích nặng nề dự án này như Ba Lan, Latvia, Litva, Romania và Hungary.

Bất chấp phản đối của các thành viên châu Âu, Đức đã tuyên bố đây đơn thuần là dự án kinh tế chứ không xen lẫn yếu tố chính trị và thậm chí nếu có thể như vậy thì Nga cũng đã đảm bảo rằng họ sẽ vẫn tiếp tục sử dụng đường ống dẫn trên đất liền quá cảnh qua Ukraine đến châu Âu.

EU đã có một phản ứng thống nhất đối với dự án gây tranh cãi, một phần ghi nhận những ý kiến của các thành viên phản đối dự án. Nhưng liên minh này mới chỉ dừng lại ở mức yêu cầu Đức và các thành viên tham gia xem xét lại việc dừng lại dự án hoặc cam kết mạnh mẽ vào việc quá cảnh khí đốt qua Ukraine.

Hồi tháng 12/2018, Nghị viện châu Âu (EP) đã thông qua nghị quyết phản đối dự án Nord Stream-2, cho rằng dự án này đe dọa an ninh năng lượng châu Âu, đồng thời nhấn mạnh vai trò then chốt của Ukraine trong hệ thống cung cấp năng lượng cho châu Âu.

Nội các Đức không thể hiện thái độ chấp thuận Nghị quyết này của EP.

Chủ tịch luân phiên của EU trong 6 tháng tới là Áo đã không để cho EU thảo luận về dự án Nord Stream-2.

Sơn Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/chau-au-co-ngai-vi-my-sap-trung-phat-nord-stream-2-3372612/