Châu Âu có lý do 'thận trọng một cách lạc quan' với làn sóng dịch thứ hai

Tuần trước, Liên minh châu Âu vừa đạt được sự nhất trí cao về quỹ cứu trợ Covid-19 trị giá 750 tỷ euro nhằm giải quyết vấn đề kinh tế do hậu quả của dịch bệnh. Nhưng một đợt bùng phát mới ở một số nước như Tây Ban Nha, Bỉ giống như lời nhắc nhở nghiệt ngã đối với châu Âu về mối đe dọa còn tiếp diễn của virus Corona mới.

Số ca nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha, từng là một trong những tâm dịch hàng đầu thế giới, lại tăng mạnh trở lại vào tuần trước

Số ca nhiễm Covid-19 ở Tây Ban Nha, từng là một trong những tâm dịch hàng đầu thế giới, lại tăng mạnh trở lại vào tuần trước

Mặc dù số ca nhiễm mới trên toàn châu Âu nói chung vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh bùng phát hồi tháng 4-2020, các ca bệnh ở châu lục này đang gia tăng với tốc độ cao nhất kể từ khi các biện pháp phong tỏa cứng rắn được dỡ bỏ. Ở Tây Ban Nha, số ca nhiễm mới trong ngày đạt gần 1.000 người vào tuần trước, do sự tăng vọt các trường hợp ở khu vực Aragon và Catalonia, buộc các quán bar, hộp đêm phải đóng cửa. Tại Bỉ, tình hình dịch bệnh gia tăng đã buộc chính phủ phải đưa ra các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn, chẳng hạn như hạn chế các tương tác trực diện.

Điều này không gây ngạc nhiên, bởi đó là hệ quả về dịch tễ học do nới lỏng hạn chế để ngăn ngừa dịch bệnh. Mọi người sau thời gian kiềm chế ở nhà đã đi lại, dịch chuyển nhiều hơn, điều này tạo cơ hội cho virus xâm nhập, lây lan nhanh hơn. Đáng nói, ngay cả khi các khu văn phòng và giao thông công cộng vẫn yên tĩnh, đường phố châu Âu vẫn chật kín người mua sắm, thực khách và người uống rượu. Dữ liệu mà Google đo được cho thấy lưu lượng đi lại của con người ở các khu vực như Paris của Pháp hay Madrid và Lombardy của Italia đã gần như trở lại mức trước khi có dịch.

Cho đến nay, các nước châu Âu vẫn hết sức cảnh giác với đợt bùng phát dịch thứ hai, mặc dù hiện giờ chưa được công nhận là giai đoạn đó. Kể từ khi dịch lây lan ở mức đỉnh điểm rồi hạ bớt, các công cụ theo dõi sự lây lan của virus đã được cải tiến. Và việc đeo khẩu trang, ban đầu được khuyến khích ở nhiều quốc gia, hiện đang được các nhà hoạch định chính sách thực thi một cách đúng đắn.

Giới phân tích cho rằng, một điều không mấy yên tâm là dấu hiệu mệt mỏi vì giãn cách xã hội, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Thống kê ở Tây Ban Nha cho thấy, phần lớn các ca nhiễm mới là những người ở độ tuổi 20 - 30. Thời tiết ấm áp, kỳ nghỉ mùa hè và việc mở lại các quán bar, nhà hàng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ lây truyền virus. Những người trẻ tuổi ít rơi vào tình trạng bệnh chuyển biến nghiêm trọng, nhưng giới chức y tế lại lo lắng về khả năng truyền nhiễm từ họ. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran trong tuần này đã kêu gọi giới trẻ hãy thận trọng hơn, cảnh báo rằng các quán bar trên khắp nước Pháp có thể bị đóng cửa một lần nữa.

Quyết tâm không thể đóng cửa nền kinh tế lần nữa, tránh một vòng xoáy mới của đại dịch Covid-19, các nước châu Âu đã tăng cường nguồn lực kiểm tra và truy vết các chuỗi lây nhiễm. Pháp, Tây Ban Nha và Italia đang thử nghiệm rộng rãi đến mức chỉ có khoảng 1% các xét nghiệm trả về kết quả dương tính. Nhưng vẫn còn những lỗ hổng khi các ứng dụng theo dõi liên lạc đã bị bỏ qua, các phòng xét nghiệm quá tải do nhu cầu vượt quá nguồn cung, có nghĩa là kết quả trả chậm.

“Trạng thái bình thường mới” không phải là dễ dàng cho đến khi thế giới tìm được vaccine hoặc phương pháp điều trị Covid-19. Điều đó cũng tạo sự bấp bênh cho các ngành kinh doanh như giải trí và du lịch. Tại Tây Ban Nha, dòng khách du lịch nước ngoài dự kiến sẽ chậm lại sau khi Vương quốc Anh và Na Uy áp đặt các biện pháp kiểm dịch mới đối với những người du lịch từ Tây Ban Nha trở về. Nhìn chung, châu Âu có lý do để thận trọng một cách lạc quan, bởi họ chưa thoát khỏi mối đe dọa của làn sóng dịch thứ hai. Đó sẽ là một mùa hè dài và có thể là một mùa đông khắc nghiệt hơn.

Giới phân tích cho rằng, một điều không mấy yên tâm là dấu hiệu mệt mỏi vì giãn cách xã hội, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi. Thống kê ở Tây Ban Nha cho thấy, phần lớn các ca nhiễm mới là những người ở độ tuổi 20 - 30. Thời tiết ấm áp, kỳ nghỉ mùa hè và việc mở lại các quán bar, nhà hàng là yếu tố thúc đẩy nguy cơ lây truyền virus.

Yên Vũ (Theo Bloomberg)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/chau-au-co-ly-do-than-trong-mot-cach-lac-quan-voi-lan-song-dich-thu-hai/861627.antd