Châu Âu có hai cách để đối phó với việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước INF

Chuyên gia Jean-Marie Collin cho rằng ủng hộ sáng kiến cấm tất cả các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân là cách thức khôn ngoan giúp các nước châu Âu tăng cường an ninh khu vực và toàn cầu.

Tên lửa Nga

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với RIA-Novosti, ông Jean-Marie Collin, chuyên gia từ nhóm nghiên cứu về Hòa bình và An ninh GRIP, cho biết để đáp trả việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước hạt nhân tầm trung INF, châu Âu nên nỗ lực để ký kết hiệp ước quốc tế mới cấm tất cả các loại tên lửa hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Hoa Kỳ không còn dự định tiếp tục tuân thủ Hiệp ước về các tên lửa tầm trung và tầm ngắn, bởi phía Mỹ cho rằng Moscow đã "vi phạm" hiệp ước này, do đó Hoa Kỳ sẽ rút lui. Tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến châu Âu hết sức quan ngại.

Phân tích tình hình có thể xảy ra trong trường hợp Mỹ rút khỏi INF, chuyên gia lưu ý: "Hiện giờ các nước châu Âu có hai cách để đối phó. Đầu tiên là không ngăn cản tiến trình này và bắt đầu phát triển một chính sách răn đe hạt nhân thống nhất, có thể là trên cơ sở của các kho vũ khí hạt nhân của Pháp, và do đó tiếp tục làm suy yếu an ninh toàn cầu".

"Hoặc là có một cách khác để tăng cường an ninh châu Âu, cũng có nghĩa là an ninh quốc tế, bằng cách ủng hộ sáng kiến do Thụy Sĩ và Thụy Điển đưa ra tại Liên Hợp Quốc vào năm 2016, theo đó cấm tất cả các loại tên lửa hành trình với tiềm năng hạt nhân, có nghĩa là cả tên lửa Nga, mà vì nó Hoa Kỳ đòi rút khỏi Hiệp ước", chuyên gia Collin chỉ ra.

"Hiệp ước tương lai có thể hướng đến tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân - Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nga, đây là các nước có khả năng nói trên. Ngoài ra, nó sẽ có cách thức khôn ngoan với các nước châu Âu như là một cách tái khẳng định sự sẵn sàng của họ đối với việc hỗ trợ các hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân", nhà phân tích lưu ý.

Theo ông, hàng trăm triệu người châu Âu hiện giờ có thể phải đối mặt với một nguy cơ, "như trong đầu những năm 1980, khi đếm xem liệu có thêm bao nhiêu tên lửa hạt nhân nữa sẽ được nhắm đến các thành phố của họ".

Chuyên gia cũng cảnh báo: "Cần nhấn mạnh rằng nguy cơ dẫn đến hậu quả này sẽ xuất hiện ngay khi tất cả các quốc gia có vũ khí hạt nhân bắt đầu quá trình hiện đại hóa và cập nhật kho vũ khí hạt nhân của mình".

Người phát ngôn của Tổng thống Nga Peskov, Tổng thống Nga Putin,

Người phát ngôn của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói rằng Moscow muốn nhận được lời giải thích chi tiết hơn từ Hoa Kỳ, và lưu ý thêm, việc vi phạm các điều khoản của Hiệp ước INF sẽ buộc Nga phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo an ninh. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố, bất kỳ hành động nào trong lĩnh vực này đều sẽ vấp phải sự phản đối.

Trong những năm gần đây, Moscow và Washington đã thường xuyên cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước INF. Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ tuân thủ nghiêm ngặt các nghĩa vụ của mình theo các điều khoản. Ngoại trưởng Lavrov cho biết Moscow có những nghi vấn lớn đối với việc thực hiện hiệp ước của chính người Mỹ.

Đặc biệt, Moscow chỉ ra rằng Hoa Kỳ triển khai trên đất liền, tại căn cứ quân sự ở Romania, và cũng ở Ba Lan – là những nơi có khả năng phóng tên lửa hành trình Tomahawk, vốn bị cấm theo các điều khoản của INF. Phía Nga cũng nhấn mạnh đến thực tế Hoa Kỳ đang phát triển các phương tiện bay tấn công không người lái, cũng như tài trợ nghiên cứu về việc tạo ra một tên lửa hành trình phóng từ mặt đất.

Trí Đức (Lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/chau-au-co-hai-cach-de-doi-pho-voi-viec-my-rut-khoi-hiep-uoc-inf-post280341.info