Châu Âu 'co cụm' vì Covid-19

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đã chuyển sang các biện pháp ngày càng quyết liệt để cố gắng ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2 trong ngày 15-3, với các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm và hạn chế đi lại.

Các nhà chức trách trên khắp thế giới đã chuyển sang các biện pháp ngày càng quyết liệt để cố gắng ngăn chặn đà lây lan của virus SARS-CoV-2 trong ngày 15-3, với các biện pháp phong tỏa, giới nghiêm và hạn chế đi lại.

Người dân xếp hàng dài chờ đợi nhiều giờ đồng hồ ở sân bay Mỹ sau lệnh cấm nhập cảnh từ Châu Âu của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng dài chờ đợi nhiều giờ đồng hồ ở sân bay Mỹ sau lệnh cấm nhập cảnh từ Châu Âu của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters

Các binh sĩ và cảnh sát đã niêm phong thủ đô đông dân Manila của Philippines, đánh dấu một trong những động thái ngăn chặn quyết liệt nhất ở Đông Nam Á. Còn tại Indonesia, Thị trưởng thủ đô Jakarta Anies Baswedan thông báo thành phố sẽ đóng cửa tất cả trường học và chỉ đạo các giáo viên làm việc từ xa trong vòng ít nhất 2 tuần, bắt đầu từ tuần tới, nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tây Ban Nha ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Trong khi đó, tại Châu Âu, sau Italia, Tây Ban Nha áp đặt khóa chặt 46 triệu công dân.

Trong một tuyên bố bất ngờ ngày 14-3, Tổng thống Tây Ban Nha Pedro Sanchez ban bố tình trạng khẩn cấp trong 15 ngày để đối phó với dịch Covid-19, trong đó có biện pháp cấm mọi người rời khỏi nhà trừ khi để đi làm hoặc mua nhu yếu phẩm và khám chữa bệnh. Cũng theo ông Sanchez, quân đội đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng để hỗ trợ chống dịch bệnh. Dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của 196 người ở Tây Ban Nha, khiến nó trở thành quốc gia Châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất sau Italia. Phu nhân của Thủ tướng Pedro Sanchez nằm trong số những người bị nhiễm bệnh. Thông cáo của chính phủ cho hay, cả Thủ tướng và phu nhân đều trong tình trạng sức khỏe tốt và đang ở khu nhà ở chính thức của họ theo các biện pháp mà cơ quan y tế đưa ra.

Pháp ra lệnh đóng cửa các khu du lịch mà phần còn lại của thế giới yêu thích - Tháp Eiffel, Viện bảo tàng Louvre, các quán cà-phê, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim và câu lạc bộ đêm nhưng cho biết các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc, ngân hàng và người bán thuốc lá sẽ vẫn mở và bầu cử địa phương vẫn diễn ra vào ngày 15-3. Trong khi đó, truyền thông Anh thông báo, tất cả người già trên 70 tuổi tại nước này sẽ phải bị cách ly tại nhà trong vòng 4 tháng, một phần trong nỗ lực ứng phó Covid-19. Ngoài ra, các khách sạn, các bệnh viện tư cũng như các tòa nhà khác có thể được trưng dụng để sử dụng khi cần.

Số ca tử vong do Covid-19 tại Italia tiếp tục tăng. Cơ quan bảo vệ dân sự nước này ngày 14-3 cho biết, tổng số ca tử vong lên đến 1.441 người so với 1.226 ca trong ngày 13-3. Italia vẫn là quốc gia Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh Covid-19 và đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc. Hiện Italia tiếp tục siết chặt quy định nơi làm việc, các công sở, cũng như các bước đi nhằm khuyến khích tăng cường làm việc ở nhà. Hơn nữa, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ những người lao động bị mất thu nhập trong quá trình phong tỏa toàn quốc đã được thông báo từ tuần trước.

Đóng cửa biên giới và sân bay

Tính đến ngày 15-3, dịch Covid-19 xuất hiện tại 151 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 156.000 người nhiễm, làm hơn 5.800 người chết. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác nhận Châu Âu là tâm điểm của đại dịch sau khi các ca nhiễm mới ở Trung Quốc giảm mạnh. Tại một cuộc họp ngày 15-3, Nội các Ukraine đã thông qua nghị quyết tạm thời đóng cửa biên giới vào và ra khỏi Ukraine. Nga ngừng các chuyến tàu tới Ukraine, Moldova, và Latvia.

Trong khi các quốc gia Châu Âu tăng cường kiểm soát biên giới, tại Châu Mỹ, Chile đã cách ly hơn 1.300 người trên 2 tàu du lịch sau khi một người Anh trên tàu mắc Covid-19. Trong dấu hiệu báo động đáng lo ngại hơn nữa, Mỹ gia hạn lệnh cấm du lịch áp đặt đối với các quốc gia Châu Âu, vốn bắt đầu từ nửa đêm hôm 10-3, nay bao gồm thêm cả đồng minh thân cận Anh và Ireland. Các hạn chế đã khiến các sân bay trên khắp nước Mỹ rơi vào tình trạng hỗn loạn, với những du khách đến đây buộc phải chờ hàng giờ để kiểm tra y tế. Trước đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, để có được nguồn ngân sách bổ sung 50 tỷ USD tiếp sức thêm cho các bang, địa phương và các vùng lãnh thổ của Mỹ trong dịch bệnh.

Tại Australia, chính phủ nước này ngày 15-3 tuyên bố bắt buộc mọi hành khách nhập cảnh phải tự cách ly 14 ngày. Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, kể từ nửa đêm 15-3, nước này sẽ bắt đầu áp dụng quy định bắt buộc mọi hành khách quốc tế tới nước này phải tự cách ly 14 ngày. “Chúng ta sẽ phải làm quen với một số thay đổi trong cách sống”, Thủ tướng Morrison nói và nhấn mạnh thêm, “Australia cũng sẽ cấm các tàu du lịch từ các cảng biển nước ngoài cập cảng trong giai đoạn ban đầu kéo dài 30 ngày”. Australia đã ghi nhận 250 ca nhiễm, trong đó có 3 người đã tử vong.

Thiệt hại quá lớn

Chi phí nhân lực nhanh chóng được so sánh với chi phí kinh tế và thiệt hại thị trường tài chính phải chịu đựng sau cú sốc Covid-19, và sau đó là những khoản lãi khổng lồ phải chi trả.

Gã khổng lồ công nghệ Apple đã đóng cửa tất cả các cửa hàng bên ngoài Trung Quốc cho đến ngày 27-3. Trong khi đó, British Airways trở thành Cty toàn cầu mới nhất gợi ý về hành động quyết liệt sắp tới, trong đó CEO Alex Cruz nói với các nhân viên về khả năng sẽ sa thải nhân công. Các hãng hàng không đã hủy hàng ngàn chuyến bay trên toàn thế giới và một số sân bay đã đóng cửa. Tại nền kinh tế số 1 thế giới, các hãng hàng không đang chật vật ứng phó với tình trạng nhu cầu giảm mạnh trên toàn cầu khi đồng loạt cắt giảm bay quốc tế. Hôm 14-3, American Airlines – hãng hàng không lớn nhất ở Mỹ thông báo kế hoạch cắt giảm 75% số chuyến bay quốc tế đến ngày 6-5 tới và đình chỉ gần như toàn bộ hoạt động của các máy bay thân rộng. Hãng hàng không United Airlines cũng cho biết kể từ ngày 16-3 sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay tới London khởi hành từ thành phố Houston và Denver.

Nhà sản xuất ô-tô hạng sang Ferrari của Italia cho biết đã ngừng sản xuất 2 tuần tại 2 nhà máy của hãng vì lệnh phong tỏa.

Giới khoa học Anh phản bác ý tưởng “miễn dịch cộng đồng”

Khi các chuyên gia kinh tế và các chuyên gia tài chính nỗ lực trấn an thị trường, giảm bớt tác động, các chính phủ đang phải đối mặt với những vấn đề nan giải về sức khỏe cộng đồng - liệu có nên nỗ lực dập tắt dịch bệnh này với những hạn chế quyết liệt hay cố gắng quản lý sự lây lan từ từ theo cách của Anh với chiến lược được gọi tên là “miễn dịch cộng đồng”.

Tuy nhiên, hôm 15-3, nhóm 229 nhà khoa học Anh thúc giục chính phủ áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn để ngăn chặn dịch Covid-19, thay vì chiến lược “miễn dịch cộng đồng”. Theo họ, cách tiếp cận “miễn dịch cộng đồng” hiện nay sẽ khiến dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) bị gia tăng căng thẳng và “rủi ro nhiều sinh mạng hơn mức cần thiết”. Các nhà khoa học cũng chỉ trích bình luận của Cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallance, về “miễn dịch cộng đồng”. Hôm 13-3, cố vấn Patrick đề xuất ý tưởng kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh theo đó để dân số có thể tạo cơ chế miễn dịch đối với dịch bệnh. Theo ước tính, “miễn dịch cộng đồng” đối với dịch Covid-19 có thể đạt được với khoảng 60% dân số nhiễm bệnh. Giáo sư Willem van Schaik của Đại học Birmingham cho rằng, để có được miễn dịch cộng đồng, Anh phải cần ít nhất 36 triệu người nhiễm bệnh và phục hồi. Tuy nhiên, ở điểm này, đây không phải là một lựa chọn chắc chắn. Đáp lại, Bộ Y tế Anh nói rằng bình luận của ông Patrick đã bị hiểu sai.

KHẢ ANH

Tổng thống Mỹ âm tính với SARS-CoV-2

Bác sĩ của Nhà Trắng, tiến sĩ Sean Conley ngày 14-3 cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.

Ông Trump đã phải đi xét nghiệm sau khi có tiếp xúc với một số thành viên trong phái đoàn của Tổng thống Brazil tới thăm khu nghỉ dưỡng của ông Trump ở bang Florida, sau đó những người này đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trong một thông báo nội bộ, bác sỹ Conley nêu rõ: “Đêm nay tôi đã có xác nhận rằng kết quả xét nghiệm là âm tính... Một tuần sau khi dùng bữa tối với phái đoàn Brazil tại Mar-a-Lago, Tổng thống vẫn không có triệu chứng gì”.

-------

Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố các vùng thảm họa đặc biệt

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 15-3 tuyên bố thành phố Daegu ở khu vực Đông Nam và 3 vùng lân cận ở tỉnh Bắc Gyeongsang là những vùng thảm họa đặc biệt, qua đó dọn đường cho chương trình hỗ trợ quốc gia dành cho những khu vực đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 này.

Đây là lần đầu tiên chính phủ Hàn Quốc tuyên bố một khu vực nhất định là vùng thảm họa đặc biệt vì những lý do không liên quan đến thiên tai. Daegu là ổ dịch ở Hàn Quốc, chiếm gần 90% tổng số ca nhiễm bệnh. 3 vùng khác thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang là thành phố Gyeongsan, cùng 2 huyện Cheongdo và Bonghwa. Trước đó, chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố Daegu, Cheongdo và Gyeongsan là “các vùng quản lý đặc biệt”.

-------

Israel hoãn phiên tòa xét xử Thủ tướng Netanyahu vì dịch Covid-19

Ngày 15-3, Bộ Tư pháp Israel tuyên bố, phiên tòa xét xử Thủ tướng Benjamin Netanyahu vì các cáo buộc tham nhũng sẽ được hoãn lại trong 2 tháng, cho tới tháng 5, do dịch Covid-19.

Theo bộ trên, phiên tòa - theo kế hoạch sẽ được mở vào ngày 17-3 với phần đọc cáo trạng kết tội nhà lãnh đạo có thời gian phục vụ lâu nhất của Israel về 3 vụ án tham nhũng - sẽ hoãn đến ngày 24-5.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_221782_chau-au-co-cum-vi-covid-19.aspx