Châu Âu có bắt kịp Mỹ và Trung Quốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo?

Bài viết này là nhận định của cây bút Leonid Bershidsky của chuyên mục Bloomberg Opinion. Ông Serkshidsky chuyên viết tin kinh tế và chính trị châu Âu, là chủ bút sáng lập nhật báo kinh doanh Nga Vedomosti.

Ảnh: Bloomberg

2018 là năm ghi nhận nhiều tiếng tăm lẫn thành tựu công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện máy móc vẫn chỉ đánh bại con người trong môi trường được xây dựng cẩn thận hoặc đảm nhiệm các nhiệm vụ hạn chế, nhưng tin tốt là khi công nghệ phát triển, cuộc đua giành quyền đi đầu vẫn rộng mở và khá cạnh tranh ngay cả ở châu Âu, nơi giới chính trị gia băn khoăn liệu lục địa già có bị tụt hậu so với Trung Quốc hoặc Mỹ hay không.

Theo báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo 2018 do nhiều học giả AI hàng đầu như Yoav Shoham thuộc Đại học Stanford và Erik Brynjolfsson thuộc Viện Công nghệ Massachusetts thực hiện, AI tiến bộ trên tất cả các thước đo được theo dõi. Một số thước đo, chẳng hạn như số lượng bài báo, hội nghị, báo cáo kết quả kinh doanh công ty và phiên điều trần quốc hội có nhắc đến AI, đo lường độ “hot” của công nghệ này. Các thước đo khác thì phản ánh hiệu suất.

Năm nay, AI chính xác hơn và nhanh hơn trong việc phát hiện hình ảnh. Nó cũng có cải thiện phân tích cấu trúc ngữ pháp câu, trả lời câu hỏi trắc nghiệm và dịch thuật. Dù vậy, quá trình phát triển có đưa chúng ta đến gần hơn với “siêu người AI” thực thụ hay không vẫn còn là nghi vấn.

Điểm trung bình mà chương trình Học Đánh giá Song ngữ đưa ra cho các bài báo chuyển ngữ Anh và Đức tăng đều - Ảnh: Bloomberg

Về mặt dịch thuật, biện pháp Học Đánh giá Song ngữ được dùng để xác định độ chính xác. Nó so sánh các câu dịch bằng máy với câu dịch của người. Năm nay, gần 1/2 bản dịch do máy thực hiện giữa bài báo tiếng Anh và tiếng Đức ngang ngửa với chất lượng bản dịch do con người thực hiện. Microsoft tuyên bố rằng AI của họ làm tốt như con người trong việc dịch tin từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Anh song thực tế, máy móc dịch Hoa ngữ đạt điểm chính xác thấp hơn so với máy móc dịch Đức ngữ.

Công nghệ nhận dạng hình ảnh cải thiện cũng hỗ trợ lĩnh vực y học. Đơn cử, Google phát triển hệ thống phân loại ung thư tuyến tiền liệt chính xác hơn so với giới bệnh lý học ở Mỹ. Một nhóm nhà nghiên cứu thuộc Đại học Stanford cũng đạt thành công tương tự với bệnh ung thư da. Ở các lĩnh vực có nhiều dữ liệu, cần độ chính xác, AI có thể giúp con người đưa ra quyết định dù đôi khi sai sót nếu được “huấn luyện” bởi các tập dữ liệu mang thiên kiến hoặc bị đánh lừa một cách có chủ ý. Con người thì ít có xu hướng sai trong việc xác định đối tượng. Họ cũng sửa chữa thành kiến tốt hơn.

Như nhiều tiến bộ công nghệ khác, AI được chú ý quá nhiều và quá sớm. Song nếu như những năm trước, một số học giả AI cho rằng sự cường điệu có thể cản trở tiến bộ vì mọi người sẽ thất vọng về lời hứa của công nghệ mới, thì năm nay sự chú ý lẫn nguồn lực tài chính, trí tuệ dành cho AI đều trở nên bền vững. Giờ đây, cạnh tranh trong AI là vấn đề uy thế với các nước và khu vực lớn.

Tỷ lệ các giám đốc có doanh nghiệp dùng AI trong ít nhất một bộ phận kinh doanh ở Bắc Mỹ, các thị trường đang phát triển trong đó có Trung Quốc và châu Âu - Ảnh: Bloomberg

Mỹ, châu Âu và Trung Quốc đều có thế mạnh riêng trong AI. Dữ liệu từ báo cáo Chỉ số Trí tuệ Nhân tạo cho thấy Mỹ là nước đi đầu trong số lượng bằng sáng chế, Trung Quốc dẫn đầu về số lượng nghiên cứu, bài viết học thuật được đệ trình và chấp nhận tại các hội nghị AI lớn.

Song châu Âu mới là nơi có nhiều nghiên cứu, bài viết học thuật về AI nhất khi chiếm 28% thế giới, nhiều hơn của Mỹ và Trung Quốc vốn lần lượt là 17% và 25%. Báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra tháng này cho hay EU là nhà của hơn 1/4 trong số khoảng 35.000 thực thể làm việc trong lĩnh vực AI, trong khi dữ liệu này của Mỹ và Trung Quốc lần lượt là 28% và 23%.

Theo hãng McKinsey & Co., châu Âu cũng bắt kịp với đối thủ cạnh tranh về mặt áp dụng AI vào kinh doanh, đặc biệt là quá trình tự động hóa. Điều này có thể gây ngạc nhiên cho các lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là lãnh đạo Đức và Pháp, những người thường cho rằng lục địa già tụt hậu so với hai cường quốc còn lại. Đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier ủng hộ ý tưởng về một tập đoàn do nhà nước quản lý ở châu Âu kết hợp cùng Airbus để cạnh tranh trong mảng AI.

Châu Âu không thực sự cần sự can thiệp của nhà nước để bắt kịp với các khu vực khác như thời thập niên 1960, 1970 khi Boeing thống trị ngành công nghiệp chế tạo máy bay. Song chính phủ EU và Bắc Mỹ, Trung Quốc sẽ rót thêm nguồn lực vào AI trong những năm tới. Các mô hình phát triển khác biệt sẽ có khả năng kết tinh ở nhiều nước quan trọng vì quy định đi theo dòng chảy vốn.

Trung tâm Nghiên cứu Chung cho hay có ba cách tiếp cận dễ dàng phù hợp với từng khu vực là “AI vì lợi nhuận”, “AI để kiểm soát” và “AI cho cộng đồng”. Bất kể công nghệ AI cuối cùng hoạch động tốt ra sao, các nước lớn đều đã đồng ý hợp tác vì quyền lực mềm và sự cạnh tranh lý tưởng. Cuộc đua AI thời nay chính là cuộc đua lên không gian hồi thế kỷ trước.

Thu Thảo

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/cong-nghe/chau-au-co-bat-kip-my-va-trung-quoc-trong-cuoc-dua-tri-tue-nhan-tao-1038171.html